2008: Việt Nam tăng trưởng 8,7%, lạm phát giảm

2008: Việt Nam tăng trưởng 8,7%, lạm phát giảm
TP - Theo nghiên cứu, dự báo của Viện Kinh tế phát triển (IDE) thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2008 đạt 8,7%.

Như vậy cao hơn so với mức dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Tương tự các báo cáo của WB, ADB, IMF, báo cáo Triển vọng kinh tế Đông Á 2008 của IDE vừa công bố cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực sẽ giảm nhẹ do ảnh hưởng từ sự suy thoái của đầu tàu kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia của IDE vẫn khẳng định kinh tế Việt Nam tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong bức tranh kinh tế ảm đạm của khu vực Đông Á và thế giới.

Theo đó, GDP của Việt Nam năm 2008 được IDE dự báo sẽ đạt mức 8,7%, cao hơn 0,3 % so với GDP năm 2007 (8,4%).

Theo IDE, đây là năm thứ hai kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tiếp tục tuôn chảy vào và đầu tư nội địa cũng tăng cao. IDE dự báo tổng mức đầu tư trong năm 2008 sẽ tăng thêm 10%. Đáp lại sự bứt phá của nguồn vốn đầu tư, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng thêm 12% năm 2008.

Khác với WB, ADB và IMF, báo cáo của IDE chỉ tập trung nghiên cứu, khảo sát và đưa ra dự báo chuyên sâu đối với 10 nền kinh tế ở khu vực Đông Á, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia và Việt Nam. 

Kết quả là lĩnh vực công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục đạt tỷ lệ tăng trưởng hai con số, ở mức 10,8%. Theo IDE, lĩnh vực dịch vụ ở Việt Nam cũng tiếp tục tăng trưởng cao, ở mức 8,8%, chủ yếu trong ngành thương mại, vận tải, viễn thông, du lịch và bất động sản.

Báo cáo cho rằng lĩnh vực nông nghiệp, lâm thuỷ sản của Việt Nam tăng trưởng ở mức 3,5% nhờ Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các sản phẩm xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Không chỉ dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia IDE cũng cho rằng tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam sau một năm tăng cao (2007) sẽ giảm xuống còn 8,1% mặc dù sức ép sẽ mạnh hơn từ sự bứt phá của nền kinh tế. Theo báo cáo, sự bình ổn giá cả của các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam là lý do chủ yếu giúp kiềm chế tỷ lệ lạm phát trong năm 2008.

Như vậy, báo cáo chuyên sâu vào 10 nền kinh tế khu vực Đông Á của IDE đưa ra dự báo lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế Việt Nam năm 2008 so với các định chế tài chính quốc tế khác.

Theo dự báo gần đây của Hội đồng giám đốc IMF, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2008 đạt 8,3%. Hội đồng giám đốc IMF cũng cho rằng năm 2008 Chính phủ Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn và tỷ lệ lạm phát có thể tiếp tục tăng cao hơn so với năm 2007.

Trong báo cáo Giám sát kinh tế châu Á (AEM) công bố giữa tháng 12/2007, ADB có chung quan điểm với các chuyên gia của IDE khi cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2008 sẽ đạt mức 8,5%, cao hơn 0,2 % so với năm 2007.

Theo AEM, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam cũng sẽ giảm trong năm 2008 nhờ chính sách tăng giá đồng tiền trong nước, giảm nhiệt bất động sản… 

MỚI - NÓNG