ADB đang xây dựng Chiến lược Đối tác Quốc gia mới cho giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu trọng tâm của chiến lược này là giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường hơn, phù hợp với Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác với các đối tác phát triển.
Một trong những điểm cần lưu ý là Việt Nam cần duy trì khả năng bền vững nợ trong bối cảnh nợ công đã gần đến sát ngưỡng 65% GDP. Trần vay nợ trong nước đã gần đến ngưỡng. Vì vậy, các cơ quan liên quan cần quan tâm đến vấn đề quản lý trả nợ, nâng cao, cải thiện vấn đề chi tiêu thường xuyên
Liên quan nợ xấu, theo ông Nakao, về giải quyết nợ xấu, có thể dùng tiền ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hoặc có thể mua thêm cổ phần của các ngân hàng để bơm thêm tiền giúp ngân hàng giải quyết vấn đề nợ xấu.
“Hiện tại tôi cho rằng, quan trọng nhất là phải làm sao hỗ trợ cho ngân hàng phải quản trị rủi ro tốt hơn, bao gồm cả giảm nhẹ nghĩa vụ thuế và gánh nặng thuế cho các ngân hàng. Tuy nhiên cũng cần xem đã đến lúc bơm tiền của nhà nước vào ngân hàng hay chưa”, ông nói.
Ông cho rằng, vấn đề mấu chốt là Việt Nam cần tiếp tục thực thi những chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu. Đặc biệt, cải cách các doanh nghiệp nhà nước thông qua giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước. “Chính phủ cần xử lý những khoản nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế, và nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Ngoài ra cần có các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa”, đại diện ADB lưu ý.
Tăng cường hỗ trợ Việt Nam
Theo lãnh đạo ADB, đến nay Việt Nam đã đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn. ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực nhằm đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững. Trong lĩnh vực y tế, ADB sẽ hỗ trợ để mở rộng các trung tâm y tế cộng đồng và tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế so với mức 76% hiện nay. Trong giáo dục, ADB sẽ tăng cường hỗ trợ theo chiều sâu để cải thiện chất lượng giáo dục trung học, và mở rộng hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề.
ADB sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, gồm đường bộ và các hệ thống vận chuyển hành khách công cộng số lượng lớn, truyền tải và phân phối điện năng, năng lượng tái tạo, điện khí hóa nông thôn, cơ sở hạ tầng đô thị, thủy lợi và quản lý tài nguyên nước. ADB sẽ tiếp tục tăng cường tính kết nối trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mekong, gồm cả Hành lang kinh tế Đông - Tây.
“Việt Nam đang ngày càng chịu tác động của các hiện tượng cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu, như hạn hán và lũ lụt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp. ADB sẽ giúp chính phủ xây dựng các chính sách rõ ràng và nhất quán về mức phân bổ năng lượng hợp lý để bảo đảm đáp ứng các cam kết của Việt Nam ở COP21, dựa trên phân tích kỹ lưỡng về lợi ích - chi phí của các nguồn năng lượng khác nhau, gồm cả giảm dần chi phí của năng lượng tái tạo theo thời gian”, ông Nakao cho biết.
Tính tới 31/12/2015, ADB đã cung cấp 14,4 tỷ USD vốn vay, 276,6 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật và 318,3 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
ADB kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, bằng với mức của năm 2015, dù có nguy cơ suy giảm do tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang tiếp diễn. Tăng trưởng được dự báo duy trì ở mức 6,5% trong năm 2017. Lạm phát được dự báo ở mức 3% trong năm nay, so với mức trung bình chỉ 0,6% của năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2001.