22 học sinh thương vong trong 2 vụ sạt lở ở Nam Trà My

Một học sinh trú tại thôn 1 xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) may mắn thoát chết trong vụ sạt lở kinh hoàng. Ảnh: Nguyễn Thành
Một học sinh trú tại thôn 1 xã Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) may mắn thoát chết trong vụ sạt lở kinh hoàng. Ảnh: Nguyễn Thành
TPO - Theo thống kê, tại thôn 1 xã Trà Vân và thôn 1 xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) có 9 học sinh tử vong, mất tích. Ngoài ra, còn có 13 học sinh bị thương nặng sau mưa bão số 9. 

Ngày 6/11, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: đã có báo cáo thống kê thiệt hại sau cơn bão số 9, gửi sở GD&ĐT tỉnh.

Trên cơ sở các trường báo cáo, Phòng đã  thống kê tình hình thiệt hại sau bão số 9 đối với ngành giáo dục của huyện.

Trong đó, thiệt hại về người có 9 học sinh tử vong tại xã Trà Vân và Trà Leng (Nam Trà My) nơi có 2 vụ sạt lở kinh hoàng, khiến 30 người bị vùi lấp, mất tích khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền vào ngày 28/10.

Ngoài ra, còn có 13 học sinh bị thương. Trong đó thôn 1 xã Trà Leng có 12 em, thôn 1 xã Trà Vân có 1 em.

Về cơ sở vật chất, trên địa bàn huyện nam Trà My có 17 điểm điểm trường bị hư hỏng, thiệt hại nặng sau mưa bão. Một số trường bị thiệt hại nặng như trường mẫu giáo Trà Leng (thôn 1, xã Trà Leng), sách vở đồ dùng học tập, đồ chơi của học sinh bị nước vào gập làm ướt và trôi đi, thiệt hại hoàn toàn.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng nhà ăn của giáo viên bị tốc mái hoàn toàn, hư hỏng toàn bộ hệ thống điện, nước của nhà trường….

Tổng thiệt hại ngành giáo huyện Nam Trà My gánh chịu do bão số 9  bước đầu thống kê hơn 3,1 tỷ đồng.

Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cho biết: Hiện tại tình hình sức khoẻ của các học sinh bị thương đã dần ổn định. Những học sinh mất người thân, ngành giáo dục đã đến thăm, chia sẻ mất mát, động viên tinh thần các em. Đồng thời, cũng đã giới thiệu các tổ chức, cá nhân thiện nguyện về các hoàn cảnh của các em học sinh, để sớm có sự hỗ trợ thiết thực, giúp các em vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với những học sinh không còn người thân, ông Thuận cho biết: Hiện tại một số em ở với dân làng, gia đình người quen. Những em không có chỗ cưu mang, Phòng đã chỉ đạo các trường bán trú tạm thời bố trí chỗ ăn ở. Các trường phân công thầy cô chăm sóc đặc biệt cho các em để động viên tinh thần, giúp các em yên tâm học tập.

22 học sinh thương vong trong 2 vụ sạt lở ở Nam Trà My ảnh 1 Hai em học sinh được cứu sống, bị thương nặng trong vụ sạt lở ở thôn 1 xã Trà Leng. Ảnh: Nguyễn Thành

Trước đó, như Tiền Phong thông tin, vụ sạt lở đất ngày 28/10 xảy ra tại thôn 1 (xã Trà Leng) vùi lấp 15 hộ dân, 33 người thoát chết, 22 bị vùi lấp, mất tích. Đến nay, đã có 9 thi thể được đưa khỏi hiện trường sạt lở, 13 người dân trong đó có Bí thư xã Trà Leng vẫn chưa được tìm thấy.

Cũng trong ngày 28/10, tại thôn 1 xã Trà Vân (Nam Trà My) cũng đã xảy ra sạt lở vùi lấp 8 người dân trong thôn. Cả 8 thi thể người dân đã được tìm thấy. 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới hình thành sau khi bão số 10 suy yếu, địa bàn huyện Nam Trà My có mưa lớn, công tác tìm kiếm thi thể người mất tích đang phải tạm dừng.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.