Ai chịu trách nhiệm công trình sai phạm ở chùa Hương?

Không gian bên trong toà Hương nghiêm pháp đường. Ảnh: Toan Toan.
Không gian bên trong toà Hương nghiêm pháp đường. Ảnh: Toan Toan.
TPO - Sở VHTT và các sở ban ngành, nhà khoa học chỉ ra sai phạm rõ ràng của công trình không phép ở chùa Hương, tuy nhiên lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức vẫn quanh co về việc có cấp phép hay không cho công trình Hương nghiêm pháp đường

Trong buổi làm việc với đoàn thanh tra liên ngành do Sở VHTT Hà Nội dẫn đầu, trụ trì chùa Hương, Thượng tọa Thích Minh Hiền khẳng định “có chữ ký đồng ý của huyện vào tờ trình của nhà chùa để xây dựng Hương nghiêm pháp đường”.

Tuy nhiên, khi lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội chất vấn, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức không đưa ra lời giải thích thuyết phục.

“Năm 2011 nhà chùa có tờ trình xin ý kiến huyện, nhưng huyện không thể nhớ được cụ thể tờ trình như thế nào”, ông Hậu nói. Điều đáng nói là di tích quốc gia khu di tích thắng cảnh Hương Sơn được UBND thành phố Hà Nội giao cho UBND huyện Mỹ Đức quản lý toàn diện. Cho dù có hẳn BQL trực tiếp giải quyết các vấn đề của di tích, nhưng trách nhiệm của UBND huyện Mỹ Đức không thể chối cãi.

Ông Hậu lí luận, Hương nghiêm pháp đường vốn nằm trên khu nhà cũ, nay được xây mới với mục đích phục vụ khách thân tín, đội ngũ phục vụ của nhà chùa.

“Người quản lý, BQL có biết nhưng thôi vì mục đích sử dụng cấp thiết nên vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục. Khuôn viên đó ở ngay thung lũng rất nhỏ, công trình nào cũng nhỏ, khó xê dịch, chuyển đổi. Chúng tôi hiểu có gì đó chưa thật đến nơi đến chốn nên hồ sơ chưa đúng với quy định”, ông Hậu nói thêm.

Là người được giao phụ trách công tác chỉ đạo, tổ chức chùa Hương và quản lý trong lĩnh vực văn hóa, nhưng phần trả lời của ông Nguyễn Văn Hậu không thuyết phục.

Luật Di sản sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định rõ về quy trình, thủ tục xin cấp phép khi xây dựng, tu bổ bất cứ hạng mục nào trong di tích, hoặc có khả năng gây ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường của di tích. Cơ quan quản lý địa phương không thể thờ ơ, đổ tại thiếu hiểu biết pháp luật. PGS.TS. Trần Lâm Biền, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nhấn mạnh rằng, đã là di tích quốc gia, người có quyền đồng ý cuối cùng là Bộ trưởng.

Cuộc thanh tra của Hà Nội đầu tuần chưa thể giải quyết ngay những sai phạm của tòa Hương nghiêm pháp đường, tuy nhiên lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội và một số nhà khoa học nhấn mạnh “phải tuân thủ luật di sản”. Để xảy ra tình trạng xây dựng một công trình bề thế, kiến trúc lạ suốt 3 năm trời, đưa vào sử dụng 2 năm mới được báo chí phát hiện, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức không thể chối bỏ trách nhiệm.

Ông Hậu tiếp tục kiến nghị Hà Nội sớm có giải pháp “xem xét để  tiếp tục sử dụng công trình và cho phép hoàn thiện hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền. Đề nghị Sở VHTT Hà Nội sớm trình thành phố giải quyết vấn đề này, để có thể được công nhận di tích quốc gia đặc biệt”, ông Hậu nói. Các nhà khoa học, đại diện Sở VHTT Hà Nội giữ quan điểm thận trọng khi xử lý, nhưng cũng phải làm rõ trách nhiệm và có những cam kết rõ ràng hơn.

PGS.TS. Trần Lâm Biền nhấn mạnh phải nghiêm, “pháp luật phải được thực thi” vì nếu không sẽ nhờn. Các nhà khoa học khác phân tích thêm, giá trị quốc gia đặc biệt của chùa Hương là xứng đáng, nhưng “trượt” danh hiệu vì tình trạng để xảy ra sai phạm nghiêm trọng thời gian qua. Nếu nhà quản lý địa phương tiếp tục để xảy ra những tình trạng tương tự, thì danh xưng “Nam thiên đệ nhất động” chẳng mấy chốc bị biến dạng vì xây dựng tràn lan, không đúng phép. 

Đại diện của Sở Xây dựng Hà Nội cũng nêu rõ, tính đến thời điểm này chưa hề nhận được bất cứ văn bản nào liên quan đến công trình Hương nghiêm pháp đường này. Bộ VHTTDL, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho công trình này cũng chưa nhận được văn bản nào. Như vậy, UBND huyện Mỹ Đức phải lãnh trách nhiệm về việc để công trình xây dựng, tồn tại trong suốt thời gian qua. Sở VHTT Hà Nội sẽ làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp báo cáo UBND TP. Hà Nội trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG