20 nghìn viên thuốc điều trị ung thư hết 'đát': Lửng lơ trách nhiệm

Các bệnh nhi được điều trị căn bệnh ung thư tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Các bệnh nhi được điều trị căn bệnh ung thư tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
TP - Mặc dù các đơn vị liên quan viện dẫn nhiều lý do để khẳng định mình làm đúng các thủ tục khi tiếp nhận số thuốc viện trợ Tasigna từ Công ty Novartis Pharma service AG Thụy Sĩ nhưng những bằng chứng đưa ra cho thấy đã có sự tắc trách từ nhiều phía.

Để thụ hưởng các loại thuốc viện trợ từ Tổ chức phi chính phủ The Max Foundation của Mỹ và Công ty Novartis Pharma Services AG-Thụy Sỹ, trong năm 2013, Khoa Dược của Bệnh viện Truyền máu & Huyết học TPHCM đã căn cứ vào số lượng bệnh nhân mắc bạch cầu mãn dòng tủy kháng thuốc Glivec phải dùng thuốc Tasigna để trình dự trù. Theo thống kê, có khoảng 1.300 bệnh nhân ở khu vực phía Nam cần điều trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy các thể. Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 200 bệnh nhân mắc bạch cầu mãn dòng tủy đã bị kháng với dòng thuốc cũ Glivec phải dùng thuốc Tasigna đang điều trị tại bệnh viện nói trên.

Ngày 27/8/2013, Bệnh viện Truyền máu & Huyết học TPHCM gửi dự trù thuốc dùng trong 6 tháng đầu năm 2014 cho Cty Novartis Việt Nam với số lượng hơn 34 nghìn viên. Thế nhưng cả trong năm này, bệnh viện này chỉ sử dụng gần 6 nghìn viên. Trong năm 2015 nơi đây tiếp nhận hơn 90 nghìn viên nhưng cũng chỉ sử dụng 47 nghìn viên. Số tiền thuốc Tasigna được viện trợ trong hai năm 2014-2015 tính vào thời điểm đó là hơn 80 tỷ đồng.

Một lãnh đạo của Sở Y tế TPHCM cho biết, tới tháng 5/2015 là thuốc đã hết “đát”. “Điều này cho thấy việc dự trù từ Bệnh viện Truyền máu & Huyết học TPHCM là có vấn đề. Dự trù sai từ đầu nên gây lãng phí và bức xúc. Công tác dự trù đã sai, không nắm rõ hay anh có khuất tất gì hay không thì sở đang làm rõ”- vị này nói.

Một chuyên gia trong lĩnh vực dược tại TPHCM sau khi đọc thông tin về “20 nghìn viên thuốc điều trị ung thư hết “đát” vì…thủ tục” cho rằng có sự tắc trách từ đơn vị chủ quản là Sở Y tế TPHCM. “Bệnh viện gửi lên Sở Y tế TPHCM mà sao 3 tháng mới trả lời. Tại sao đến 3 tháng mới xử lý vấn đề này”- ông đặt câu hỏi. Lý giải từ ông Phù Chí Dũng- giám đốc Bệnh viện Truyền máu & Huyết học TPHCM cho thấy ngày 30/12/2013, bệnh viện có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM xin thực hiện chương trình thuốc Tasigna. Nhưng mãi đến ngày 10/3/2014 Sở Y tế mới có văn bản gửi UBND TPHCM và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TPHCM chấp thuận đề xuất của cho bệnh viện.

Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP HCM lại tiếp tục “ngâm” đề xuất thêm 3 tháng nữa. Đến 24/6/2014, UBND TPHCM mới có quyết định phê duyệt việc tiếp nhận lô hàng viện trợ và đến ngày 14/7/2014, Cục Quản lý dược có văn bản đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô thuốc. Như vậy hai cơ quan là Sở Y tế TPHCM và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TPHCM đã “ngâm” đến 6 tháng hồ sơ xin nhập thuốc Tasigna.  “Hiện Sở đang làm kiểm điểm và quy trách nhiệm vì sao lại chậm trễ như vậy, chậm trễ từ đâu và lý do”- bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh- Giám đốc Sở Y tế TPHCM trả lời Tiền Phong chiều qua.

20 nghìn viên thuốc điều trị ung thư hết 'đát': Lửng lơ trách nhiệm ảnh 1 Bệnh nhân rất cần thuốc đặc trị các căn bệnh ung thư liên quan đến máu- trong ảnh bệnh nhân đang điều trị tại BV Truyền máu và Huyết học TPHCM chiều 4/5. Ảnh: Văn Minh.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, không chỉ hai cơ quan trên chậm trễ, khi thuốc về đến sân bay Tân Sơn Nhất, phía Hải quan TPHCM không cho bệnh viện tiếp nhận. Lý do Hải quan TPHCM đưa ra là Thông tư số 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010 của Bộ Y tế là: “Thuốc viện trợ nhân đạo có hạn dùng bằng hoặc dưới 24 tháng thời hạn dùng còn phải tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày tới cảng Việt Nam”. Bởi thời điểm này thuốc về Việt Nam còn hạn dưới 12 tháng. Hải quan TPHCM viện dẫn Thông tư 47 nhưng mãi đến khi Sở Y tế TPHCM tiếp tục có công văn viện dẫn Điều 7 Thông tư số 45/2011/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010, rằng: “….Trường hợp thuốc có hạn dùng 24 tháng thì hạn dùng còn lại từ ngày đến cảng VN tối thiểu phải bằng 1/3 hạn dùng của thuốc” thì Hải quan TPHCM mới cho lô thuốc được thông quan. Lúc này là 13/8/2014, gần một tháng sau khi thuốc về sân bay. Liên quan việc thuốc bị ách lại tại Hải quan TPHCM, chiều 4/5 trao đổi với Tiền Phong ông Hoàng Việt Cường, phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, trực tiếp phụ trách Cục Hải quan TPHCM cho biết, cơ quan này đang kiểm tra và khi nào có thông tin sẽ cung cấp.

Trước thông tin ông Phù Chí Dũng- giám đốc Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM cho rằng lần đầu thuốc viện trợ Tasigna về Việt Nam nên thủ tục rườm rà và khó khăn, một cán bộ quản lý dược ở Sở Y tế TPHCM cho biết thủ tục để nhận thuốc viện trợ và thuốc nhân đạo chỉ giải quyết trong vòng từ 15-20 ngày theo quy định. Theo đó, sau khi cơ sở đăng ký cấp phép chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo đúng hướng dẫn và nộp hồ sơ tại sở, tại đây cán bộ bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả kiểm tra hồ sơ về tình trạng thủ tục pháp lý đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn cơ sở chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ theo đúng quy định. Sau đó, Sở sẽ xem xét thẩm định hồ sơ và trả kết quả trong vòng 15 ngày.

Thanh tra TP HCM đề nghị Giám đốc Sở Y tế TPHCM làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tập thể liên quan tới việc làm chậm trễ thủ tục phê duyệt số thuốc trên, đồng thời rà soát, báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ bằng tiền, bằng hiện vật còn kết dư hoặc không có nhu cầu sử dụng tại các BV công và trong toàn ngành y tế.              

Văn Minh

Bệnh viện Ung bướu TPHCM cũng dùng sai thuốc viện trợ

Thanh tra TPHCM cũng vừa công bố kết luận về thuốc viện trợ tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM trong 2 năm 2014 -2015. Theo đó, thời điểm trên UBND TPHCM đã có 3 quyết định phê duyệt cho bệnh viện tiếp nhận 5.200 hộp thuốc Glivec 100 mg do Công ty Novartis Pharma Service AG -Thụy Sĩ tài trợ. Thuốc đặc trị Glivec được viện trợ nhằm hỗ trợ miễn phí cho bệnh nhân bị ung thư mô đệm đường tiêu hóa và bạch cầu mạn dòng tủy. Kết luận thanh tra cho thấy trong hai năm 2014-2015, bệnh nhân tại bệnh viện này đã trả lại 613 viên thuốc Glivec, tuy nhiên khoa Dược của bệnh viện tiến hành nhập kho và phát lại cho các bệnh nhân khác. Thanh tra TPHCM kết luận, việc bệnh viện nhập kho và phát lại thuốc Glivec bị bệnh nhân trả lại cho bệnh nhân khác sử dụng là không đúng theo biên bản ghi nhớ giữa bệnh viện với bên tài trợ. Theo biên bản này: “Bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân phải trả lại số thuốc viện trợ chưa sử dụng cho khoa Dược của bệnh viện. Theo quy định tuân thủ về pháp quy và thực hành sản xuất tốt thì thuốc bệnh nhân trả lại không được tái cấp phát và phải được tiêu hủy”.

                Lê Nguyễn

Tổng cục Hải quan yêu cầu báo cáo toàn bộ quy trình nhập khẩu

Liên quan đến việc chậm trễ thủ tục tiếp nhận thuốc Tasigna, một cán bộ Tổng cục Hải quan (TCHQ, Bộ Tài chính), cho biết Cục Giám sát quản lý về Hải quan đang yêu cầu Cục Hải quan TPHCM rà soát, báo cáo toàn bộ quy trình nhập khẩu (NK) thuộc phạm vi của đơn vị.

Vị đại diện TCHQ cũng viện dẫn quy định về chính sách quản lý thuốc NK như sau: Theo quy định, tại thời điểm làm thủ tục NK lô hàng thì thuốc khi NK vào Việt Nam phải có Giấy đăng ký lưu hành hoặc có Giấy phép NK còn hiệu lực. Đồng thời, thuốc phải đáp ứng quy định về hạn sử dụng như: thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo, thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị của bệnh viện có hạn dùng lớn hơn hoặc bằng 24 tháng, hạn dùng còn lại của thuốc phải còn tối thiểu 12 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam. Trường hợp thuốc có hạn dùng dưới 24 tháng thì hạn dùng còn lại kể từ ngày đến cảng Việt Nam tối thiểu phải bằng 1/3 hạn dùng của thuốc. Hải quan TPHCM căn cứ theo quy định trên để thực hiện, nếu sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.             

Tuấn Nguyễn

Bộ Y tế yêu cầu báo cáo

Hôm qua 4/5, Sở Y tế TPHCM cho biết đang làm báo cáo giải trình gửi Cục Quản lý Dược về việc gần 20 nghìn viên thuốc Tasigna đặc trị bạch cầu mãn dòng tủy hết hạn sử dụng tại Bệnh viện Truyền máu & Huyết học TPHCM. Trước đó, ngày 3/5 Cục Quản lý Dược đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế TPHCM về việc tiêu hủy thuốc Tasigna hết hạn trên. Theo cơ quan này, họ nhận được phản ánh về việc Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc viện trợ Tasigna đặc trị ung thư hết “đát” do chậm trễ trong thủ tục xác nhận viện trợ của các cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, thông tin trên báo chí cho thấy, theo kết luận của Thanh tra TPHCM, qua kiểm tra việc xuất sử dụng và quyết toán thuốc viện trợ tại khoa Dược, đến ngày 31/12/2015, kho thuốc của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM tồn kho 19.997 viên Tasigna 200mg thuốc đặc trị ung thư, đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015 với tổng trị giá gần 14 tỷ đồng. Đây là số thuốc được nhập về dưới hình thức viện trợ, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TPHCM khẩn trương rà soát và báo cáo Vụ Bảo hiểm Y tế, Cục Quản lý Dược trước ngày 7/5. 

                Thái Hà

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.