500.000 đồng và thể diện quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các bài đăng trên Facebook của Kugan Pillai trước đây thu hút chừng trên dưới chục lượt thích cho đến khi anh đến Việt Nam du lịch dịp Giáng sinh năm 2022. Trên đường về, anh bị một nhân viên tại sân bay Nội Bài “vòi tiền”.

Kugan Pillai kể trong bài đăng ngày 2/1/2023 đại ý, nhân viên viết chữ “tip” sau vé và chìa ra trong khi đang giữ hộ chiếu của anh. Khi Pillai hỏi đưa tiền để làm gì, nhân viên kia không nói mà tiếp tục chỉ vào chữ kia. Không biết nhờ cậy ai và sợ trễ chuyến bay, Pillai đành đưa 500.000 đồng.

“Tôi đã thông báo với Bộ Ngoại giao Singapore về chuyện này. Tôi biết điều này có thể là bình thường ở các nước khác nhưng tôi cảm thấy như mình bị bắt làm con tin. Nếu không đưa tiền, tôi sẽ không được đóng dấu hộ chiếu”, Pillai viết.

Bài viết ngắn sau chưa đầy một tuần nhận được 22 nghìn lượt like và 12 ngàn lượt chia sẻ cùng hàng trăm bình luận. Có người chia sẻ với Pillai, cũng có người khuyên anh nên chấp nhận và chuẩn bị sẵn tiền lẻ khi ra vào một số nước. Đặc biệt có cả những bình luận kể những câu chuyện kinh khủng hơn nữa mà họ đã gặp ở Việt Nam. Tất nhiên không kiểm chứng được nhưng có người sẵn sàng tin và nói kiểu “có cho tiền tôi cũng không đến Việt Nam”. Cũng nhân vụ này, một số Việt kiều cho hay họ vẫn bị vòi tiền kiểu đó mỗi lần về nước.

Cục Quản lý Xuất nhập cảnh kịp thời đình chỉ một cán bộ xuất nhập cảnh để xác minh vụ việc. Nhưng câu chuyện kịp lan xa sau khi được một số tờ báo nước ngoài quan tâm. Theo một bài đăng trên trang Asiaone.com, khi Pillai gặng hỏi, nhân viên kia cũng nói số tiền cần đưa là 200 nghìn đồng và còn nói sẽ trả lại tiền thừa nếu Pillai đưa nhiều hơn. Nhưng sau khi Pillai đưa tờ 500 nghìn đồng anh ta lại thay đổi thái độ và yêu cầu Pillai rời đi. Pillai đi cùng bạn gái và không muốn rầy rà nên không nấn ná thêm nữa.

Asiaone.com cũng dẫn thông tin từ TripAdvisor khẳng định, văn hóa tip (boa) không phổ biến ở Việt Nam và du khách không bị yêu cầu phải cho thêm tiền ở bất cứ đâu. Trang này còn đưa bài về sự việc tương tự mà du khách Singapore gặp phải tại sân bay Johor Bahru của Malaysia.

Vài tuần trước, khi về đến sân bay Nội Bài, chúng tôi bị cánh taxi "chặt chém". Đến khi gặp được một tài xế biết điều lấy đúng giá thì đồng nghiệp của anh đã ngăn cản.

Với một du khách nước ngoài lạ nước lạ cái gặp phải tình huống đó thì sao. Họ sẽ tưởng như luật rừng đang ngự trị ở xứ sở này. Vì vậy ứng xử như Kugan Pillai là hợp lý. Ít nhất anh đã lên tiếng. Trong khi nhiều người khác (không loại trừ tôi) từng im lặng để một số cán bộ tiếp tục làm càn. Bất chấp họ đang ngồi ở vị trí liên quan mật thiết tới thể diện quốc gia.

MỚI - NÓNG