Minh bạch chi tiêu ngân sách
Tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2014 (VDPF 2014), do Bộ KH&ĐT cùng WB tổ chức sáng 5/12, bà Victoria Kwakwa khuyến nghị, Chính phủ cần tăng cường minh bạch trong quá trình lập, duyệt kế hoạch tài khóa, thực hiện chính sách tiền tệ, tỷ giá vận hành theo nguyên tắc thị trường hơn. Ngoài ra, thời gian qua kinh tế tư nhân phải vật lộn với nhiều khó khăn, nên cần được hỗ trợ phát triển. “Không quốc gia nào có thể phát triển nếu dựa hoàn toàn vào khu vực doanh nghiệp (DN) nước ngoài”, bà Victoria Kwakwa nói.
Ngoài ra, Việt Nam cần xem lại vai trò của kinh tế nhà nước. Theo bà Kwakwa, Việt Nam đã dựa vào DNNN để quản lý kinh tế vĩ mô, giữ vai trò dẫn đường trong quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy cách tiếp cận này không mang lại nhiều hiệu quả. Theo đó, việc cải cách DNNN cần theo hướng giảm tập trung vào số lượng, mà tập trung đến chất lượng, như nâng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong DNNN. Đồng thời, công khai thông tin thường kỳ với độ tin cậy cao, chấm dứt ưu đãi vốn và đất đai, áp ngân sách cứng lên các DNNN.
Theo báo cáo của Chính phủ, tới ngày 12/11, Việt Nam đã được các đối tác cấp 4,019 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Dự kiến, cả năm 2014, tổng vốn ODA và vay ưu đãi khoảng 5 tỷ USD. Về giải ngân, trong 10 tháng năm 2014, giải ngân được 4,46 tỷ USD, tập trung cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp thoát nước…
Đại diện WB tại Việt Nam khuyến nghị, cần một kế hoạch rõ ràng giải quyết nợ xấu trong quá trình thực hiện cải cách ngành ngân hàng. Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ra đời, nhưng phải trả lời câu hỏi cơ bản hơn là: “Lấy vốn ở đâu ra để giải quyết nợ xấu?”.
Nếu không có giải pháp đáng tin cậy, các ngân hàng sẽ ngần ngại khi cho DN tư nhân vay vốn, đặc biệt các DN nhỏ. Ngoài ra, những đòi hỏi về giảm tham nhũng và lạm dụng nguồn lực công cũng được đặt ra, thông qua các chính sách công khai quản lý tài chính, minh bạch mua sắm công…
Đại diện Ủy ban châu Âu tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Do vậy, thách thức ngày càng tăng, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa, khu vực khó khăn. Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng phải mở rộng cơ chế thị trường, nên chống tham nhũng, minh bạch phải đạt được nhanh để tạo ra tác động mạnh (như tạo minh bạch trong chi tiêu ngân sách từ đó tăng niềm tin cho DN và đối tác). “Dù các nước châu Âu vẫn đang gặp khó khăn, nhưng chúng tôi luôn dành ưu tiên hỗ trợ Việt Nam”, vị này nói.
Doanh nghiệp nhiều nhưng yếm thế
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện Việt Nam có trên 500.000 DN đang hoạt động và có 4,6 triệu hộ kinh doanh. Dù có số lượng đông đảo nhưng cơ cấu lại bất hợp lý. Cụ thể, số DN cỡ vừa và lớn chỉ chiếm 4%, trong khi 96% còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ.
“Trong hội nhập sâu rộng, chỉ những DN cỡ vừa và lớn mới có khả năng tham gia chuỗi liên kết hiệu quả với kinh tế thế giới. Tuy nhiên, chúng ta lại quá nhiều DN nhỏ, đó là lý do tại sao khi DN nước ngoài vào đầu tư họ tồn tại như những “ốc đảo” trong nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam là phát triển DN nhỏ lên cỡ vừa và lớn, điều lâu nay ít được quan tâm tới.
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, hiện Việt Nam đang thực hiện những cải cách mạnh mẽ về thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thị trường.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành xem xét lại quá trình cổ phần hóa. Theo đó, đặc biệt lưu ý tỷ trọng vốn góp của nhà đầu tư, không thể tư nhân chỉ chiếm 3-5% vốn cũng gọi là cổ phần (phải để tư nhân tham gia góp vốn 50-70%, thậm chí là 100%).
Tiếp đó, Quốc hội cũng đưa ra khái niệm DNNN phải 100% vốn nhà nước… “Đây là thay đổi tư duy rất lớn, để đạt mục tiêu các DNNN sau cổ phần phải hoạt động hiệu quả”, Bộ trưởng Vinh nói.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các nhà tài trợ, đối tác trong thời gian tới. Thủ tướng cam kết sẽ sử dụng hiệu quả nguồn lực tài trợ để phục vụ phát triển đất nước. Người đứng đầu Chính phủ khái quát 6 trọng tâm điều hành trong năm 2015. Trong đó, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực, cải cách mạnh thủ tục hành chính; cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh để DN phát triển, đặc biệt phát triển mạnh DN tư nhân.
Thủ tướng nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong năm tới. Theo đó, quyết tâm thực hiện kiên trì, đồng bộ các biện pháp phòng chống tham nhũng; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát hiện và kiên quyết xử lý theo pháp luật các hành vi tham nhũng. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục mục tiêu bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả các mục tiêu thiên niên kỷ…