Bị ách vì thủ tục
Thanh tra TPHCM vừa công bố sự thật giật mình khi họ kiểm tra việc “thực hành tiết kiệm chống lãng phí” tại Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM. Tại đây, cơ quan này phát hiện có đến gần 20 nghìn viên Tasigna 200mg, loại thuốc đặc trị ung thư, đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015 với tổng trị giá gần 14 tỷ đồng. Số thuốc này được tổ chức The Max Foundation-Mỹ, Công ty Novartis Pharma Services AG-Thụy Sỹ hỗ trợ bệnh nhân Việt Nam mắc căn bệnh ung thư máu.
Thanh tra TPHCM yêu cầu Sở Y tế TPHCM kiểm điểm trách nhiệm và cá nhân liên quan đến việc chậm trễ thủ tục tiếp nhận thuốc trên (Trong ảnh ông Phù Chí Dũng- GĐ BV Truyền máu và Huyết học TPHCM trả lời báo chí chiều 3/5). Ảnh: L.N.
Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TPHCM chịu trách nhiệm làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để được phê duyệt nhập khẩu hàng hoá này vào Việt Nam miễn thuế. Ngày 15/7/2013, phía nhà viện trợ đã sản xuất xong thuốc và gửi thư hiến tặng thuốc cho phía bệnh viện. Ngày 27/8/2013, bệnh viện này gửi dự trù thuốc dùng trong 6 tháng đầu năm 2014 cho Cty Novartis Việt Nam. 3 tháng sau, bệnh viện này có văn bản gửi Cục Quản lý dược xin được tiếp nhận thuốc viện trợ. Ngày 27/12/2013 Cục Quản lý dược ban hành giấy phép lưu hành cho lô thuốc Tasigna của Công ty Novartis Pharma có hạn dùng 24 tháng nhưng thực tế đến lúc được phép lưu hành thì thuốc này đã hết 7 tháng hạn sử dụng.
Cuối tháng 12/2013, bệnh viện này có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM xin chấp nhận cho bệnh viện thực hiện chương trình thuốc Tasigna nhưng mãi đến tháng 3/2014 sở này mới có văn bản gửi UBND TPHCM xin chấp nhận cho bệnh viện tiếp nhận lô hàng trên. 3 tháng sau UBND TPHCM có quyết định phê duyệt việc tiếp nhận lô hàng viện trợ. Đến ngày 14/7/2014, Cục Quản lý dược có văn bản đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô thuốc này.
Không chỉ thủ tục tiếp nhận lô thuốc được giải quyết tốc độ “rùa” khiến kế hoạch sử dụng thuốc 6 tháng đầu năm 2014 của Bệnh viện Truyền máu và Huyết học bị phá sản, đến lúc này số thuốc này lại bị Hải quan TPHCM ách lại. Lý do phía hải quan đưa ra là thuốc này khi đến cảng Việt Nam đã không có hạn bằng 1/3 hạn dùng của thuốc. Sau những rắc rối được giải quyết, đến giữa tháng 8/2014 thuốc mới về đến bệnh viện. Đến thời điểm năm 2014, hạn dùng của thuốc còn 10 tháng. Trong khi hiện tại nơi đây còn gần 20 nghìn viên đã hết “đát” nằm kho.
Bệnh nhân chết oan
Để có được một viên thuốc này, những người mắc bệnh bạch cầu tuỷ mạn phải bỏ ra hơn 700 ngàn đồng để mua. Rất nhiều bệnh nhân khi nghe được thông tin này đều nuối tiếc, bởi nếu mắc căn bệnh này họ phải dùng liều với 3-4 viên/ngày và chi phí bỏ ra phải hơn 2 triệu đồng/ ngày tiền thuốc.
Chiều 3/5, ông Phù Chí Dũng- Giám đốc Bệnh viện Truyền máu & Huyết học TPHCM tổ chức họp đồng thời lý giải việc tồn kho gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư Tasigna. Theo ông này, qui trình nhập được thuốc về quá khó khăn và phức tạp, kéo dài đúng 1 năm. Đến cuối tháng 7/2013, bệnh viện đang có 200 bệnh nhân điều trị do mắc căn bệnh bạch cầu tuỷ cần thuốc điều trị. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các cơ quan chức năng quá lâu nên nhiều bệnh nhân trong số này không tham gia điều trị.
“Bệnh viện nhận được thư mời viện trợ từ tháng 7/2013, đến cuối tháng 11/2013 mới nhận được bộ chứng từ để đi làm các thủ tục xin phép các cấp có thẩm quyền. Đến 21/7/2014, mới nhận được văn bản đồng ý của Sở Tài chính và báo công ty Novartis chuyển hàng về Việt Nam. Ngày 27/7/2014, lô thuốc trên về tới cảng Tân Sơn Nhất. Sau nhiều lần giải trình, xin hỗ trợ từ phía Hải quan TPHCM, thuốc được nhập về kho của bệnh viện ngày 13/8/2014. Sau khi thuốc về, người bệnh phải làm các thủ tục bắt buộc để tham gia, danh sách này phải được tổ chức Max Foundation xét duyệt nên đến ngày 27/9/2014, người bệnh mới được nhận toa thuốc đầu tiên. Lúc này chỉ còn 26 bệnh nhân tham gia trong gần 200 người”- ông Dũng lý giải.
Khi thuốc về kho bệnh viện thì hạn sử dụng chỉ còn 10 tháng, số bệnh nhân tham gia dùng thuốc này không còn nhiều do họ phải đóng chi phí 42 triệu đồng/năm và chờ đợi quá lâu. Theo ông Dũng, do thuốc viện trợ nhiều, song người bệnh ít được tiếp cận vì phải đóng chi phí, để tận dụng được tối đa số thuốc, bệnh viện đã nhiều lần làm việc với công ty Novartis đề nghị cho bệnh nhân được dùng thuốc miễn phí, mở rộng chương trình đến các bệnh viện trên toàn quốc đang cùng điều trị bệnh lý này. Nhưng ông Dũng nói phía công ty không chấp nhận và đồng ý hủy thuốc nếu không sử dụng hết. Vì vậy, gần 20 nghìn viên thuốc đặc trị này đã hết hạn phải tiêu hủy. Theo tìm hiểu trong thời gian chờ các thủ tục cấp phép được nhập thuốc về, đã có khoảng 10 bệnh nhân mắc bệnh trên tử vong vì không có thuốc điều trị.
Hôm qua, đại diện Sở Y tế TPHCM nói với Tiền Phong đang yêu cầu lãnh đạo bệnh viện giải trình để tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan đến sự lãng phí này.
Nguồn tin của Tiền Phong cho biết Công ty Novartis và Bộ Y tế đã thống nhất phê duyệt chương trình thuốc viện trợ dành cho người bệnh có bảo hiểm y tế. Theo đó, những người tham gia bảo hiểm y tế trên 3 năm sẽ được dùng thuốc miễn phí. Còn với những bệnh nhân chưa tham gia bảo hiểm hoặc tham gia dưới 3 năm vẫn phải đồng chi trả 42 triệu đồng/năm.