200 tỷ đồng cải tạo cụm di tích chùa Trầm - chùa Trăm Gian

TPO - Dự án cải tạo, tôn tạo chùa Trầm - chùa Trăm Gian với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng dự kiến được khởi công tháng 9, hoàn thành vào năm 2026.

Ngày 6/9, UBND huyện Chương Mỹ phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ cho biết cụm di tích Quốc gia chùa Trầm và chùa Trăm Gian là những di tích có lịch sử lâu đời. Đây là hai trong "Tứ đại danh thắng của xứ Đoài" xưa.

Chùa Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) còn có tên gọi là Long Tiên Tự, được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ bảy (1669). Ngôi chùa có địa thế rất đẹp, với các núi nhỏ bao quanh như Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ... mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh của người dân Đồng bằng Bắc Bộ.

Chùa Trầm cũng là nơi Bác Hồ từng về thăm và làm việc. Đặc biệt, đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí MInh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đêm ngày 19, rạng sáng 20/12/1946.

200 tỷ đồng cải tạo cụm di tích chùa Trầm - chùa Trăm Gian ảnh 1

Toàn cảnh buổi hội thảo sáng 6/9.

Chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương) có tên chữ là “Quảng Nghiêm tự”. Theo truyền thuyết, chùa Trăm Gian có từ thời Lý Cao Tông (1185). Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều lần trùng tu, đến nay chùa chủ yếu mang phong cách kiến trúc thời Lê - Nguyễn nhưng vẫn còn một số dấu tích kiến trúc thời Trần.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện, làm rõ, sáng tỏ hơn về nội dung, giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật, cách mạng của cụm di tích Quốc gia chùa Trầm - chùa Trăm Gian. Từ đó, giải quyết các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý di tích, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhân dân trên địa bàn huyện. Qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

200 tỷ đồng cải tạo cụm di tích chùa Trầm - chùa Trăm Gian ảnh 2

GS. Lê Văn Lan phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đề xuất, góp ý trong việc bảo vệ, phát triển cụm di tích chùa Trầm - chùa Trăm gian. GS. Lê Văn Lan đề xuất cần khẩn trương tiến hành việc chỉnh trang, khắc phục bước đầu những “xuống cấp” tại hai khu di tích trên.

Song song với việc tôn tạo tại hai dự án này (giai đoạn 2024-2026), Hà Nội cần làm hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với chùa Trầm - chùa Trăm Gian, đệ trình để được xét duyệt có cơ sở chắc chắn được công nhận đúng vào lúc hoàn thành tôn tạo hai dự án, tức là vào năm 2026, GS. Lê Văn Lan nói.

200 tỷ đồng cải tạo cụm di tích chùa Trầm - chùa Trăm Gian ảnh 3

Cụm di tích chùa Trầm.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Công Việt, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, cơ quan chức năng cần tăng cường phát huy vai trò quản lý, giám sát đối với điểm di tích danh thắng này, đồng thời cố gắng bảo tồn hiện trạng tự nhiên, không cho phép việc phá núi đồi, đất đai, lấp ao hồ để xây dựng trong phạm vi quy định và dự kiến quy hoạch. Việc tu sửa, nâng cấp về kiến trúc xây dựng cũng như tượng thờ, hiện vật cần được tuân thủ theo quy định chung.

Tại hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều di tích, thắng cảnh nhất cả nước. Những năm qua, các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh của thành phố từng bước được quan tâm đầu tư, tôn tạo trong đó có chùa Trầm, chùa Trăm Gian.

Theo ông Hồng, ý kiến các chuyên gia hội thảo sẽ được cập nhật, bổ sung từ đó, có thể định hướng về công tác bảo tồn di tích, bảo tồn di sản của địa phương nói chung, di tích chùa Trầm - chùa Trăm Gian nói riêng đạt hiệu quả tốt nhất.

Hiện nay trên địa bàn xã Phụng Châu, xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) đang triển khai thực hiện 5 dự án đầu tư liên quan đến phát huy điểm đến của cụm di tích lịch sử chùa Trầm - chùa Vô Vi - chùa Trăm Gian.

Dự án cải tạo, tôn tạo chùa Trầm- chùa Trăm Gian với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng dự kiến được khởi công tháng 9, hoàn thành vào năm 2026. Dự án tạo điều kiện thuận lợi thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội và các nhà đầu tư lớn vào phát triển văn hóa du lịch. Đồng thời, đầu tư các công trình văn hóa, du lịch bổ trợ. Mục tiêu vừa giữ gìn, phát huy giá trị di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian... đồng thời hướng tới phát triển du lịch chuyên nghiệp, nâng tầm thương hiệu du lịch của Thủ đô và của huyện.

MỚI - NÓNG