Những đứa trẻ Trà Leng

TP - Nữ thi sĩ người Mỹ Louise Glück vừa thắng giải Nobel văn chương 2020 có bài thơ gây tranh cãi. Bài “Những đứa trẻ chết đuối” (The drowned children).

Những đứa trẻ bị phiến băng vỡ cuốn chìm xuống, lửng lơ phía sau là chiếc khăn quàng ấm bằng len. Cho đến khi hoàn toàn câm lặng. Hồ nước băng giá nâng niu chúng bằng cánh tay bóng tối rậm rì. “Bạn biết không, chúng không phán xét/ Tất nhiên rồi, chúng sẽ chết thôi/… Đáng lẽ cái chết phải đến bằng cách khác/ Phải gần như lúc khởi đầu/ Như thể khi xưa những đứa trẻ/ Luôn mù lòa và nhẹ bỗng…”.

Những đứa trẻ Trà Leng cũng đã chết. Không phải bởi băng giá, mà bị chôn vùi trong lũ bùn, lũ đất đá, cây rừng. Những đứa trẻ chết tức tưởi không nhắm mắt, có bé chết khi còn đang khát sữa mẹ. Những đứa trẻ được bới lên từ nhiều tầng đất đá, rồi sau đó lại được chôn ngay xuống đất lạnh ngập bùn, chỉ với tấm chăn mỏng cũng lấm bùn đậy hờ bên trên. Những đứa trẻ may mắn thoát chết, chân tay gần như bị gãy lìa, đau đớn trong rừng suốt một đêm một ngày trước khi được tìm thấy. Những đứa trẻ may mắn thoát chết, đứng lịm đi cái xác vô hồn, khi biết cả bố mẹ, anh chị em ruột, người thân đều đã chết hết.

Louise Glück bị độc giả chê là quá lạnh lùng, thản nhiên khi mô tả cái chết của những đứa bé. Còn những đứa trẻ Trà Leng, có bài thơ nào giúp chúng sống lại được không? Hay là nhân loại giờ đây cần lạnh lùng hơn, để mặc cho lý trí dẫn dắt, với cơ may cứu vớt chúng ta qua những cơn thảm họa, nan nguy này?

Tôi tự hỏi, tại sao loài người từ khi bắt đầu đứng thẳng hàng triệu năm trước, đến loài người tinh khôn hàng trăm ngàn năm trước lần lượt nối nhau chỉ có chừng vài chục ngàn người, lại có thể sống sót qua ngàn vạn hiểm nguy giữa rừng sâu núi thẳm để di truyền nòi giống đến bây giờ? Bởi họ không tàn phá, cũng không đủ năng lực, phương tiện để tàn phá thiên nhiên, cũng chính nơi trú thân duy nhất của họ, như ngày nay?   

Tại sao nóc ông Đề - Trà Leng ấy, theo lời dân làng suốt hơn 40 năm qua là nơi bình yên, an toàn nhất để mọi người trú ngụ, ngọn núi cũng nằm xa làng vài trăm mét, mà nay bị lũ, đất đá cuốn đi như manh chiếu mỏng? Núi đổ nhào xuống, chặn ngang dòng suối khi lũ ống cũng đang hung hãn đổ về. Tạo thành cái đập nước không lồ, và trong tích tắc đập bị vỡ, chuyển hướng vào làng cuốn đi tất cả. Cú liên hoàn trận của thiên tai ấy con người làm sao thoát nổi?

Những năm tháng chiến tranh, bom đạn cày nát những cánh rừng, sông suối, núi đồi. Nhưng sau đó là những năm đói kém, sức cơ giới khi đó có hạn, nên rừng hồi phục nhanh hơn những gì con người có thể khai thác, lấy đi. Còn giờ đây, chỉ thoáng chốc nhìn lại, đã thấy nguyên quả núi biến mất, chỉ với mấy cái máy cạp, máy xúc cùng sự tiếp tay của ngàn tấn thuốc nổ. Rừng keo lấn át tràn lan, thủy điện chằng chịt, đường sá cắt ngang, xẻ dọc chặt đứt chân, chém ngang thân những quả núi. Những nhà máy, công trường, công trình chệm chệ ngự trên những đỉnh non cao,… 

Chúng ta không thổi phồng nỗi sợ hãi. Mà nó đang tồn tại. Ngay tại những nơi tưởng bình yên nhất, ngay tại chính ngôi nhà, chiếc giường của mình.  

Chúng ta quặn thắt đau đớn với những cái chết oan khiên. Nhưng lại cần tỉnh táo để chọn lựa việc được tiếp tục sống, hay là chết của chính mình.

Những đứa trẻ Trà Leng, với đôi mắt mở to khi chết, có phán xét chúng ta không?

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".