Agribank đồng hành phát triển kinh tế miền Trung bền vững

Với chủ đề “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững”, Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 đã khai mạc sáng 25/9 tại Đà Nẵng dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ. Đồng hành cùng sự kiện này, Agribank khẳng định vai trò, đóng góp tích cực của NHTM chủ lực trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn, đồng hành cùng các địa phương duyên hải miền Trung phát triển bền vững.

Tìm giải pháp phát triển kinh tế miền Trung bền vững

Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức với sự tham dự của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, địa phương, tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ và 400 lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp 9 tỉnh, thành duyên hải miền Trung.

Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2 tập trung  bàn thảo 03 vấn đề chính: Giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển vùng Duyên hải miền Trung; giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung bền vững; phát triển kinh tế tư nhân- Động lực phát triển kinh tế miền Trung bền vững”.

Agribank đồng hành phát triển kinh tế miền Trung bền vững ảnh 1

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ 
phát biểu tại Diễn đàn

Miền Trung có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta; trong đó vùng duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, thành phố (TP Đà Nẵng và 8 tỉnh gồm: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Khu vực này được xem là “mặt tiền biển” của đất nước, chiếm gần 50% chiều dài bờ biển của cả nước. Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội miền Trung có những chuyển biến mạnh mẽ; trong đó tốc độ tăng trưởng của Vùng duyên hải bình quân giai đoạn 2011-2016 đạt 8,4%/năm, cao hơn bình quân cả nước (5,9%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 72%.

Mục tiêu của Diễn đàn lần này nhằm tạo ra một xung lực mới trong nhận thức cũng như hành động của các bộ, ngành, các địa phương vùng duyên hải miền Trung, các doanh nghiệp cùng chung tay góp sức để các tỉnh vùng duyên hải miền Trung thật sự liên kết, đồng lòng, chung mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội, qua đó hiện thực hóa chủ trương đường lối của Đảng đó là: Chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, các khu kinh tế, các khu công nghiệp. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; khắc phục tình trạng phát triển trùng dẫm, manh mún, kém hiệu quả. Nghiên cứu cơ chế quản lý liên kết hợp tác phát triển vùng phù hợp.

Phát huy vai trò của Agribank đối với phát triển kinh tế vùng

Với nhận thức, phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhiều năm trở lại đây, Agribank cùng ngành Ngân hàng tham gia tích cực vào rất nhiều các chương trình hỗ trợ vốn đầu tư phát triển kinh tế vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và có nhiều đóng góp tích cực đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế trọng điểm này.

Agribank đồng hành phát triển kinh tế miền Trung bền vững ảnh 2

Toàn cảnh Diễn đàn

Riêng tại khu vực duyên hải miền Trung, thông qua cung ứng nguồn vốn và sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại phù hợp, Agribank luôn khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, tiên phong triển khai mạnh mẽ các chương trình trọng điểm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như cho vay phục vụ chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 63,65,68/2013/QĐ-TTg; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; Cho vay gia súc, gia cầm; Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao; Cho vay xây dựng nông thôn mới gắn với các hoạt động thiết thực về an sinh xã hội.

Tính đến 31/8/2017,  tổng nguồn vốn huy động của Agribank tại khu vực duyên hải miền Trung đạt trên 77.000 tỷ đồng, nguồn tiền gửi dân cư tăng trưởng ổn định, khẳng định sự tin tưởng của khách hàng đối với Agribank. Các chi nhánh Agribank khu vực duyên hải miền Trung đã giải ngân vốn vay cho trên 7.500 doanh nghiệp và trên 433.000 khách hàng hộ sản xuất và cá nhân với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 67.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ trên 71% tổng dư nợ. Bám sát kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và trên cơ sở phát huy lợi thế của từng tỉnh và khu vực, Agribank tập trung nguồn vốn đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực trọng điểm như: du lịch, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, phát triển khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, bệnh viện, đầu tư vốn cho hộ nông dân trồng mía, trồng nguyên liệu giấy và các loại cây ngắn ngày khác; cho vay xây dựng nông thôn mới, chương trình tín dụng theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ… Thực tế cho thấy, đồng vốn của Agribank đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp, hộ nông dân khu vực duyên hải miền Trung có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi địa phương, thực sự là “đòn bẩy” thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới...

Với mục tiêu góp phần thúc đẩy kinh tế miền Trung phát triển bền vững, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Agribank luôn chú trọng đầu tư các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường, cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích đáp ứng nhu cầu đa dạng của đông đảo khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Để nguồn vốn Agribank ngày càng phát huy hiệu quả hơn nữa, đồng thời để phát huy tiềm năng lợi thế của khu vực, cùng mong muốn nguồn vốn đầu tư sẽ được tăng tốc và tăng chất trong thời gian tới, tránh tình trạng nguồn vốn tín dụng phải “đi” một cách đơn độc như đã từng diễn ra theo đánh giá nhận xét của các chuyên gia kinh tế, Agribank kỳ vọng cơ chế phối hợp đầu tư tài chính phục vụ liên kết vùng kinh tế được thể hiện một cách rõ ràng hơn. Agribank đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi về thủ tục trong việc cho vay vốn để ngày càng có nhiều khách hàng có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển hàng hóa sản xuất theo quy mô lớn và chuỗi giá trị, đồng thời tập trung tối đa mọi nguồn lực để phục vụ khách hàng, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiện ích, những giải pháp tài chính hiệu quả, phù hợp với đặc thù kinh doanh khu vực duyên hải miền Trung, cùng chung sức vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội kinh doanh mới, góp phần xây dựng khu vực duyên hải miền Trung ngày càng phát triển giàu mạnh.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.