21 cơ quan đề nghị giám sát vấn đề đất đai

0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh
TPO - Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, nếu Quốc hội có điều kiện đi giám sát về vấn đề đất đai trước khi xem xét, thông qua Luật Đất đai bổ sung, sửa đổi, sẽ có nhiều thông tin từ thực tế, cơ sở thực tiễn về vấn đề tương đối khó này.

Lựa chọn 4 lĩnh vực

Ngày 15/6, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Trong đó, có 6 chuyên đề được lựa chọn xin ý kiến, gồm:

Chuyên đề 1, việc thực hiện pháp luật về công tác lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030;

Chuyên đề 2, việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí (trọng tâm về tài chính, tài sản công, mua sắm công, dịch vụ sự nghiệp công…)

Chuyên đề 3, việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chuyên đề 4, việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội) và kinh doanh bất động sản trong giai đoạn 2015-2020

Chuyên đề 5, việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2012 đến ngày 01/7/2021

Chuyên đề 6, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển năng lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 trong 6 chuyên đề để đưa ra Quốc hội, gồm các chuyên đề theo thứ tự là 1,2, 3 và 5.

21 cơ quan đề nghị giám sát vấn đề đất đai

Bên cạnh đó, còn một số chuyên đề được nhiều cơ quan đề nghị nhưng chưa được đề xuất đưa vào Chương trình giám sát năm 2022, trong đó có vấn đề đất đai.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, đây là vấn đề lớn; hiện nay, các cơ quan đang khẩn trương tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai và tổng kết thi hành Luật Đất đai. Do vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về nội dung này.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh chỉ ra rằng, vấn đề đất đai có đến 21 cơ quan đề nghị. Mặc dù Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì tổng kết về vấn đề này nhưng tổng kết chủ yếu dựa trên báo cáo.

Theo ông Vinh, nếu Quốc hội có điều kiện đi giám sát trước khi xem xét, thông qua Luật Đất đai bổ sung, sửa đổi, sẽ có nhiều thông tin từ thực tế, nhiều cơ sở thực tiễn về vấn đề tương đối khó này.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cân nhắc, bố trí chọn các chuyên đề giám sát phải đảm bảo “hài hòa giữa các lĩnh vực” và cũng đảm bảo khả năng của các Ủy ban về cân đối công việc để có thể giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, có rất nhiều nội dung mà nhân dân muốn giám sát, rất nhiều nội dung các cơ quan muốn giám sát nhưng thời hạn giám sát và nhân lực có ít. Một năm Quốc hội giám sát tối cao 2 lần và Thường vụ cũng 2 lần, còn lại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Đa số các vấn đề bức xúc nhất thường là các vấn đề phát triển kinh tế, đất đai và môi trường. Do đó, cần cân nhắc, lựa chọn kỹ các nội dung giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, cả 6 nội dung trên đều rất cần thiết. Ông đề xuất trước tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn 4 chuyên đề, sau đó đưa ra Quốc hội chọn 2, còn 2 nội dung nữa sẽ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 2 nội dung còn lại, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có thể đưa vào chương trình giám sát hoặc giải trình.

Trên cơ sở kết quả phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu các ý kiến, chuẩn bị tờ trình về chương trình hoạt động giám sát Quốc hội năm 2022 và các văn bản có liên quan để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

MỚI - NÓNG