99% rác thải hạt nhân sẽ chôn ở miền Trung

Người dân rất quan tâm tới việc được hỗ trợ, ổn định đời sống tại khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (trong ảnh: Mô hình nhà máy điện hạt nhân do Nga thiết kế đã được trưng bày tại triển lãm hạt nhân lần 4 tại Hà Nội). Ảnh: Tuấn Anh
Người dân rất quan tâm tới việc được hỗ trợ, ổn định đời sống tại khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (trong ảnh: Mô hình nhà máy điện hạt nhân do Nga thiết kế đã được trưng bày tại triển lãm hạt nhân lần 4 tại Hà Nội). Ảnh: Tuấn Anh
TP - Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEA) - Bộ KH&CN (ảnh), trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề hội thảo quốc tế về sự chấp nhận của công chúng đối với công nghệ hạt nhân do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử quốc gia Nga (Rosastom) và VAEA tổ chức ngày 13/11 tại Ninh Thuận.

Trước đó, Việt Nam và Nga đã thỏa thuận cấp chính phủ về việc chuyển rác thải phóng xạ hoạt độ cao từ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sang Nga xử lý. Nhưng chất thải hoạt độ thấp và trung bình chiếm tới 99% tổng lượng rác thải phóng xạ sẽ được lưu giữ lâu dài ở khu vực miền Trung của Việt Nam.

Người dân quan tâm vấn đề đền bù

Ông có thể cho biết, dư luận ở Việt Nam, nhất là những người sống ở khu vực di dời và những người sẽ sống trong bán kính 25km quanh hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 có gây trở ngại cho quá trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam?

Hiện nay vẫn đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng, nên những người sống trong phạm vi xây nhà máy và hàng rào nhà máy sẽ dời đi nơi khác. Vấn đề người ta quan tâm hiện nay là thời gian, chính sách đền bù và tạo điều kiện sinh hoạt, phúc lợi liên quan khác hơn là vấn đề an toàn phóng xạ.

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận được giao chủ trì vấn đề di dời, tái định cư. Những người phải di dời sẽ được đền bù đất ở, đất trồng trọt, chăn nuôi theo chính sách của dự án. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận, trong đó có hỗ trợ người dân tái định cư, người dân trong hai huyện có nhà máy điện hạt nhân. Tinh thần chung là họ ủng hộ chủ trương xây dựng, sẵn sàng tham gia.

Về vấn đề an toàn phóng xạ, khi nhà máy đi vào hoạt động, về nguyên tắc, phóng xạ sẽ lan ra môi trường ở mức rất thấp, dưới mức cho phép. Việc đó được đảm bảo bằng một hệ thống kiểm soát. Trong trường hợp có sự cố thì có kế hoạch ứng phó. Mục tiêu là phải đảm bảo an toàn không chỉ cho nhà máy mà cho cả môi trường xung quanh, mức phóng xạ không quá giới hạn cho phép.

Trong 19 nội dung của công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra, Việt Nam mới thực hiện được 12 nội dung. Theo ông, trong những nội dung còn lại, nội dung nào là khó thực hiện nhất?

Việt Nam đang triển khai tất cả các nội dung. Không có khái niệm nội dung nào khó nhất, mà chỉ có 7 nội dung trọng tâm, cần tập trung trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, trong đó có nội dung xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, pháp quy; phát triển nguồn nhân lực không chỉ cho vận hành nhà máy mà còn cho việc quản lý ở trung ương và địa phương; hoàn thiện hệ thống quản lý về pháp quy hạt nhân và hệ thống quản lý, vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân; xây dựng chính sách về quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu đã qua sử dụng…

99% rác thải hạt nhân sẽ chôn ở miền Trung ảnh 1

Ông Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo về sự chấp nhận của người dân đối với điện hạt nhân

Chôn rác thải phóng xạ

Việc xử lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng có khó khăn không?

Những vấn đề này đã được đưa vào Luật Năng lượng nguyên tử. Sắp tới, luật này sẽ được sửa đổi, sẽ bổ sung chính sách để quản lý lâu dài và an toàn rác thải, trong đó đưa ra giải pháp, yêu cầu căn bản của quốc gia trong quản lý rác thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng. Đây là vấn đề rất quan trọng và dài hạn, tính đến hàng trăm năm. 

Việt Nam không chỉ xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà sau này còn phải xây dựng cơ sở chôn giữ lâu dài chất thải phóng xạ do điện hạt nhân sinh ra. Vấn đề đó đòi hỏi tầm chính sách rất dài hạn. Đối với quản lý chất thải trong nhà máy thì sẽ sử dụng các quy trình, công nghệ quốc tế. 

Những nước cung cấp công nghệ điện hạt nhân là những nước đã hoàn chỉnh quy trình này rồi. Vấn đề mà tôi nói đến là quản lý chất thải sau vài chục năm tích lũy và phải đưa ra nơi khác, ra khỏi nhà máy điện hạt nhân, để quản lý, lưu trữ lâu dài. Loại rác thải này chủ yếu là rác thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình. 

Nhiên liệu đã cháy là loại cao. Việt Nam và Nga đã thỏa thuận cấp chính phủ với nhau, nên nhiên liệu đã cháy sẽ được chuyển về Nga để xử lý. Chất thải hoạt độ cao chỉ chiếm 1% trong tổng số rác thải; trong khi chất phóng xạ thấp và trung bình chiếm 99%, thậm chí hơn thế, sẽ được xử lý ở Việt Nam.

99% rác thải hạt nhân sẽ chôn ở miền Trung ảnh 2

Một người tham quan triển lãm điện hạt nhân diễn ra từ ngày 12-14/11 tại Ninh Thuận

Việt Nam đã lựa chọn địa điểm để chôn và lưu giữ lâu dài chất thải phóng xạ thấp và trung bình chưa?

Định hướng quy hoạch về xử lý chất thải phóng xạ dự kiến chọn 2 địa điểm ở khu vực miền Trung, có thể ở Ninh Thuận và các địa phương khác nữa, để bảo quản lâu dài chất thải phóng xạ thấp và trung bình. Chất thải phóng xạ thấp và trung bình ít nguy hiểm và các phương pháp bảo vệ, chôn nông hoặc chôn sâu, đã được phát triển tốt trên thế giới. 

Việt Nam có những điều kiện thuận lợi, nhưng việc này chưa được nghiên cứu sâu về kỹ thuật, mà chỉ có định hướng về quy hoạch địa điểm. Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng quy hoạch. Vấn đề cơ sở chôn giữ rác thải cách nhà máy điện hạt nhân bao xa không quá quan trọng, mà quan trọng là phải tìm ra những nơi đảm bảo các điều kiện về địa chất tốt, không gần nơi canh tác và đô thị, và địa chất phải rất khô để không thẩm thấu phóng xạ ra môi trường xung quanh. 

Ở Việt Nam có những địa điểm tương đối thuận lợi cho việc này. Chúng tôi đang có đề tài nghiên cứu sử dụng vật liệu bentonite (có nhiều ở Lâm Đồng) để làm vật liệu xây dựng cơ sở chôn rác thải phóng xạ thấp và trung bình nhằm tiết kiệm nhiên liệu mua từ nước ngoài.

Việc xử lý rác thải hạt nhân có phải do đối tác nước ngoài thực hiện?

Việc xử lý rác thải phóng xạ trong nhà máy điện hạt nhân do đơn vị vận hành nhà máy thực hiện, trên cơ sở công nghệ của nước ngoài. Sau này, khi rác thải được đem ra khỏi nhà máy thì sẽ có tổ chức chuyên về vấn đề này đảm trách.

Cảm ơn ông. 

Tại hội thảo, ông Sright Pall Singh, chuyên gia thuộc Hiệp hội Hạt nhân Ấn Độ, cho biết, Ấn Độ đã vận hành thành công 21 lò phản ứng hạt nhân, đang xây dựng 6 tổ máy và lên kế hoạch xây dựng ít nhất 12 tổ máy cho 20 năm tới. Ông Singh nói rằng, những người dân sống trong khu vực từ 1,5km đến 25km quanh nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng nhất, nên cần xây dựng chính sách, cơ sở hạ tầng như bệnh viện, trường học, đường sá… thật tốt để người dân gắn bó với mảnh đất đó.

Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, nhiều người dân ở hai huyện sẽ có nhà máy điện hạt nhân (Thuận Nam và Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) nói rằng, họ ủng hộ dự án vì các công trình hạ tầng, như đường sá, sẽ được đầu tư; nhiều chuyên gia sẽ cùng gia đình đến đây làm việc…, tạo cơ hội cho nhiều loại dịch vụ phát triển.

MỚI - NÓNG