21/6 giữa Hoàng Sa

Nhà báo Trần Tuấn đang ở Hoàng Sa trong những ngày này. Nhà báo Công Khanh, Nguyễn Huy, Nam Cường những ngày tác nghiệp Hoàng Sa. Ảnh: như ý
Nhà báo Trần Tuấn đang ở Hoàng Sa trong những ngày này. Nhà báo Công Khanh, Nguyễn Huy, Nam Cường những ngày tác nghiệp Hoàng Sa. Ảnh: như ý
TP - Cuộc giao lưu của 11 nhà báo đang tác nghiệp tại Hoàng Sa với CBCS tàu CSB 8003 diễn ra thật đặc biệt, có nhiều nụ cười, niềm rưng rưng xúc động, và thoáng những giọt nước mắt…

“Sân khấu” dã chiến là boong lái của tàu CSB 8003. Kịch bản được các PV dựng vội trước đó chừng nửa ngày. Phông nền “sân khấu” là 2 tờ giấy trắng khổ lớn ghép lại, vẽ cách điệu bản đồ Tổ quốc Hoàng Sa-Trường Sa, do nữ PV My Lăng (báo Tuổi Trẻ) hý hoáy vẽ suốt buổi trưa. Bút màu không có, nền cơ bản là màu xanh và đen. 

21/6 giữa Hoàng Sa ảnh 1

PV Tiền Phong theo xuồng CSB tác nghiệp trên biển Hoàng Sa.  ảnh: Trần Tuấn

Riêng hai lá cờ đỏ sao vàng biểu tượng cho Hoàng Sa – Trường Sa trên biển Đông, loay hoay mãi PV Tiền Phong mới kiếm được cây bút bi màu đỏ và mẩu giấy đề can màu vàng. Đứng giữa nắng trên boong tô vẽ, cuối cùng màu cờ cũng trở nên đỏ rực, vàng tươi. Trong lúc anh em trên tàu tập trung trên boong buộc dựng “sân khấu” cùng thiết bị âm thanh, thì có chiếc tàu Trung Quốc từ phía xa hùng hổ lao tới. 

Anh em bật cười: “Chắc nó tưởng mình đang bố trí thế trận gì “lạ” lắm nên sợ đây !”. Giữa khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, những chiếc tàu kiểm ngư của ta lần lượt ngang qua giơ tay vẫy chào chúc mừng. Mới hôm qua thôi (ngày 18/6), tàu KN 762 đã bị tàu Trung Quốc đâm hỏng nặng nề, nhưng chẳng một ai nao núng…

Ba MC thay nhau tổ chức giao lưu là PV My Lăng, Trần Long và Mạnh Thường. Long là biên tập viên còn rất trẻ của Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, cùng hai đồng nghiệp của VTV Đình Hiệp - Văn Lộc đã tác nghiệp tại Hoàng Sa được hơn 2 tuần nay. 

21/6 giữa Hoàng Sa ảnh 2

Giao lưu ngày nhà báo 21/6 giữa Hoàng Sa, trên boong tàu CSB 8003.     ảnh: Trần Tuấn

Còn Lê Mạnh Thường – chàng trai xứ Nghệ hiện công tác tại Phòng Chính trị Vùng CSB 1 (Hải Phòng) và viết cho bản tin Trang thông tin điện tử Cảnh sát biển VN. Thường đa tài, viết đủ báo chí, truyện ngắn, có thơ phổ nhạc, tính tình lúc nào cũng sôi nổi, nhưng ít ai biết đằng sau anh có một câu chuyện khá buồn. 

Lá cờ Tổ quốc như người lính bị thương ấy cùng chữ ký của những người lính tàu CSB 4032 sau đó theo tôi sang hai con tàu khác. Tên của những người lính quả cảm lại tiếp tục được ký lên cờ…

Đứa con gái thứ hai 6 tuổi bị căn bệnh ngặt nghèo từ lúc mới sinh, sau ca mổ đầu tiên không thành công, phải trải qua thêm 5 ca mổ nữa, để lại di chứng liệt chân phải, hoại tử hết phần mông và phải sử dụng hậu môn nhân tạo. Vợ dạy học cách nhà 15 cây số, vừa phải một mình xoay xở với hai con nhỏ, bé đầu chỉ mới 8 tuổi. Vậy mà Thường đã hai lần ra Hoàng Sa, kéo dài cả tháng trời. Trước đó cũng là suốt những năm tháng lênh đênh trên biển.

Sau lời phát biểu cũng là những lời tâm sự với các nhà báo nhân dịp 21/6 của Đại tá Lưu Tiến Thắng - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh CSBVN, là liên tiếp các tiết mục văn nghệ của các CBCS và phóng viên. Clip đặc biệt do nhóm phóng viên VTV ghi lại những tâm sự của các nhà báo từ mọi cơ quan báo chí tác nghiệp giữa Hoàng Sa từ những ngày đầu đến giờ gây xúc động mạnh. 

Những nhà báo mạnh mẽ, can trường không kém gì những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Như nữ phóng viên My Lăng đã 2 lần ra Hoàng Sa. Đầm ấm, ân tình là tâm sự của Đại úy Nguyễn Huy Trung – Chính trị viên tàu CSB 8003. 

Anh là người trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp đón, bố trí nơi ăn chỗ ngủ nhiều lượt phóng viên trong nước và quốc tế lên tàu 8003 tác nghiệp, trong đó có 11 phóng viên nữ (gồm 8 nữ phóng viên nước ngoài). Đại úy Trung nhớ mãi hồi tuần trước, nhà báo gốc Hàn Quốc, quốc tịch Anh Danien Siong Tzin Chung (Đài CNBC – Mỹ) trong lúc ôm máy tác nghiệp ngoài cửa cabin, do sóng mạnh nên ngã xuống sàn, hai ống chân bị va đập bầm tím. Bác sĩ Sơn trên tàu vội vã lên kiểm tra, xoa bóp. Khi cơn đau dịu bớt, nhà báo Chung mới bập bẹ câu tiếng Việt vừa học được: “Cám ơn Việt Nam!”.

Cả boong tàu mấy chục con người chợt lặng đi khi xem chiếu clip do Mạnh Thường quay cảnh gia đình những người lính tàu 8003 tại Hải Phòng, trước khi Thường ra Hoàng Sa. Gương mặt thân yêu của những người mẹ, người vợ, những đứa con thơ ở hậu phương lần lượt hiện ra, cùng với cảnh lãnh đạo Vùng, các cơ quan đơn vị đến thăm hỏi, động viên, tặng quà. Lồng vào đó là những lời nhắn nhủ, động viên của những người vợ với chồng nơi đầu sóng ngọn gió.

Cứ mỗi lần trên màn hình xuất hiện đến vợ con của ai, các chiến sĩ trên tàu xúm lại hô to tên của người ấy. Tôi để ý thấy đôi mắt người thuyền trưởng trẻ nổi tiếng quả cảm chợt như có nước…

 Khi còn ở trên tàu CSB 4032, tôi may mắn xin được lá cờ Tổ quốc đã tung bay trên nóc tàu giữa Hoàng Sa từ những ngày đầu tiên. Qua bao nhiêu sóng gió, bão dông, sau bao lần xung trận tả xung hữu đột, lá cờ ấy đã bị rách, phải hạ xuống thay cờ khác. Lá cờ Tổ quốc như người lính bị thương ấy cùng chữ ký của những người lính tàu CSB 4032 sau đó theo tôi sang hai con tàu khác. Tên của những người lính quả cảm lại tiếp tục được ký lên cờ…

Kết thúc cuộc giao lưu, cán bộ chiến sĩ tàu CSB 8003 đã tiếp tục ký lên lá quốc kỳ bị thương sau chinh chiến. Trước những người lính cảnh sát biển giữa, tôi đã hứa khi vào đất liền sẽ trao tặng lại lá cờ này cho Bảo tàng Hoàng Sa (thuộc UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng). 

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.