Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019:

50% vốn trung dài hạn cho nền kinh tế phụ thuộc vào ngân hàng

Vốn cho nền kinh tế đang phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng
Vốn cho nền kinh tế đang phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng
TPO - Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 sáng nay, đại diện lãnh đạo NHNN cho biết: hiện vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ). Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng.

Phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề "khơi thông dòng vốn trung dài hạn cho nền kinh tế", ông  Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã dẫn chứng việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, nhất là tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân là nhiệm vụ quan trọng.

Theo ông Nghĩa, kinh tế tư nhân tiếp cận thuận lợi, bình đẳng hơn các nguồn vốn chính thức và các thị trường các yếu tố sản xuất. Năm 2018, tỷ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so GDP hơn 130%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 71,6% GDP; tổng giá trị trái phiếu niêm yết trên thị trường đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tương đương với 20,3% GDP.

Thực hiện nghị quyết này, Nhà nước cần tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán; phát triển đa dạng các định chế tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ bảo lãnh tín dụng, các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức tư vấn tài chính, dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm... 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các thị trường chứng khoán phái sinh. Đây sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, thực tế, việc thực hiện Nghị quyết này là bước đầu, hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. "Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn", lãnh đạo Ban kinh tế trung ương cho biết.

Với thực trạng này, tại phiên hiến kế Tài chính - Tín dụng sáng nay các nhà quản lý, định chế tài chính, doanh nghiệp tư nhân sẽ cùng bàn thảo trong phiên hiến kế để đưa ra giải pháp khơi thông dòng vốn, phát triển thị trường trái phiếu, quỹ hưu trí tự nguyện và quỹ đầu tư bất động sản.

50% vốn trung, dài hạn vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng

Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc, những năm qua, từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, khu vực tư nhân đã không ngừng phát triển, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nghị quyết số 10-NQ-TW xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nhiều năm qua đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiêu biểu như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn theo năng lực tài chính, kinh doanh đồng thời mở rộng kênh cấp vốn tín dụng khác (bảo lãnh, thuê tài chính...) của tổ chức tín dụng cho nền kinh tế. 

Hai là, chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản cho tổ chức tín dụng, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ổn định nhằm cân đối vốn kịp thời hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Ba là, chỉ đạo tổ chức tín dụng cân đối năng lực tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với mức độ rủi ro khoản vay; chia sẻ khó khăn với khách hàng; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cấp tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Cụ thể, ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có doanh nghiệp tư nhân; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng vay; cải cách quy trình và thủ tục hành chính trong cho vay nhằm giảm bớt phiền hà cho khách hàng trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về cấp tín dụng.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã góp phần đưa tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (tỷ trọng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng từ mức 21,6% năm 2016 lên mức 24,8% trong năm 2018 và mức 25,2% tháng 3/2019...); tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý; qua đó khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận được vốn tín dụng dễ dàng với lãi suất hợp lý. Nhờ đó, hệ thống tổ chức tín dụng đã thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư, chuyển hóa các nguồn vốn huy động nhỏ, lẻ, ngắn hạn thành các nguồn vốn cho vay trung, dài hạn đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập. Trong khi nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô và chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này. Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ).

Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung thì phát triển thị trường chứng khoán là điều kiện tất yếu, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt là các nhu cầu vốn trung, dài hạn.

Trong thời gian tới, về phía ngành ngân hàng, Ngân hàng nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng. 

Ngoài ra, Ngân hàng hàng nước sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nhanh, bền vững các phân đoạn thị trường tài chính; tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân huy động vốn trên thị trường chứng khoán...

MỚI - NÓNG