Đó là ý kiến của DN Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội phản ánh tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sáng ngày 4/10.
Theo Jetro, Việt Nam là điểm đến đầu tư đầy sức hút, số lượng dự án đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam tăng cao những năm gần đây. Năm 2017, có tới 601 DA mở rộng và đầu tư mới từ Nhật Bản với tổng vốn 8,7tỷ USD. Trong số 5 DA có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam có tới 3 DA liên quan đến DN Nhật Bản.
“Khảo sát Jetro thực hiện với DN Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam cho thất, 70% DN có ý định mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Hironobu Kitagawa cho biết.
Tuy nhiên, để DN Nhật tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh, Jetro mong muốn Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ hơn nữa. Việt Nam cần làm rõ lĩnh vực muốn tập trung chú trọng trong sản xuất chế tạo, chỉ khi đó, Nhật Bản mới có thể hợp tác hỗ trợ một cách thuận tiện và hiệu quả hơn. Việt Nam cần nâng cao đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ cao hơn.
DN Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư FDI góp phần vào thành công trong 3 năm thu hút FDI của Việt Nam. Đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Lũy kế đến ngày 20/8/2018, cả nước có 26.500 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18-25% trong giai đoạn 1991 - 2017.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế đang tồn tại trong thu hút FDI. Việc liên kết và hiệu ứng lan tỏa năng suất của khu vực FDI đến khu vực trong nước còn thấp. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn thiếu sự liên kết chặt chẽ để cùng phát triển. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện thấp so với vốn đầu tư đăng ký.
Theo Bộ trưởng Dũng, năm 2017, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện mới đạt khoảng 55,5%, có nghĩa là có tới gần 1/2 tổng vốn đầu tư đăng ký nhưng chưa được thực hiện. Chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư nước ngoài chưa đạt kết quả như kỳ vọng; số dự án đầu tư nước ngoài ở các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều. Đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực, như: nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, giáo dục đào tạo, y tế... và đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia còn khiêm tốn.
“Một số DN FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường, một số trường hợp đã gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và cuộc sống của người dân, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Việc sử dụng đất đai và tài nguyên không tái tạo tại một số dự án đầu tư nước ngoài còn lãng phí và kém hiệu quả", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Ngoài ra bộ trưởng cũng lưu ý: "Một số DN FDI chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế. Thực tế cũng cho thấy, còn trường hợp bên nước ngoài trong các liên doanh đã tạo áp lực buộc Bên Việt Nam phải nhượng lại phần vốn góp, chuyển doanh nghiệp liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, làm hạn chế khả năng liên kết và chuyển giao công nghệ”,
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một số địa phương chưa tính toán đầy đủ, cân nhắc cẩn trọng các yếu tố liên quan đến quốc phòng, an ninh khi thu hút các dự án đầu tư nước ngoài.
Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết, kết quả thực hiện thu hút FDI trong 30 năm qua, có thể rút ra những bài học thực tiễn quý giá và là nền tảng quan trọng để điều chỉnh mục tiêu, định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài cho giai đoạn mới như: để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi phải huy động và kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó nguồn lực trong nước là quyết định và nguồn lực ngoài nước là quan trọng.