200 cựu tù tham dự lễ giỗ chung các anh hùng liệt sĩ Côn Đảo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hoạt động cúng giỗ và tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, cựu tù chính trị Côn Đảo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được Ban liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và UBND huyện Côn Đảo, Công an huyện Côn Đảo tổ chức trọng thể.

Ngày 1/5, tại Đền thờ Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã diễn ra lễ giỗ chung các anh hùng liệt sĩ Côn Đảo lần thứ 11, sau 2 năm bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19.

Tham dự có Trung tướng Châu Văn Mẫn - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an; anh Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; gần 200 cựu tù Côn Đảo, cựu tù kháng chiến; lực lượng vũ trang; đoàn viên thanh niên và đông đảo nhân dân huyện Côn Đảo.

200 cựu tù tham dự lễ giỗ chung các anh hùng liệt sĩ Côn Đảo ảnh 1
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, người dân yêu nước đã hy sinh tại Côn Đảo. Ảnh: Báo BRVT.

Tại buổi lễ, Trung tướng Châu Văn Mẫn đã ôn lại ý nghĩa của lễ giỗ chung Côn Đảo, đồng thời hồi tưởng lại những năm tháng đầy bi tráng và những thời khắc đáng nhớ tại Côn Đảo. Những câu chuyện về sự đấu tranh kiên cường, bất khuất trong lao ngục; tình cảm đồng chí, đồng đội; những thời khắc quan trọng, đặc biệt là không khí vỡ òa, sục sôi nhưng cũng đầy kỷ luật của ông và các người tù kháng chiến trong ngày giải phóng Côn Đảo 1/5/1975 đã gây xúc động cho mọi người tham dự buổi lễ.

Sau đó, các đại biểu tiến hành rung 3 hồi 9 tiếng chuông đại hồng chung tại Đền thờ Côn Đảo. Trong không khí thiêng liêng, các cựu tù Côn Đảo, cựu tù kháng chiến và người dân Côn Đảo đã thành kính dâng những nén hương tới Bác Hồ; cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; nhà yêu nước Nguyễn An Ninh; nữ Anh hùng Võ Thị Sáu; và các anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã ngã xuống cho độc lập và thống nhất đất nước.

Theo Ban tổ chức, lễ giỗ chung Côn Đảo được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012 dựa trên tâm nguyện của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Hằng năm, sự kiện này được tổ chức vào ngày 20/6 âm lịch dựa trên đề xuất của cố TS Sử học, cựu tù Côn Đảo Bùi Văn Toản. Từ đó đến nay, qua 11 lần tổ chức, lễ giỗ chung Côn Đảo đã trở thành một sự kiện thiêng liêng, thể hiện sự tri ân to lớn của hậu nhân với các anh hùng liệt sĩ.

200 cựu tù tham dự lễ giỗ chung các anh hùng liệt sĩ Côn Đảo ảnh 2
Đoàn viên, thanh niên và người dân Côn Đảo dâng hương tưởng niệm các anh hùng Liệt sĩ, người dân yêu nước đã hy sinh tại đây. Ảnh: Báo BRVT.

Trước đó, ngày 29/4, UBND huyện Côn Đảo và Công an huyện Côn Đảo đã tổ chức đón hơn 100 cựu tù chính trị từng bị giam cầm tại Trại B6 Phú An ra huyện đảo dự lễ. Tại nghĩa trang Hàng Dương, các cựu tù chính trị đã đến thắp hương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, đồng chí Lê Hồng Phong, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh… và thắp hương cho hàng ngàn mộ đồng chí, chiến sĩ vô danh đã nằm lại.

Lễ giỗ chính diễn ra tại Trại B6 Phú An, nơi địch giam giữ những cán bộ Cộng sản trung kiên nhất của toàn nhà ngục Côn Đảo giai đoạn 1964-1975. Cũng tại trại này, những chiến sĩ cộng sản trung kiên đã từng ngày bất khuất, đấu tranh với địch, tạo được “Vùng lõm Giải phóng” ngay trong lao tù, buộc địch phải nhân nhượng cho tù nhân mở trạm xá ngay trong khu giam.

Những tù nhân đau yếu và lãnh đạo chi bộ nhà tù đều thường xuyên được đưa ra trạm xá này, vừa cải thiện đời sống, sức khỏe, vừa có điều kiện để bí mật lãnh đạo, chỉ đạo toàn trại đấu tranh. Từ đây, tài liệu, chỉ thị của lãnh đạo chi bộ trong nhà tù đã được soạn thảo, sao chép và bí mật truyền bá đi khắp toàn trại giam để giáo dục, chỉ đạo cuộc đấu tranh của những người tù chính trị. Trung tướng Châu Văn Mẫn chính là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc bí mật lĩnh hội nội dung chỉ đạo, chép và phát tán các tài liệu học tập, đấu tranh này, giai đoạn 1971-1975.

Từ 1964-1975, toàn Trại B6 có gần 1.000 tù nhân. Đến nay, chỉ còn gần 200 cựu tù nhân còn sống nhưng đều đã tuổi cao sức yếu.

Lúc 5h sáng ngày 1/5/1975, toàn Trại B6 đã tự chủ động vùng dậy phá xiềng, giải phóng trại và sau đó tiếp tục tràn sang giải phóng các trại khác và toàn bộ Côn Đảo, giành chính quyền trước khi bộ đội chủ lực vào tiếp quản. Một tuần sau đó, phần lớn tù chính trị Côn Đảo đã được đón về đất liền. Một bộ phận tù nhân Trại B6 còn khỏe đã tình nguyện ở lại, trở thành nòng cốt xây dựng nên chính quyền nhân dân của huyện Côn Đảo.

MỚI - NÓNG