> Bịt lỗ hổng đồng phục
> Đại học cấm mặc đồng phục thể dục vào giảng đường
Khảo sát “Tham nhũng trong giáo dục phổ thông” là một trong những nội dung của “Báo cáo tham nhũng toàn cầu về giáo dục” do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (IT) thực hiện. Báo cáo khẳng định tại Việt Nam, tham nhũng tuyển sinh phổ biến ngay từ cấp 1, với chi phí hối lộ 3.000 USD để được vào một trường tiểu học danh tiếng và khoảng 300-800 USD cho 1 suất vào trường “thường thường bậc trung”.
Sẵn sàng hối lộ
Báo cáo cũng cho biết 67% phụ huynh cho rằng việc gia đình phải tốn thêm chi phí để con cái được nhận vào trường tốt là bình thường, kể cả các trường đúng tuyến. Một phụ huynh khi được hỏi cho biết mức giá 1.000 USD để “chạy” vào 1 trường tiểu học hàng đầu là “hợp lý”, “chấp nhận được”, bởi “mong muốn con cái được giáo dục tốt là bình thường” và “gia đình nào cũng mong con em mình được học ở môi trường danh tiếng”.
Theo báo cáo của IT, khảo sát trên 1.500 thanh niên ở 11 tỉnh, thành cho thấy họ sẵn sàng thực hiện hành vi tham nhũng để được nhận vào 1 trường tốt. Báo cáo của nhóm nghiên cứu cho rằng yếu tố cơ bản đằng sau nhu cầu này là sự thiếu tin tưởng vào hệ thống giáo dục công ở Việt Nam.
Báo cáo cũng cho biết 7,4% phụ huynh có con học đúng tuyến vẫn cần và phải tìm đến sự hỗ trợ (kể cả đưa hối lộ) để đăng ký cho con học trường điểm; 4,5% phụ huynh ở diện đúng tuyến cần sự hỗ trợ để đăng ký cho con vào học những trường bình thường.
Những kẽ hở để “chạy”
Nhìn nhận thực tế về vấn đề “chạy trường”, liệu khảo sát nêu trên có chính xác? Tại TP HCM, hằng năm, cứ vào tháng 3-4 là mùa cao điểm “chạy trường”. Tình trạng này những năm gần đây ngày càng diễn ra phổ biến. Vì sao có chuyện “chạy trường”? Đơn giản, theo nhiều phụ huynh, là do có sự chênh lệch về chất lượng đào tạo ở các trường và một số nguyên nhân xã hội khác.
Rất nhiều phụ huynh ở các quận xa tại TP HCM như 12, Tân Bình, Tân Phú… đã cho con em học ở những trường tại quận 1, quận 3. Về nguyên tắc, Sở GD-ĐT TP quy định các trường tiểu học, THCS nhận học sinh trong tuyến nhưng quy định này là không tuyệt đối, vẫn có thể học trái tuyến có điều kiện, kể cả khi phụ huynh “tự nguyện” đóng “sổ vàng”.
Có rất nhiều kẽ hở để phụ huynh đưa con em mình “lọt” qua cánh cửa “trường điểm”. Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TPHCM) chẳng hạn, chỉ nhận học sinh trong tuyến ở vài khu phố. Còn lại, tất nhiên là những kẽ hở để ai đó muốn thì tìm cách “lách” qua. Các “trường điểm” khác như Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hòa Bình… đều có những khoảng hở như vậy. Đó chẳng khác nào mở các điều kiện cho hiện tượng “chạy trường”.
Ở một số trường xét tuyển vào lớp 1 rất gắt gao như Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 9), đích thân một phó chủ tịch quận đứng đầu hội đồng xét tuyển nhưng vẫn có cửa để “lách” qua…
Một số trường THCS “điểm” như Nguyễn Du (quận 1), Nguyễn Du (quận Gò Vấp), Võ Trường Toản, Trần Văn Ơn (quận 1)… có nhiều “kẽ hở” khác và những cuộc “chạy trường” dễ dàng diễn ra. Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) cũng là “trường điểm”, cánh cửa vào rất hẹp nhưng không phải là không vào được nếu có điều kiện…
Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), các tiêu chuẩn quy định vào học rất cao như điểm tuyển phải 20, ở cấp 1 phải là học sinh giỏi 5 năm liền… Tuy nhiên, nếu kiểm tra học sinh khối lớp 6 nhập học năm vừa rồi có đủ tiêu chuẩn này hay không, chúng ta sẽ biết ngay điều gì đang xảy ra. Đó là chưa kể quy định như vậy buộc cả phụ huynh lẫn các trường cấp 1 chạy đua theo thành tích để đủ chuẩn vào trường điểm sau này.
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng hiện nay, mỗi cặp vợ chồng thường chỉ sinh 2 con nên họ dành sự quan tâm, đầu tư tốt nhất. Tâm lý phụ huynh ai cũng có nhu cầu tìm trường tốt, vì thế sinh ra hiện tượng “chạy trường”. Theo ông Điệp, đối với phụ huynh, “chạy trường” không có gì xấu. Ông cho biết chất lượng giáo dục bậc tiểu học công lập ở TP HCM nhiều năm nay đã được cải thiện.
Ông Đinh Thiện Căn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1, cũng nhận xét tương tự. Theo ông, có chăng là cơ sở vật chất trường lớp trường này hơn trường kia mà thôi.
Đó là lý giải của các quan chức giáo dục nhưng phụ huynh không tin. Thực tế đã đúng như vậy khi mà hiện tượng “chạy trường” vẫn không có điểm dừng.
Cấp học nào cũng “chạy trường”
Nhận xét về báo cáo này, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng “chạy trường” ở Việt Nam không phải là chuyện lạ nhưng chưa có ai điều tra rõ ràng. “Nó xảy ra ở tất cả cấp học từ mầm non tới trung học phổ thông, còn ĐH thì khó hơn. Con số 3.000 USD là có thể có, còn 1.000 - 2.000 USD thì tôi đã nghe từ mấy năm trước rồi” - ông cho biết.
Khẳng định nhu cầu cho con em vào học ở trường tốt là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương thế Vinh, Hà Nội - thừa nhận chuyện “chạy trường” 1.000-3.000 USD là có thật. Ông cho biết nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền “chạy” cho con để có thể vào được một trường tốt.
Theo PGS Cương, một thầy giỏi từng dạy ở Trường THPT Lương Thế Vinh đã có ý định rời trường sau khi trúng tuyển công chức. Sau đó, thầy đã quay trở lại vì tuy đỗ công chức rồi nhưng nếu muốn được nhận vào trường A, B thì phải chi ra 400 triệu đồng. “Có cử nhân sư phạm tâm sự với tôi rằng muốn xin vào dạy ở trường công lập phải mất mấy trăm triệu đồng” - PGS tiết lộ.
Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương cho rằng “chạy trường” là do tâm lý đám đông. “Phụ huynh nghe nói trường này, trường kia tốt nên đua nhau tìm mọi cách cho con em vào. Nhưng tôi khẳng định là không phải trường nào được đồn đều tốt. Nhiều trường cũng PR tên tuổi của mình để thu hút học sinh nhưng sau đó thì chất lượng chẳng bằng những trường khác” - ông cho biết.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận xét: “Phụ huynh không có thông tin, họ nghe đồn thì biết thế. Người có bản lĩnh thì không quan tâm đến chuyện này nhưng nhiều người tìm cách “chạy” bằng được vào những trường được đồn là dạy tốt”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng tham nhũng trong giáo dục.
Theo nld.com.vn