Agribank Đồng Nai: Vung tay cho vay, ngập đầu nợ xấu

Nhiều tài sản đảm bảo được Agribank Đồng Nai định giá cao gấp nhiều lần giá trị thực. Ảnh: Đại Dương
Nhiều tài sản đảm bảo được Agribank Đồng Nai định giá cao gấp nhiều lần giá trị thực. Ảnh: Đại Dương
TP - Bất chấp các quy định cũng như khả năng trả nợ của khách hàng, từ nhiều năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Agribank Đồng Nai) đã vung tay cho vay khiến nợ xấu chất chồng và hàng trăm tỷ đồng có nguy cơ mất trắng.

Bài 1: Doanh nghiệp ngắc ngoải vẫn được rót vốn

Doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, thậm chí phá sản nhưng vẫn được Agribank Đồng Nai bơm vốn.

Từ năm 2003 đến 2008, Agribank Đồng Nai cho Công ty TNHH Tân Chi Mei vay theo 4 hợp đồng tín dụng với tổng số nợ 1.300.000 USD, trong đó có một hợp đồng vay 400.000 USD để mua máy móc sản xuất vớ (tất). Cuối tháng 2/2008, Công ty Tân Chi Mei ngưng hoạt động, nợ quá hạn bao gồm nợ gốc và lãi 616.000 USD. Riêng nợ gốc 583.900 USD, trong đó dư nợ nội bảng nhóm 5 (nợ xấu) 352.000 USD.

“Chết”, ngắc ngoải vẫn tiếp tục bơm vốn


Mặc dù vậy, trong tờ trình thẩm định ngày 21/4/2008 về việc mua máy móc thiết bị của Công ty TNHH Việt Bạn, Agribank Đồng Nai vẫn xác định hoạt động đã có doanh thu, đã sản xuất và kinh doanh vớ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước với 20 cửa hàng (của Công ty TNHH Tân Chi Mei).

Công ty Việt Bạn xây dựng phương án vay vốn để mua máy móc sản xuất vớ, nhưng thực tế là tiếp nhận toàn bộ hoạt động của Công ty TNHH Tân Chi Mei trong thời điểm công ty này đang gặp khó khăn, song Agribank Đồng Nai vẫn chấp nhận. 

Từ đó, ngày 28/4/2008 Agribank Đồng Nai cho Công ty TNHH Việt Bạn vay 600.000 USD để nhận chuyển nhượng máy móc thiết bị của Công ty TNHH Tân Chi Mei, thực chất là nhận lại toàn bộ hoạt động của Công ty TNHH Tân Chi Mei. Sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty TNHH Việt Bạn gặp khó khăn, sản xuất bị thu hẹp nên công ty không trả được nợ đúng hạn cho ngân hàng. 

Agribank Đồng Nai cũng đã cho nhiều doanh nghiệp khác vay với khoản tín dụng lớn, sau đó cũng rơi vào trường hợp tương tự kể trên. Công ty TNHH Chempack Việt Nam thành lập tháng 7/2004 và 4 năm sau đổi tên thành Công ty TNHH Kwangsung Việt Nam. 

Từ năm 2005 đến 2009, công ty này vay chi nhánh Agribank KCN Tam Phước (thuộc Agribank Đồng Nai), nhiều khoản với tổng trị giá 6.550.000 USD để đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhập máy móc và bổ sung vốn lưu động.

Tài sản đảm bảo là công trình gắn liền trên đất và máy móc thiết bị, tổng trị giá tính đến tháng 6/2009 là trên 64,3 tỷ đồng (số làm tròn) và gần 6 triệu USD. Từ năm 2006-2009, mặc dù công ty hoạt động thua lỗ nhưng tháng 12/2009 Agribank KCN Tam Phước vẫn cho vay thêm 250.000 USD. 

Tháng 3/2010, Agribank Tam Phước đã phải ra thông báo về việc công ty quá hạn trả nợ từ 31/12/2009 và xử lý tài sản đảm bảo. Mặc dù vậy, chi nhánh ngân hàng này vẫn tiếp tục giải ngân đến tháng 7/2010.   

Từ năm 2011 đến nay công ty ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh và không có nguồn thu để trả nợ. Tính đến 30/4/2014, tổng dư nợ quy đổi lên đến gần 122,5 tỷ đồng, trong đó nợ xấu trên 23,8 tỷ đồng.

“Bơm” giá trị tài sản và thẩm định trên giấy 

Việc định giá để Công ty TNHH Việt Bạn vay của Agribank Đồng Nai được xác định chỉ dựa trên hóa đơn chứng từ, không thẩm định theo giá thị trường tại thời điểm cho vay.

Cụ thể, để đảm bảo cho khoản vay 600.000 USD, các cán bộ, nhân viên có liên quan của Agribank Đồng Nai đã định giá lô máy móc thiết bị này lên tới trên 1 triệu USD. Việc định giá máy móc thiết bị bằng USD (năm 2006 khoảng 16.000 VND/USD) nên giá trị quy ra VND ở thời điểm xử lý tài sản có sự chênh lệch lớn (năm 2010: khoảng 21.000 VND/USD) dẫn đến khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo để bù đắp khi khoản vay quá hạn do phải giảm giá nhiều lần. 

Thanh tra NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho rằng, Agribank Đồng Nai đã thực hiện định giá tài sản thế chấp là máy móc thiết bị không phù hợp với giá trị thực tế. Đó cũng chính là lý do mặc dù đã nhiều lần giảm giá tài sản đảm bảo nhưng vẫn không bán được. 

Một trường hợp khác, Công ty TNHH Gaeu Vina vay 200.000 USD vào tháng 5/2004 và tài sản đảm bảo bao gồm máy móc thiết bị được định giá 433.000 USD (tương đương khoảng 6,8 tỷ đồng ở thời điểm đó). Sau khi phát sinh nợ quá hạn, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, Agribank Đồng Nai tiến hành phát mãi tài sản thế chấp và chỉ thu được 615 triệu đồng.   

Tháng 11/2007, Agribank Đồng Nai cho Công ty TNHH Nam Việt vay 60 tỷ đồng với thời hạn 12 tháng, gia hạn nợ gốc 12 tháng để thanh toán phí sang nhượng đất đai tại phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM. Tuy nhiên, tại thời điểm cho vay và giải ngân, dự án chưa được phê duyệt mà chỉ có các văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước trả lời dự án phù hợp với quy hoạch, chưa thẩm định được khả năng sinh lời từ việc đầu tư dự án và nguồn trả nợ là từ góp vốn liên doanh với Công ty EZ Lopers (góp vốn bằng quyền sử dụng đất sau khi sang nhượng toàn bộ khu đất) nhưng vẫn không có các văn bản góp vốn và xác định lợi nhuận từ việc góp vốn. 

Quy định thực hiện các biện pháp đảm bảo tiền vay trong hệ thống NHNN&PTNT Việt Nam quy định đất nông nghiệp được xác định theo giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định ban hành theo từng thời kỳ. 

Trong khi đó, tài sản đảm bảo là đất nông nghiệp (tổng diện tích 4.463 m2) nhưng Agribank Đồng Nai lại định giá trung bình 18 triệu đồng/m2, cao gấp 4 lần quy định của UBND TPHCM. Định giá tài sản đảm bảo cao gấp nhiều lần quy định dẫn đến cho vay vượt hạn mức cho phép. 

Vì nhiều lý do, Công ty TNHH Nam Việt không triển khai thực hiện dự án được như kế hoạch. Từ tháng 12/2010 đến nay, việc trả nợ ngân hàng của công ty gặp khó khăn. Nợ ngân hàng Agribank Đồng Nai của công ty tính đến 30/4/2014 là trên 51,4 tỷ đồng, trong đó nợ xấu gần 31,6 tỷ đồng.

Nợ xấu chất chồng

Kết luận thanh tra của ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai mới đây xác định, tính đến ngày 30/4/2014, tổng dư nợ của 9 khách hàng doanh nghiệp vay trong khoảng thời gian 10 năm qua lên tới 3.102 tỷ đồng và trên 2 triệu USD. Nhiều khách hàng trong số đó có mức nợ xấu cao, kéo dài, và khả năng khắc phục hậu quả, xử lý nợ xấu rất khó khăn. 

Đến nay, Agribank Đồng Nai mới tiến hành thu hồi nợ của 6 trong số 9 khách hàng doanh nghiệp kể trên được 26,35 tỷ đồng.
Nợ xấu tại hệ thống Agribank Đồng Nai hiện vẫn ở mức cao và không ngừng gia tăng.

Kết luận thanh tra của ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai mới đây xác định, tính đến ngày 30/4/2014, tổng dư nợ của 9 khách hàng doanh nghiệp vay trong khoảng thời gian 10 năm qua lên tới 3.102 tỷ đồng và trên 2 triệu USD.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.