Theo lời kể của chị Trần Thị Thủy, bố chị-liệt sĩ Trần Văn Phương vừa học xong lớp 10 thì nhập ngũ vào bộ đội (tháng 3/1983), được cử đi học nghiệp vụ kế toán trinh sát pháo binh của Quân chủng Hải quân.
Tháng 1/1984, ông Phương được phân công đảm trách Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo binh thuộc Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Tháng 1/1986, ông Phương được phong cấp bậc hàm thiếu úy và giữ chức Trung đội trưởng. Đến năm 1988, thiếu uý Phương nhận nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma và hy sinh tại đảo năm đó.
Chị Thủy sinh ra và lớn lên trong căn nhà bên dòng sông Gianh ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (nay là thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Từ ngày còn nhỏ, chị đã có một ước mơ được công tác nơi bố Phương công tác là Vùng 4 Hải quân, TP. Cam Ranh.
Giữa năm 2009, sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học ở trường Đại học Quảng Bình, chị Trần Thị Thủy vào Khánh Hòa với mong ước được nối nghiệp người cha kính yêu để góp sức tiếp tục bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng úy Trần Thị Thủy vẫn còn lưu giữ những bài thơ tình bố gửi cho mẹ năm xưa. Ảnh: C.H |
Biết chị là người con duy nhất của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, ông Võ Lâm Phi (Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ) đã chỉ đạo UBND huyện Trường Sa tiếp nhận, phân công chị vào làm việc ở văn phòng UBND huyện này.
Tuy nhiên, khát vọng trở thành người lính hải quân vẫn cháy bỏng trong chị. Năm 2010, chị được lãnh đạo tạo điều kiện công tác tại Vùng 4 Hải quân và vinh dự làm đại biểu ra thăm Trường Sa năm ấy. Khi tàu đến vùng biển đảo Gạc Ma, chị Thủy vô cùng xúc động, cảm nhận như bố đang ở rất gần.
“Giữa biển Gạc Ma, bỗng dưng có sóng điện thoại nên tôi điện về mẹ. Nghe tin tôi đang ở khu vực đảo Gạc Ma, hai mẹ con vỡ òa cùng nhau khóc”, chị Thủy kể.
Trên chuyến tàu đó, chị may mắn được gặp và trình bày nguyện vọng với Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Ninh. Thật bất ngờ, khi lá đơn tình nguyện nhập ngũ của chị được viết ngay trên tàu đã được Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Ninh phê chuẩn.
Kết thúc chuyến ra Trường Sa, chị Trần Thị Thủy trở thành người lính hải quân ở tuổi 22. Cô rất xúc động và tự hào khi trở thành đồng đội của người cha kính yêu chưa một lần gặp mặt và được làm việc tại đơn vị nơi chính cha cô đã từng công tác. Sau đó, chị Thủy may mắn được 3 lần quay trở lại Trường Sa. Mỗi lần đến với vùng biển Gạc Ma, cảm giác xúc động vẫn còn nguyên vẹn như lần đầu.
Sau chuyến công tác Trường Sa năm 2010, chị đã kết hôn cùng anh Nguyễn Hồ Hải - hiện là thượng úy, cán bộ Chi đội kiểm ngư 04, Cục Kiểm ngư. Đến nay, vợ chồng chị Thủy đã có hai đứa con, bé gái đầu là Nguyễn Trần Navy (13 tuổi); bé gái thứ hai là Nguyễn Trần Trúc Giang (8 tuổi).
“Bé gái đầu lòng của vợ chồng tôi được đặt tên Navy theo tiếng Anh có nghĩa là hải quân”, chị nói thêm.