Hết độc quyền thuốc đặc trị

Hết độc quyền thuốc đặc trị
TP - Các hãng dược nước ngoài từng thống lĩnh thị trường dược Việt Nam bằng nhiều loại thuốc đặc trị độc quyền, mới đây bắt đầu gặp cạnh tranh bởi sản phẩm tương tự của công ty trong nước. Đã đến lúc thuốc ngoại đặc trị đắt tiền hết cơ hội làm mưa làm gió.

> Viêm Gan Siêu Vi B: 'sát thủ' thầm lặng

Thị trường đã xuất hiện thuốc nội đặc trị viêm gan siêu vi. Ảnh: L.N
Thị trường đã xuất hiện thuốc nội đặc trị viêm gan siêu vi. Ảnh: L.N.

Người nghèo chịu chết

Căn bệnh viêm gan siêu vi B mạn tính cướp đi mảnh đất mà vợ chồng ông Hồ Văn Lớn, ở Sa Đéc, Đồng Tháp bao năm gây dựng. Các bác sĩ BV Đại học Y dược TPHCM chỉ định điều trị sử dụng thuốc Pegasys của hãng Hoffmann-La Roche với giá hơn 4 triệu đồng/lọ, dùng 1 tuần/lọ kéo dài trong gần 6 tháng.

Không có tiền trong khi phải đối mặt nguy cơ chuyển sang ung thư gan, năm 2011, hai vợ chồng ông Lớn quyết định bán miếng đất để lo cho sức khỏe.

Không phải ai cũng có thể đánh đổi cả gia sản như ông Lớn, nhiều người khi mắc bệnh viêm gan siêu vi B, C hay ung thư… đã đành bỏ điều trị, nhắm mắt chịu chết vì không đủ tiền thuốc thang.

Mới đây, khi điều trị được hơn 2 tháng với thuốc đặc trị Pegintron 80mcg của hãng MSD với giá hơn 2,3 triệu đồng/lọ, bà Lã Thị Hoài, 54 tuổi, ở Bình Dương đã phải nói không với thuốc vì hết tiền.

Anh Hoàng Văn Nam ở Đắk Lắk cho biết, cầm toa thuốc của vợ đang điều trị ung thư máu ở BV Ung bướu đi mua thuốc, nghe nhân viên nói giá mà choáng. Chỉ với loại thuốc tạo máu Eprex 4.000, một nhà thuốc ở cạnh bệnh viện này hét giá 600.000 đồng/hộp 6 ống.

“Cách đây 3 tháng, khi đang điều trị ung thư vú, tôi cũng được chỉ định dùng loại thuốc đặc trị có tên Avastin 100mg với gần 9 triệu đồng/ống. Chồng tôi đã vay mượn để dùng thuốc này gần 1 tháng”- chị Hoài ở quận 7, TPHCM kể.

Nhiều gia đình nghèo có con đang điều trị ung thư máu ở bệnh viện cũng cho biết, gần như không còn đủ sức để theo đuổi việc chạy chữa người thân khi giá thuốc đặc trị và hỗ trợ điều trị ung thư quá cao.

Sau 5 tháng ăn ở với bố tại BV Ung bướu TPHCM, mới đây anh Thắng ở Bến Tre quyết định đưa bố về quê bởi hết khả năng chi trả.

Bỏ điều trị giữa chừng vì không có tiền là chuyện thường ngày mà các bác sĩ chuyên khoa gan mật chứng kiến. Vì vậy, nếu không có bảo hiểm chi trả, khó mà gánh các loại thuốc ngoài danh mục đắt tiền.

“Cách đây hai năm, tôi chứng kiến ít nhất 5 người bệnh mắc viêm gan mạn tính bỏ điều trị vì không có tiền. Nhiều bệnh nhân cầu cứu bệnh viện có thuốc nào giá rẻ để giúp họ vượt qua bệnh tật nhưng chả có thuốc nào giá dưới 2 triệu/lọ. Việt Nam cũng không sản xuất được”, bác sĩ ở BV Chợ Rẫy nói.

Một bác sĩ công tác tại khoa Nội tiêu hóa-gan mật BV Nhân dân Gia Định cho biết, các thuốc đặc trị viêm gan đều do nước ngoài độc quyền phân phối ở Việt Nam. “Vì độc quyền nên giá cả cũng độc quyền, người bệnh nghèo khó tiếp cận”, bác sỹ này nói.

Hàng nội tốt, rẻ

5 năm trước, Xí nghiệp dược phẩm Trung ương 5 ở Đà Nẵng cho ra đời loại thuốc chống tái nghiện Made in Việt Nam có tên Danapha Natrex 50.

Thuốc này giá rẻ bằng nửa so với hai loại thuốc nhập khẩu từ Hàn Quốc và Ấn Độ đang thịnh hành lúc đó. Ít tác dụng phụ và phù hợp với người Việt, đặc biệt giá rẻ, Danapha Natrex 50 nhanh chóng được sử dụng ở các trung tâm cai nghiện trên toàn quốc.

Sau gần 9 năm nghiên cứu, cuối năm 2010, hai sản phẩm đặc trị viêm gan siêu vi B, C của Cty Công nghệ sinh học dược Nanogen ở khu công nghệ cao TPHCM ra đời.

Hai sản phẩm nội địa Feronsure và Pegnano 180mcg chỉ định điều trị ung thư, viêm gan B, C mạn tính phá vỡ thế độc quyền của các sản phẩm tương tự của nước ngoài.

Với khoảng 18% dân số nước ta mắc bệnh viêm gan các loại, đây là thị trường rất hấp dẫn. Đại diện Cty Công nghệ sinh học dược Nanogen cho biết, hiện giá Feronsure chỉ khoảng 250.000 đồng/ống nhưng phải dùng một tuần 3 liều.

“Đây là sản phẩm dành cho người bệnh có kinh tế khó khăn. So với sản phẩm tương đương sinh học của các hãng dược nước ngoài giá của nó chỉ bằng một phần ba”, đại diện Cty nói.

Nếu như trước đây các loại đặc trị viêm gan B, C như Pegasys hay Pegingtron 80cmg có giá từ 3-4 triệu đồng/lọ thì sản phẩm Made in Việt Nam Pegnano 180mcg giá chỉ 1,8 triệu đồng.

“Nếu các bác sĩ tin dùng hàng Việt và người bệnh không còn tâm lý sính ngoại, chắc chắn thuốc trong nước sẽ nhanh chóng đến tay người bệnh vì chất lượng ngang tầm mà giá rẻ hơn”, đại diện Nanogen nói.

Một loại thuốc nội đầy tiềm năng khác, viên nang Crila chiết xuất từ lá cây trinh nữ hoàng cung, ngoài chức năng điều trị u xơ tử cung, còn có thể hỗ trợ điều trị bệnh ung thư của Cty Thiên Dược, cũng đã được Bộ Y tế cấp phép.

Hiệu quả điều trị của nó không thua kém sản phẩm của các hãng dược nước ngoài khi đạt gần 89,2% đối với u xơ tuyến tiền liệt, 79,5% đối với u xơ tử cung. Chi phí chỉ hơn 1 triệu đồng cho thời gian điều trị từ 8-12 tuần, trong khi đó, chi phí điều trị bằng viên Tadenan của nước ngoài cho một năm điều trị là gần 4 triệu đồng.

Không chịu lép vế trước sự độc quyền của các hãng dược nước ngoài, mới đây, Viện Dược liệu được Bộ Y tế cấp phép sản xuất và bán trên thị trường thuốc Abivina có hiệu quả tương đương Interferon, loại thuốc điều trị viêm gan được dùng phổ biến hiện nay, nhưng giá rẻ 100 lần so với thuốc ngoại. Đây là loại thuốc được sản xuất từ cây nhân trần bồ bồ, tên khoa học là Adenosma Indianum.

Cũng như các loại thuốc khác, sau nhiều năm thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân ở bệnh viện như Xanh Pôn, Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Nhi, Lao và Bệnh phổi, 103, 108… thuốc này được đánh giá tương đương sinh học như các thuốc ngoại.

Lo bác sĩ "sính ngoại"

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngoài các loại thuốc trị viêm gan, một số công ty dược trong nước đã nghiên cứu, cho ra đời nhiều loại thuốc hỗ trợ, điều trị ung thư với chất lượng không thua kém thuốc ngoại, nhưng giá rẻ hơn 30-50%.

Bác sĩ Hồng Hà, công tác ở BV Ung bướu TPHCM, cho biết, thuốc Ficocyte do Việt Nam sản xuất có giá chỉ 850.000 đồng, dùng để điều trị làm giảm bạch cầu trung tính ở bệnh nhân điều trị hóa trị liệu độc tố tế bào do mắc các bệnh ác tính.

Khi chưa có thuốc Made in Việt Nam này, người bệnh phải dùng thuốc Neupogen của Roche với giá khoảng 1,8 triệu đồng hoặc Neutronac của Instutudo Biologico giá 1,3 triệu đồng.

“Trong khi Nanercept chống hoại tử khối u dùng điều trị viêm đa khớp dạng thấp hay viêm khớp, viêm cột sống của Việt Nam vừa sản xuất được có giá chỉ 1 triệu/lọ thì loại thuốc tương đồng Etanercept do hãng Boehringer Ingelheim của Đức có giá gần 4,5 triệu đồng”- một bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp BV 115 TPHCM cho biết.

PGS.TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM cho biết, đến nay đã có hàng chục hãng dược Việt Nam sản xuất được thuốc generic (thuốc gốc) với giá rẻ hơn và tương đương sinh học với thuốc của nước ngoài.

“Nhiều loại thuốc về tim mạch, thần kinh, chống ung thư hay viêm gan… đã được các hội đồng thuốc trong bệnh viện ủng hộ. Về lâu dài chắc chắn những loại thuốc Made in Việt Nam này sẽ dần thay thế những loại thuốc ngoại đắt tiền”, ông Tuấn nói.

Trước sự ra đời của 2 dòng sản phẩm đặc trị gan của công ty dược trong nước sản xuất, mới đây nhiều mặt hàng điều trị gan B, C mạn tính từng làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam đã hạ giá sản phẩm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại nhiều bác sĩ vẫn sính ngoại nếu không có sự đồng thuận nhưng quyết liệt về bình toa thuốc ở bệnh viện, nếu không có chính sách khuyến khích bác sĩ dùng thuốc Việt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.