Lứa phi công được đào tạo đặc biệt
Đúng hai rưỡi chiều, tôi có mặt trước nhà 35 ngõ 111 phố Cù Chính Lan để gặp Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân như lịch hẹn. Đã gần 50 năm kể từ ngày ông bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội nhưng trước mặt tôi, ông vẫn giữ được thân hình rắn chắc hiếm có. Gian phòng khách nhà ông rộng rãi, bày vô số kỷ vật là máy bay, phi thuyền, trang trọng nhất là mô hình chiếc MIG-21 số hiệu 5121 - chiếc MIG do ông cầm lái. Phía trên là bức ảnh nụ cười chiến thắng của hai phi hành gia vũ trụ Phạm Tuân (Việt Nam) và Gorbatko (Liên Xô).
Cuộc đời binh nghiệp của ông có hàng nghìn bài báo và nhiều cuốn sách đề cập, nhưng lần này, ông nói nhiều với chúng tôi về con đường học tập, binh nghiệp của ông nằm trong những dự liệu, chiến lược ứng phó của Đảng, Bác Hồ, Nhà nước, quân đội ta về kế hoạch không kích Hà Nội bằng B52 của đế quốc Mỹ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các phi công |
Cuối năm 1964, chàng trai quê lúa Thái Bình Phạm Tuân đi khám nghĩa vụ quân sự, dù rất to khoẻ nhưng lại không được gọi. Đến tháng 5/1965, Phạm Tuân lại được gọi khám sức khỏe, lần này theo ông là "khám kỹ lắm". Tháng 10/1965, lên tàu liên vận sang Liên Xô học sửa chữa máy bay. Nhưng trong ông luôn khao khát được mặc bộ quần áo phi công, được ngồi trên những chiếc máy bay lao vút trên bầu trời.
Sau một thời gian, hai đoàn học viên bay của ta lúc đó gồm 120 người có khoảng trên 50 người bị trượt. Bộ Quốc phòng ta quyết định tuyển chọn ngay từ hơn 300 thợ máy đang học ở Liên Xô để bổ sung. Và đúng như mơ, Phạm Tuân là một trong 10 người được tuyển. Năm đầu, ông học lý thuyết bay và bay thực hành trên Yak-18.
Sang năm học thứ 2, ông học bay MIG-17 và ông có cơ duyên gặp được người thầy dạy bay tốt nghiệp rất yêu quý ông ở Học viện Không quân Iuri Gagarin. “Ưu điểm của MIG-17 là khả năng cơ động. Kỹ năng của tôi ngày càng được nhuần nhuyễn hơn qua các động tác, sự truyền dạy của thầy. Những động tác nhào lộn phức tạp mà thầy truyền thụ trước đó giúp tôi sau này rất nhiều trong ứng dụng chiến đấu”, tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Anh hùng Phạm Tuân nói chuyện với thiếu nhi |
Cuối tháng 9/1967, đoàn học viên tốt nghiệp. Những tưởng được về để phục vụ Tổ quốc, nhưng ông là một trong 9 người bất ngờ nhận được thông báo ở lại học tiếp về kỹ thuật bay đêm. Thường các khóa huấn luyện sẽ bắt đầu từ bay ngày, đến bay ngày trong thời tiết phức tạp như mưa, nhiều mây… sau đó mới chuyển sang bay đêm; nhưng khoá của ông bỏ qua khâu trung gian, từ bay ngày chuyển luôn qua bay đêm. Đây là thử thách có chút mạo hiểm và là điểm khác biệt so với các lớp huấn luyện bay từ trước đến lúc đó.
Máy bay MIG-21 trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam |
“Phi công chiến lược”
Năm 1968, Phạm Tuân về Việt Nam bay MIG-17 để chiến đấu. Bước sang năm 1970, nhóm của Phạm Tuân vẫn được giao nhiệm vụ tổ chức bay đêm với MIG-17 trong khi Quân chủng Không quân chọn một số phi công bay MIG-17 chuyển lên bay MIG-21. “Lúc đó, phi công MIG-21 “có giá” hơn vì tính năng tốt hơn và thực tế chiến đấu ngày càng mang lại hiệu quả cao hơn. Còn MIG-17 bị xếp hạng hai, nhất là khi Mỹ đã thay đổi cách đánh với MIG-17”.
“Trong quá trình bay thực tế, kỹ thuật bay của nhóm phi công đã được nâng cao. Các phi công đi học về bước vào cuộc chiến đã ứng dụng những kỹ thuật, chiến thuật như bạn dạy nhưng thực tiễn khác xa, phải ứng biến, sáng tạo. Như MIG-21, sách vở ghi tính năng bắn xa 6 - 8km nhưng phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ, khoảng cách tiếp cận. Vì thế, sau một vài lần sử dụng, ta không bắn xa nữa mà tiếp cận gần để bắn”. Anh hùng Phạm Tuân
Rồi ông cũng được giao tài liệu để nghiên cứu và chuyển sang bay MIG-21 vào ban đêm. “Hồi huấn luyện ở Nga, chúng tôi được huấn luyện những chuyến bay đêm giữa mùa đông tuyết trắng, còn ở Việt Nam trong thời chiến thì thời tiết khá tối, đặc biệt là đêm đông có mưa phùn. Thành phố, làng mạc gần như nhau, loáng thoáng thấy mấy ánh đèn, nhưng rồi cũng quen dần. Chỉ vài tháng, tôi đủ tiêu chuẩn vào trực chiến”, Phạm Tuân nhớ lại.
Ngày 20/11/1971, đánh dấu Không quân Việt Nam tiếp cận, đánh trúng “pháo đài bay B-52” của Mỹ khi phi công Vũ Đình Rạng bắn một chiếc loại này hỏng nặng. Giai đoạn này có sự chuyển biến lớn trong chiến trường, các đoàn quân, đoàn xe từ Bắc dồn dập hành quân chi viện cho miền Nam. Vì thế, địch cũng điều B-52 tác oai, tác quái đánh các vị trí trọng điểm ở miền Bắc.
Trước tình hình đó, Không quân nhận nhiệm vụ chi viện cho chiến trường, làm giãn đội hình B-52 và các loại khác. “Là phi công tiêm kích, ai mà chẳng khát khao được thử sức, tham gia vào các trận không chiến, nhất là khát khao lập được chiến công. Lúc đó, chỉ huy thường căn dặn: Các đồng chí cứ cố gắng mà luyện tập. Chỉ sợ khi nhiệm vụ đến, các đồng chí lại không hoàn thành. Anh em bay đêm chúng tôi được gọi là “phi công chiến lược”, Phạm Tuân kể tiếp.
Trung tướng Phạm Tuân phân tích, không phải đến năm 1972 mà từ những năm 1967, 1968, Trung ương, Bác Hồ đã dự đoán và chuẩn bị sẵn sàng đánh đêm với B-52 rồi. Thời điểm đó, Bác Hồ đã gọi Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân Phùng Thế Tài lên căn dặn: “Bây giờ, các chú nghiên cứu đi, ta chưa có vũ khí gì đánh được B-52 cả. Dù Mỹ có B-52, B-57 hay B gì thì ta cũng đánh, mà đánh thì phải thắng”.
Lúc đó, Bác đã dự báo: “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định sẽ thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội!”. Trung tướng Phạm Tuân nói: “Dự đoán được địch sẽ dùng Quả đấm chiến lược B52 để đánh Hà Nội là sự tài tình của Bác. Từ đó, không quân đã có 5 năm chuẩn bị. Sự chuẩn bị rõ nét nhất là lực lượng bay đêm. Lực lượng bay đêm của ta chỉ có 1 phi đội (15-17 người)”, Anh hùng Phạm Tuân nói.