3 nạn nhân trong vụ cháy ở Trung Kính ra viện, 1 trường hợp chưa tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
Ba nạn nhân đầu tiên trong 6 trường hợp được cấp cứu sau vụ cháy ở Trung Kính (Hà Nội) sẽ ra viện vào chiều nay.

Ngày 25/5, Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Sỹ Tuấn Anh - Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải (Hà Nội) cho biết, dự kiến trong chiều nay, 3 nạn nhân của vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính đang điều trị tại đây sẽ ra viện.

Theo bác sĩ Tuấn Anh, sáng nay, bệnh viện khám hội chẩn, đánh giá 3 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe. Ba người gồm mẹ và hai con.

3 nạn nhân trong vụ cháy ở Trung Kính ra viện, 1 trường hợp chưa tỉnh ảnh 1

Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo.

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang theo dõi, điều trị cho 3 bệnh nhân trong vụ cháy, trong đó cụ bà N.T.K (84 tuổi) bị nặng nhất.

Theo bác sĩ Hoàng Phúc (Trung tâm cấp cứu 115, trạm cấp cứu khu vực Từ Liêm), cụ K. được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài trong tình trạng khó thở nhiều, mũi, miệng đầy bụi than.

Kíp cấp cứu nhanh chóng đánh giá tình trạng đường thở, tim mạch của bà K., vệ sinh mũi miệng bằng khăn ướt, cho thở oxy mask. Sau khi kiểm tra chấn thương, ê-kíp đánh giá tình trạng nạn nhân rất nặng, nếu chậm trễ có thể ngạt thở. Sau đó, bà K. và các nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Giao thông vận tải cấp cứu.

Tối 25/5, các bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã nội soi rửa phổi cho bà K. và làm các xét nghiệm đánh giá chức năng tim mạch, phổi, thần kinh. Kết quả cho thấy, não và tim của bệnh nhân bị ảnh hưởng. Hiện, bà K. vẫn chưa tỉnh.

Vợ chồng anh N.Đ.K (35 tuổi, quê Phú Thọ) đang nằm tại Trung tâm Chống độc đều có dấu hiệu ảnh hưởng cơ tim, bỏng đường hô hấp và ngộ độc khí CO, viêm phổi. Sau khi hội chẩn và làm thêm một số xét nghiệm cho 2 bệnh nhân, các bác sĩ đã kết hợp dùng thuốc điều trị giải độc khí CO và oxy cao áp để phòng biến chứng về thần kinh và tâm thần.

Theo các bác sĩ, bỏng đường hô hấp ở bên trong cơ thể nên khó quan sát, khó điều trị, biến chứng nguy hiểm. Khi cháy, con người hít vào cơ thể khí nóng gây tổn thương đường niêm mạc, đường thở từ mũi đến phổi.

Bỏng hô hấp gây các tổn thương trực tiếp do nhiệt, hoại tử đường thở và ở phổi. Khí độc CO và Cyanide ngấm từ phổi vào máu. Bệnh nhân bỏng hô hấp thường bị tổn thương phổi rất nghiêm trọng, để lại nhiều biến chứng như suy hô hấp.

Vào 1h ngày 24/5, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu nhà trọ ở phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 14 người tử vong (12 khách thuê và 2 mẹ con chủ nhà) và 6 người bị thương. Đa số nạn nhân tử vong dưới 30 tuổi.

Cách tránh khí độc trong hỏa hoạn

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng đưa ra 5 cách tránh khí độc:

1. Thấm ướt khăn, giẻ rồi che kín mặt, mũi để hạn chế hít phải khí độc trong thời gian đợi người cứu hộ.

2. Lấy giẻ, khăn bịt kín lỗ hổng ngăn không cho khói vào phòng, có thể sử dụng mặt nạ chống khói nếu được trang bị trước.

3. Dùng tấm đệm gác lên cửa sổ hoặc ban công, tưới nước ướt đệm, tạo thành cái mái để khói di chuyển lên trên, người trú bên dưới tấm đệm để hạn chế hít khói độc.

4. Nếu định vượt qua lửa cần trùm chăn hoặc vải ướt lên người, tránh lửa bén vào quần áo gây bỏng. Tư thế di chuyển cúi khom lưng và men theo tường để di chuyển ra ngoài.

5. Tuyệt đối không thoát ra bằng thang máy.

Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG