4 cú đấm thép Mỹ có thể tung ra trên chiến trường Syria

Nhiều nghị sĩ Mỹ hối thúc chính quyền có biện pháp quân sự cứng rắn hơn ở Syria. Ảnh: USAF
Nhiều nghị sĩ Mỹ hối thúc chính quyền có biện pháp quân sự cứng rắn hơn ở Syria. Ảnh: USAF
Khi giải pháp ngoại giao rơi vào bế tắc, các nghị sĩ Mỹ muốn Nhà Trắng tính tới những biện pháp quân sự cứng rắn hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Sau khi thỏa thuận ngừng bắn 9/9 do Mỹ - Nga bảo trợ ở Syria sụp đổ sau một tuần, các nghị sĩ ở Washington đang ngày càng giận dữ và kêu gọi Nhà Trắng xem xét một "Kế hoạch B", như một nỗ lực cuối cùng bằng biện pháp quân sự của chính quyền Obama nhằm chấm dứt xung đột kéo dài tại quốc gia Trung Đông này, theo The Hill.

"Tôi cho rằng chúng ta cần tính đến các giải pháp hành động khác ở Syria có thể thay đổi được cục diện và buộc Nga nhận ra rằng việc họ tái tham gia vào quá trình tìm giải pháp ở Syria là rất quan trọng", thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, thành viên Ủy ban Quân vụ và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói.

Trong khi các quan chức chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn nhấn mạnh rằng chiến lược của họ là chấm dứt cuộc chiến bằng các biện pháp ngoại giao, các chuyên gia quân sự và nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể xem xét 4 biện pháp quân sự cứng rắn như những "cú đấm thép" để tháo gỡ bế tắc ở Syria.

Lập vùng cấm bay

Theo bình luận viên Kristina Wong, Mỹ và các đồng minh có thể áp đặt vùng cấm bay trên toàn không phận Syria, hoặc một phần lớn vùng trời nước này. Điều đó có nghĩa là không một máy bay nào, dù là của Nga hay quân đội chính phủ Syria, được phép hoạt động trong khu vực này và có thể bị bắn hạ nếu chưa được sự cho phép của Mỹ và đồng minh.

Để thực hiện được vùng cấm bay, Mỹ và các đối tác phải huy động một lượng lớn máy bay giám sát và tuần tra bầu trời, sẵn sàng cảnh báo hoặc tiêu diệt những kẻ vi phạm hoặc các mối đe dọa.

Chiến đấu cơ của Mỹ cũng có thể thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào các hệ thống vũ khí của quân đội Syria tiềm ẩn mối đe dọa, chẳng hạn như các hệ thống tên lửa phòng không do Nga sản xuất.

"Để duy trì vùng cấm bay phải cần 4-40 máy bay, tùy thuộc vào quy mô khu vực cũng như mức độ mối đe dọa", trung tướng không quân Mỹ nghỉ hưu Ralph Jodice, người từng chỉ huy lực lượng không quân NATO trong chiến dịch ở Libya năm 2011, cho biết.

Tuy nhiên, biện pháp quân sự này vấp phải sự phản đối của nhiều quan chức Lầu Năm Góc, cho rằng nó sẽ ngốn quá nhiều nguồn lực, và sẽ làm chệch hướng mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự hiện nay ở Syria là tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

Các quan chức này cũng cảnh báo rằng việc thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Syria có thể đẩy Mỹ vào cuộc chiến trực tiếp với Nga hoặc Syria, nếu máy bay chiến đấu của hai nước này tiến vào vùng cấm và một cuộc đối đầu nổ ra.

4 cú đấm thép Mỹ có thể tung ra trên chiến trường Syria ảnh 1

Trực thăng quân sự Syria không kích trên bầu trời thành phố Aleppo. Ảnh:Aljazerra

Những người ủng hộ giải pháp này thì tin tưởng rằng Nga sẽ không liều lĩnh gây chiến với Mỹ, và rằng vùng cấm bay là biện pháp tốt hơn so với tình thế hiện nay, khi chiến đấu cơ Nga và Syria có thể tự do quần thảo trên bầu trời và không kích nhiều mục tiêu dưới mặt đất, kể cả các nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn ở Aleppo.

Lập vùng an toàn

Quân đội Mỹ có thể tính tới biện pháp thiết lập một vùng an toàn, nơi thường dân Syria có thể tới ẩn náu trước các mối đe dọa quân sự. Giải pháp này được cho là sẽ làm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria đổ về châu Âu và các nước láng giềng ở Trung Đông.

Tướng nghỉ hưu Jack Keane, cựu phó tư lệnh Lục quân Mỹ và hiện là chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, cho rằng quân đội Mỹ cần lập hai vùng an toàn khác nhau cho người Syria chạy loạn ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.

Lực lượng mặt đất bảo vệ các vùng an toàn này có thể là một liên minh quốc tế các nước trong khu vực, có thể thêm một số nước thành viên NATO, cùng các hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ bố trí ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, ông Keane nói. Vùng an toàn trên mặt đất nếu được bảo vệ thành công có thể bao gồm luôn cả vùng cấm bay, theo chuyên gia quân sự này.

Cựu giám đốc CIA David Petraeus cho rằng bây giờ "chưa phải là đã quá muộn" để Mỹ và đồng minh có thể thiết lập vùng cấm bay hay vùng an toàn ở Syria.

"Bạn có thể làm điều đó rất nhanh chóng, thậm chí không cần phải đưa lực lượng vào không phận Syria. Bạn có thể lập các khu vực như vậy bằng tên lửa hành trình, các tên lửa phóng từ máy bay, tàu chiến và các vũ khí tầm xa khác", ông Petraeus nói trong một cuộc phỏng vấn với PBShôm 28/9.

Trước ý kiến của một số chuyên gia rằng giải pháp này sẽ khiến Mỹ phải huy động rất nhiều hệ thống trinh sát, giám sát, tình báo để phát hiện các máy bay vi phạm, cũng như lực lượng bộ binh để bảo vệ vùng an toàn, ông Petraeus nhấn mạnh Mỹ có thể sử dụng các đối tác trong khu vực để giám sát tình hình.

Michele Flournoy, người được kỳ vọng trở thành bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nếu bà Hillary Clinton đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm sau, từng thể hiện sự ủng hộ phương án thiết lập "vùng cấm không kích" trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm.

Triệt hạ không quân Syria

Một biện pháp mạnh khác mà Mỹ có thể tính đến là không cho lực lượng không quân của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hoạt động trên bầu trời và ném bom lực lượng nổi dậy.

Trung tướng không quân nghỉ hưu David Deptula, viện trưởng Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell, cho rằng đây là giải pháp dễ dàng nhất, rẻ nhất để ngăn chặn các cuộc ném bom khiến dân thường thiệt mạng tại Syria.

Theo Deptula, việc vô hiệu hóa không quân Syria cần đến ít nguồn lực hơn so với thiết lập vùng cấm bay, và có thể được thực hiện trong 24 giờ.

Tuy nhiên, viên tướng này cảnh báo rằng việc nhắm mục tiêu vào các chiến đấu cơ Syria có thể bị coi là "hành động gây chiến", điều mà chính quyền Tổng thống Obama luôn muốn tránh cho đến nay.

Trong cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học nổ ra năm 2013, quân đội Mỹ đã xác định một loạt mục tiêu quân sự Syria để ném bom, tuy nhiên Tổng thống Obama cuối cùng đã hủy bỏ kế hoạch không kích, sau khi đạt được thỏa thuận chính trị với Nga nhằm giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria.

Cấp vũ khí phòng không cho phe nổi dậy

Giải pháp quân sự cuối cùng mà Mỹ có thể thực hiện để nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến Syria là cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại cho phe nổi dậy, để họ có thể bắn hạ chiến đấu cơ Nga và Syria, đặc biệt là những chiếc trực thăng bay thấp ném bom thùng, loại bom đã gieo rắc kinh hoàng tại Aleppo.

Các hệ thống vũ khí mới này có thể bao gồm các loại tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) mà Mỹ chưa từng viện trợ cho phe nổi dậy. Việc cung cấp các tên lửa phòng không mới có thể được thực hiện tương tự như chương trình viện trợ tên lửa chống tăng TOW mà CIA đã thực hiện trong nhiều năm qua cho các nhóm nổi dậy Syria.

Theo ông Keane, chương trình viện trợ tên lửa TOW đã có tác động đáng kể lên cục diện chiến trường, xóa sổ ưu thế về thiết giáp của quân đội Syria, buộc Nga phải chuyển đến quốc gia này những cỗ xe tăng T-90 trang bị hệ thống phòng thủ chủ động hiện đại nhất.

Từ trước tới nay, Mỹ luôn từ chối cung cấp MANPAD cho phe nổi dậy, vì lo ngại số tên lửa này có thể lọt vào tay các nhóm khủng bố và được dùng để tấn công máy bay Mỹ. Tuy nhiên, những người ủng hộ biện pháp này cho rằng Lầu Năm Góc có thể sử dụng các biện pháp giám sát tương tự như chương trình tên lửa TOW hiện nay để đảm bảo số vũ khí đó được trao đúng đối tượng.

4 cú đấm thép Mỹ có thể tung ra trên chiến trường Syria ảnh 2 Tên lửa phòng không vác vai có thể tiêu diệt hiệu quả các loại máy bay bay thấp. Ảnh: Military
Mỹ yêu cầu quân nổi dậy Syria phải ghi hình lại tất cả những phát bắn tên lửa TOW, để đảm bảo chúng không lọt vào tay IS hay phiến quân cực đoan. Mặc dù vậy, IS từng tuyên bố sở hữu một số tên lửa TOW và sử dụng chúng tấn công xe tăng quân đội chính phủ Syria.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng đây là biện pháp "đáng thử" nhằm thay đổi cục diện chiến trường, gây sức ép buộc chính quyền của ông Assad phải tính tới giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. "Đó là một nỗ lực đáng làm để xoay chuyển tình thế bế tắc hiện nay", ông Keane nhận định.

Theo Reuters, một số đồng minh của Mỹ ở Vùng Vịnh đã tính tới phương án cung cấp MANPAD cho quân nổi dậy Syria, và Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain tỏ ra đồng tình với biện pháp này. "Đã đến lúc làm như vậy, vì chính quyền Tổng thống Obama không chịu thực hiện việc đó", ông McCain nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố
TPHCM 24/7: Chi Dân, An Tây xin lỗi muộn màng; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố
TPO - Chi Dân, An Tây và 'cô tiên' Trúc Phương bị bắt; TPHCM rà soát, xử lý cán bộ dùng chứng chỉ 'Cambridge International'; Bắt 'Trưởng phòng chiến tranh' của tổ chức khủng bố 'Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời'; TPHCM sắp thử nghiệm máy bay không người lái 100 km/h,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.