80 nhà khoa học quốc tế dự hội thảo về biển Đông

Đi tuần trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: TL
Đi tuần trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: TL
Ngày 21 - 9, gần 80 nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam đã tham dự Hội thảo quốc tế “Hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển khu vực trong bối cảnh mới”.

> Kiên trì đàm phán hòa bình về vấn đề Biển Đông

Đi tuần trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: TL
Đi tuần trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: TL.
 

Hội thảo do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức. Các nhà khoa học đã cùng thảo luận về vị trí chiến lược của biển Đông, diễn biến mới ở biển Đông thời gian gần đây và tác động của nó đến hòa bình, ổn định của khu vực; các giải pháp duy trì hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực, trong đó tập trung nhấn mạnh đến cơ chế xây dựng lòng tin, quản lý xung đột, hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống... trong bối cảnh quốc tế mới.

Theo các nhà khoa học, để giải quyết tranh chấp biển Đông, đàm phán hòa bình, tuy lâu dài nhưng là phương án hợp lý, phải đảm bảo hợp lý về lợi ích cho các quốc gia liên quan. Vấn đề cốt lõi là phải có những căn cứ như Luật pháp quốc tế, trong đó Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông... làm cơ sở đàm phán.

Các nhà khoa học cũng kiến nghị mở rộng mạng lưới khu vực (kênh 2) để thu hút các nhà khoa học các nước tham gia nghiên cứu, trao đổi các vấn đề liên quan; đưa thêm vấn đề biển Đông vào thảo luận trong khuôn khổ ASEAN+3...

Có 3 mâu thuẫn chính liên quan đến biển Đông là lãnh thổ, an ninh và kinh tế, có thể giải quyết từng mâu thuẫn nhưng phải đặt trong tổng thể chung, phải tính đến yếu tố lịch sử, tâm lý và nhấn mạnh vai trò của học giả các nước. Cách thức giải quyết mâu thuẫn là chọn những lợi ích gần gũi để cùng hợp tác, xây dựng cơ chế lòng tin, nhưng phải có thiện chí, kiên trì thực hiện và phải thể hiện tính tích cực trên thực tế.

* Cuộc hội thảo “An ninh hàng hải trên biển Đông” do Đại sứ quán Việt Nam, Đại sứ quán Philippines và Đại sứ quán Indonesia tại Vương quốc Bỉ đồng tổ chức diễn ra ngày 19- 9 tại Viện nghiên cứu châu Á của châu Âu (EIAS), có trụ sở tại Brussels (Bỉ).

Cuộc hội thảo thu hút sự quan tâm của Đại sứ các nước thuộc ASEAN, giới nghiên cứu và các nhà báo quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Đại sứ Philippines, Enrique A. Manalo và Đại sứ Indonesia, Arif Havas Oegroseno đã nêu những lo ngại về vấn đề an ninh và an toàn hàng hải tại khu vực bắt nguồn từ các tranh chấp lãnh hải.

Cũng tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu đã nêu rõ quan điểm nhất quán về lập trường và thái độ của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kiên trì giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của tất cả các bên liên quan, tuyệt đối không để xảy ra xung đột.

Theo Vietnam+

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG