50 năm 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không': Bắn rơi B-52 đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Như đã đề cập ở bài 4, để có được cách đánh B-52, Quân chủng Phòng không- Không quân (PK-KQ) thời kỳ đó đã cử nhiều đơn vị vào chiến trường Quân khu 4 để trực tiếp đụng độ với vũ khí siêu hạng này của địch, từ đó rút ra những kinh nghiệm cần thiết để giành thắng lợi cuối cùng. Qua câu chuyện của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Hùng, một nhân chứng tham gia những trận chiến với B-52, có thể thấy được một “lát cắt” của cuộc chiến khốc liệt này.

Vào lũy thép Vĩnh Linh

Đại tá Nguyễn Quang Hùng là trường hợp điển hình của một người lính phòng không trưởng thành từ trắc thủ, đến sĩ quan điều khiển, rồi tiểu đoàn trưởng tên lửa bắn B-52, và cuối cùng là Phó Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ.

Sau khi nghỉ hưu, từ thực tế bản thân đã trải qua, đồng thời tìm hiểu thêm để xuất bản hai cuốn sách “Chuyện của tôi” (năm 2021) và “SAM-2 đã vít cổ B-52 như thế đấy” (năm 2022), đại tá Nguyễn Quang Hùng đã có góc nhìn thấu đáo về quá trình đánh B-52 từ những trận đầu tiên, góp phần tạo tiền đề cho chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” sau này.

50 năm 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không': Bắn rơi B-52 đầu tiên ảnh 1

Trung đoàn tên lửa 238 hành quân vào tuyến lửa Vĩnh Linh để đánh B-52. Ảnh: T.L

Đại tá Nguyễn Quang Hùng cho biết, ngày 18/6/1965, Đế quốc Mỹ đưa 30 máy bay B-52 từ căn cứ quân sự ở đảo Guam ném bom rải thảm căn cứ Long Xuyên, cách Sài Gòn 50km. Kèm theo đó là những truyền đơn in hình B-52 đang vãi bom với lời hăm dọa sẽ biến Việt Nam "trở lại thời kỳ đồ đá". Sau đó, ngày 13/4/1966, nhiều máy bay B-52 ném bom ngăn chặn đường vận chuyển của ta trên đèo Mụ Giạ (Quảng Bình).

Trước sự việc này, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ giao nhiệm vụ cho Trung đoàn tên lửa 238 vào chiến trường Quân khu 4 để đánh B-52. Theo đó, Tiểu đoàn 81, 83 và nửa Trung đoàn bộ 238 hành quân tới Vĩnh Linh (Quảng Trị); trong khi tiểu đoàn 82 cơ động chiến đấu ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Đầu năm 1967, tại vĩ tuyến 17 thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Linh, địch dùng máy bay OV-10 và L-19 quan sát ta suốt ngày đêm, khiến cho tên lửa phòng không hoạt động gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, tại đây, Tiểu đoàn 81 vẫn triển khai chiến đấu tại nông trường Quyết Thắng, bắn rơi được một số máy bay các loại, nhưng vẫn không diệt được B-52.

Tại thời điểm đó, do di chuyển từ Bắc vào Nam, khí tài của ta bị trục trặc nhiều, không đơn vị nào còn giữ được một bộ hoàn chỉnh. Trước tình hình đó, các đơn vị đã dồn ghép lại để có một bộ khí tài hoàn chỉnh, giao cho Tiểu đoàn 84 sử dụng.

Vào 17 giờ ngày 17/9/1967, Tiểu đoàn 84 bắt được tín hiệu B-52 ở cự ly 35km, đã phóng liên tiếp 2 quả tên lửa theo phương pháp vượt nửa góc (bắn đón), tiêu diệt một B-52, rơi cách Đường 9 vài km. Cũng tại trận địa này, vào 17 giờ 34 phút cùng ngày, Tiểu đoàn 84 hạ tiếp một B-52, rơi xuống biển Cửa Tùng. Đây là những chiến công đầu tiên của ta khi bắn rơi B-52 tại Vĩnh Linh.

Đánh “ngáo ộp” B-52 trong chiến dịch Trị Thiên

50 năm 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không': Bắn rơi B-52 đầu tiên ảnh 2

Ông Nguyễn Quang Hùng (thứ 3 từ phải sang) cùng kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 62. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Sau những trận đánh trên, năm 1972, khi tham gia chiến dịch Trị Thiên, ngoài lực lượng sẵn có, ta còn tăng cường thêm Trung đoàn 274 và một nửa Trung đoàn 236. Đây là hai đơn vị có nhiều thành tích trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968).

“Trung đoàn 236 có Tiểu đoàn 62, 64 và một dây chuyền sản xuất đạn của Tiểu đoàn 65. Tôi lúc đó là Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 62”- đại tá Nguyễn Quang Hùng cho biết. Rồi ông chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ, các đơn vị của ta biết máy bay B-52 sử dụng nhiễu từ lâu. Vốn có kinh nghiệm từng bắn rơi nhiều máy bay F-105 với đội hình bay 4 chiếc cùng trang bị máy bay gây nhiễu QRC-160, hai Trung đoàn 274 và 236 đã sẵn sàng ứng chiến.

Chiến dịch Trị Thiên mở màn ngày 30/3/1972, thì ngày 2/4/1972, máy bay B-52 đã chi viện trực tiếp cho quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Khi đó, máy bay B-52 của địch thường bay với đội hình 3 chiếc, mỗi chiếc mang 15 máy gây nhiễu có thể làm khó cho mọi loại ra-đa, kể cả thông tin vô tuyến.

Tuy nhiên, vốn có kinh nghiệm trong việc đánh máy bay có nhiễu, các đơn vị tên lửa của ta đã sớm phát hiện điểm yếu cốt lõi trong đội hình 3 máy bay B-52 của địch là nhìn theo mặt phẳng đứng hay nằm ngang, bao giờ cũng thấy chiếc ở giữa. Nếu đội hình B-52 bay thưa, cứ bám sát dải nhiễu giữa nhất định có B-52.

Theo nhận định này, ngay khi địch vừa chi viện, vào 15 giờ 25 phút ngày 2/4/1972, Tiểu đoàn 64 tại Mễ Tre (Vĩnh Linh) phóng liên tiếp hai tên lửa vào tốp B-52 mang nhiễu đã hạ được máy bay đầu tiên của chiến dịch.

Ngày 9/4/1972, quân đội VNCH co cụm về Đông Hà, Ái Tử cố giữ thành cổ Quảng Trị. B-52 đánh rộng ra cả khu vực Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Bình. Lúc 5 giờ 5 phút, Tiểu đoàn 87 (Trung đoàn 274) với phương pháp đánh 3 điểm (gồm các điểm đài điều khiển, tên lửa và mục tiêu cùng nằm trên một đường thẳng) đã bắn rơi máy bay B-52. Tiếp đó, ở bắc vĩ tuyến 17, lúc 18 giờ 45 phút ngày 30/4/1972, cũng bằng phương pháp bắn 3 điểm, Tiểu đoàn 62 đã bắn rơi B-52 trên bầu trời Quảng Trị.

Chiến dịch Trị Thiên kết thúc ngày 27/6/1972. Từ ngày 28/6/1972, quân giải phóng bằng mọi cách giữ được thành cổ Quảng Trị. Tuy nhiên, địch vẫn tăng cường quân từ phía sau lên hòng chiếm lại vùng ta đã giải phóng. Trước tình hình này, Bộ chỉ huy chiến dịch đã điều Tiểu đoàn 62 đến bảo vệ vùng giải phóng. Theo kế hoạch, tối 18/6/1972, tiểu đoàn vào chiếm lĩnh trận địa tại Ba Thung, bờ bắc Cam Lộ (Quảng Trị). Tiểu đoàn 62 đã cử cán bộ trinh sát trận địa, và tối 17/6/1972, đơn vị đã cho đại đội hoả lực (gồm bệ phóng, đạn tên lửa) hành quân trước.

Sau đó, tối 18/6/1972, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 62 Lại Cao Liên chỉ huy nốt quân số còn lại của đơn vị tiếp tục hành quân. Tuy nhiên, do sự cố trên đường nên bị địch phát hiện, chúng dội bom xuống khiến một số chiến sĩ của ta bị thương và hy sinh. Sáng hôm sau, khi kiểm tra, xe điều khiển tên lửa bị hỏng nặng do trận bom tối qua, còn xe thu phát và xe chia điện bị ngập nước trên sông Bến Hải cũng không thể chiến đấu được.

Ngày 20/9/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen, trong đó có đoạn: “Bác rất vui lòng khi được tin ngày 17/9/1967, Vĩnh Linh đã lập công xuất sắc khi lần đầu bắn rơi hai máy bay B-52 của giặc Mỹ. Thay mặt Đảng và Chính phủ, Bác đặc biệt gửi lời khen ngợi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Vĩnh Linh đã đánh giỏi, bắn trúng, chiến thắng vẻ vang. Vĩnh Linh thật xứng đáng là tiền tuyến anh hùng của miền Bắc XHCN”.

MỚI - NÓNG