36 năm sự kiện Gạc Ma - Bài 1: Đi qua Gạc Ma, Trường Sa 30 năm trước

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lão ngư dân Ngô Văn Chức, năm nay 82 tuổi ở huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận mang tấm hải đồ giấy tỷ lệ 1:500.000 trải ra mặt đất để kể về kỷ niệm tròn 30 năm ở Trường Sa. Trên tờ hải đồ đã ngả màu vàng, khu vực các đảo Len Đao, Gạc Ma có dấu hiệu sờn cả mặt giấy. Ông Chức giải thích về việc mòn cả giấy, vì cứ chỉ tay vô đó, kèm theo thước kẻ quá nhiều lần thì mờ mòn thôi.

Ngóng về đảo xa

Đảo Phú Quý năm 1994, cuộc sống trên đảo vẫn diễn ra chậm chạp, lão ngư Ngô Văn Chức năm đó đã ở tuổi 52, mọi dự kiến lớn lao trong cuộc đời của ông đều dồn vào một ý định, đó là đưa bầy con trai và ngư dân tiến ra Trường Sa. Những người bạn chài của ông nói “người ta đồn dữ quá, ở bên Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã ra tới Cát Vàng (đảo Hoàng Sa) từ năm 1984 và nhiều hải sâm lắm!”.

36 năm sự kiện Gạc Ma - Bài 1: Đi qua Gạc Ma, Trường Sa 30 năm trước ảnh 1

Tàu đánh cá của ngư dân đảo Phú Quý. Ảnh: Văn Chương

Chuyện ngư dân Lý Sơn râm ran tới xứ đảo Phú Quý, vì từ tháng 6/1984, ba tàu cá nằm trong dự án đánh bắt xa bờ của tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định thời chưa tách tỉnh) mang số NB 4859 TS, NB 4873 TS và NB 4860 TS giao cho cán bộ đảng viên phụ trách, đưa ngư dân tiến ra đánh bắt hải sản tại vùng biển Hoàng Sa.

Còn với Trường Sa, ông Chức nói với anh em bạn chài trên đảo về việc nghe đài nói bộ đội ngoài Trường Sa rất vất vả, vừa phải bảo vệ đảo, vừa ăn uống thiếu rau xanh, nếu bà con ngư dân mình ra tới đó thì giống như dân công hỏa tuyến hồi xưa, mang tặng cho họ ít trái bầu trái bí, tiền tuyến thì phải có hậu phương, rồi ra đó làm ăn thì chắc sẽ giàu lên.

Ông Chức và nhiều ngư dân ở xã Long Hải như Nguyễn Hùng, Nguyễn Hữu Mậu, Trần Hữu Tỏ, Đặng Ngũ ngồi nhìn ra biển kể chuyện đời, nhắc tới ông cao, ông cố ngày xưa từ trong Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên đi ghe buồm ra tới đảo Phú Quý này để lập ấp, lập làng. Còn bây giờ bộ đội mình đóng quân ở Trường Sa, rồi đảo Gạc Ma bị Trung Quốc đánh chiếm, nhưng mình không ra được ngoài đó thăm anh em bộ đội thì cũng nóng lòng.

Ông Chức tính toán, tàu lớn nhất ở đảo chỉ dài 16 mét, công suất máy 45 mã lực (tàu đánh cá đi Trường Sa hiện nay dài khoảng 25 mét), máy tàu cũ nát, vì vậy muốn ra Trường Sa thì phải hùn hạp, nâng đỡ nhau mà đi. Tính toán thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào việc thì mọi chuyện không hề dễ dàng...

Kết chùm vươn khơi

Tháng 3/1994, các ngư dân nói với nhau “hết mùa giạn rồi” (mùa đông bắc), chuẩn bị ra đảo. Bà Liễu vợ ông Chức múc nước ngọt trữ ở khạp, trin (giống cái lu) để gánh ra tàu. Bốn chiếc tàu bắt đầu xuất hành chuyến đầu tiên mở biển ra Trường Sa theo hướng kim la bàn và căn cứ vào tấm hải đồ giấy. Vì không có máy định vị, nên những ngư dân đi biển giỏi nhất như ông Chức được ngư dân tin tưởng, giao cho việc quyết định hướng đi.

Công nghệ đóng tàu thời đó còn lạc hậu, hầm chứa đá không thể giữ lạnh được lâu, bên cạnh đó là đá lạnh trên đảo cũng khan hiếm, vì vậy ông Chức và các ngư dân tính chuyện ra đảo mưu sinh bằng nghề lượm hải sâm và bắt ốc nón, muối mặn. Hiện nay giá hải sâm trắng và hải sâm đỏ có giá đắt đỏ nhất và phải lặn xuống biển sâu để săn tìm. Còn vào thời điểm cách đây 30 năm, ông Chức và các ngư dân mở biển ra Trường Sa chỉ đi “nhặt hải sâm”.

Đêm đầu tiên của hành trình ra đảo, khi chiều xuống cả đoàn thuyền dừng lại giữa biển. Mỗi chiếc chở theo từ 10-12 ngư dân. Mọi người neo buộc tàu vào nhau để ban đêm khỏi bị trôi dạt. Vì đêm xuống, dòng hải lưu đang chảy mạnh và nếu tàu nào dạt đi thì lúc ngủ dậy sẽ không thể nào tìm ra nhau.

Đêm giữa biển khơi trên đường ra Trường Sa, ông Chức nói về việc mình có 3 người con trai, thằng lớn đang đi cùng, nếu đánh cá ở vùng biển đảo Phú Quý mãi thì tới lúc thủy hải sản cũng cạn, trong khi tới đời con đời cháu thì phải theo gương tổ tiên, phải mở biển tìm ra các đảo xa bờ. Câu chuyện của ông cách đây 30 năm chỉ là dự báo, nhưng đã hoàn toàn đúng với hoàn cảnh hiện tại. Bởi vì hiện nay, con trai của ông đều trở thành thuyền trưởng giỏi, cầm lái điều khiển tàu đưa ngư dân Phú Quý ngày đêm xuôi ngược khắp các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa.

36 năm sự kiện Gạc Ma - Bài 1: Đi qua Gạc Ma, Trường Sa 30 năm trước ảnh 2

Lão ngư dân Ngô Văn Chức, thế hệ đầu tiên ở đảo Phú Quý ra Trường Sa. Ảnh: Văn Chương

Cậu con trai Ngô Văn Thương bị bệnh nên giã từ nghiệp biển sớm, bán tàu cá và làm nghề trong đất liền, còn 2 người con trai là Ngô Văn Lắm, Ngô Văn Thưởng sở hữu 2 tàu đánh cá, ở Trường Sa nhiều hơn trong đất liền. Mỗi khi đi biển về, những cậu con trai đều kể với cha về hòn đảo được cha chạm tay vào tới mức mòn cả hải đồ giấy đó là bãi đá Ba Đầu, đảo Cô Lin, Gạc Ma, Sinh Tồn… Ông Chức kể “tui vui lắm, vì con nó nói là đảo của Việt Nam xây dựng to, đi đâu cũng gặp, có chỗ neo tàu đàng hoàng”.

Năm tháng khó quên

Thời điểm mới ra Trường Sa 30 năm về trước, ngư dân luôn tìm cách đến các đảo có nhà giàn để có thể giao lưu với anh em bộ đội. Bộ đội gặp bà con cập tàu vào sát nhà giàn thì vội vã ra chào đón. Thời đó tàu cá đi đánh bắt thì đều mang theo cuốn sổ hành trình đã có chữ ký xác nhận của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý để trình báo, anh em bộ đội trên đảo Trường Sa sẽ ký vào sổ, xác nhận điểm đến.

Ông Chức hồi tưởng về ngư trường ở quần đảo Trường Sa ngày ấy, khi tàu ra tới các bãi ngầm, hải sâm và ốc nón nằm la liệt trên các bãi san hô. Các ngư dân tranh thủ lúc thủy triều xuống thấp thì tổ chức đi lặn xuống các đảo ngầm ở độ sâu chỉ hơn 4 mét và cầm theo chiếc vợt. Có ngày anh em ngư dân thu lượm được 400 con hải sâm, bằng số lượng hải sâm hiện nay của một tàu đi lặn trong vòng 2-3 tháng.

Kể về những năm tháng ra Trường Sa, ông Chức bật mí con số khiến các ngư dân ngày nay nghe cũng nổi da gà “có phiên kiếm được chừng 5.000 con hải sâm loại lớn” (nếu số lượng hải sâm đó mang ra bán với thời giá bây giờ, thu nhập của ngư dân đi bạn khoảng 600 triệu đồng mỗi người). Chỉ sau 2 năm đi Trường Sa, nhiều ngư dân đi bạn đã có vốn đóng tàu mới, đưa con cháu đổ về ngư trường này.

(Còn nữa)

Năm 1987, ngư dân Mai Phụng Lưu ở đảo Lý Sơn và nhiều ngư dân đã chuyển hướng sang quần đảo Trường Sa (đi hết 7 ngày đêm) và được tàu hải quân dẫn đường. Phiên đầu tiên trở về, ngư dân đốt cả chục dây pháo để ăn mừng, vì ngư dân đi bạn kiếm được 2 cây vàng/người. Từ năm đó trở đi, ngư dân Quảng Ngãi bắt đầu liên kết với nhau đổ về hướng Trường Sa để vừa mưu sinh, vừa góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

MỚI - NÓNG