20 hoạt động tiêu biểu của Đoàn nhiệm kỳ qua

Thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng trong Năm thanh niên
Thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng trong Năm thanh niên
TPO - Trong 5 năm (2007-2012), các hoạt động do T.Ư Đoàn tổ chức đã có nhiều đổi mới, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, thanh niên trên cả nước.
Thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng trong Năm thanh niên
Thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng trong Năm thanh niên.

Chặng đường 5 năm qua, hoạt động Đoàn đã đạt được những kết quả nhất định với các phong trào như:

1. Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”.

Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” là sự cụ thể hóa Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động. Cuộc vận động được thực hiện sáng tạo và hiệu quả, trở thành nội dung xuyên suốt, định hướng công tác giáo dục của Đoàn trong cả nhiệm kỳ.

Thông qua thực hiện cuộc vận động, nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đoàn viên có chuyển biến tích cực, tạo ra phong trào thi đua sâu rộng, nội dung phong phú, hình thức đa dạng, có ý nghĩa thực tiễn cao.

Nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động như: Xây dựng tiêu chí Học tập và làm theo lời Bác trong các đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên; Tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm các tác phẩm của Bác, sáng tác về Bác; Tổ chức “Thi kể chuyện về Bác Hồ”; viết “Nhật ký thanh niên làm theo lời Bác”; xây dựng “Sổ Vàng làm theo lời Bác”…

2. Cuộc thi Tầm nhìn xuyên thế kỷ.

Cuộc thi “Tầm nhìn xuyên thế kỷ” là cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, được tổ chức 2 năm 1 lần kể từ năm 2001 do Thành đoàn Tp.HCM và báo Tuổi trẻ Tp. Hồ Chí Minh phát động nhằm tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong sinh viên, học sinh các trường Đại học – Cao đẳng – Trung cấp chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng học tập, qua đó trau dồi nhận thức chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên và học sinh trên địa bàn Thành phố.

Đến nay, cuộc thi đã trở thành 1 hoạt động thường niên, thiết thực và nhận được sự ủng hộ, tham gia sôi nổi, có hiệu quả của đông đảo đoàn viên, thanh niên và sinh viên , học sinh các tỉnh trong khu vực và tại Tp. Hồ Chí Minh.

3. Hoạt động giáo dục truyền thống của Đoàn gắn với các sự kiện lịch sử.

Các hoạt động giáo dục truyền thống được tập trung đẩy mạnh triển khai nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, đất nước, của Đoàn, Hội, Đội. Nét mới là trong mỗi đợt sinh hoạt giáo dục truyền thống lớn đều có chủ đề, chủ điểm nên hoạt động được triển khai tập trung, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục.

Trong đó, cao điểm là các hoạt động kỷ niệm: 60 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam với chủ đề “Tự hào truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam”; 80 năm thành lập Đảng với chủ đề “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”; 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước với chủ đề “Ngày hội non sông”; 60 năm ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong với chủ đề “Thanh niên xung phong dựng xây đất nước”; 120 năm ngày sinh nhật Bác với chủ đề “Nhớ ơn Bác - Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”; các cuộc thi như: “Vượt lên số phận”, “Nét bút tri ân”, “40 năm lịch sử Hà Nội”, “Điện Biên Phủ trên không”…

4. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa và tri ân các anh hùng, liệt sĩ.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đã được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ.

Nhiều hoạt động được duy trì, tổ chức thường xuyên nhân dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, dân tộc như: Thăm hỏi tặng quà, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ; tu sửa, chỉnh trang, làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ ; hành trình về nguồn, đến với địa chỉ đỏ, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ…

Chương trình Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ lần đầu tiên thực hiện tại nghĩa trang liệt sỹ Đồi A1 tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm 2009 và cũng lần đầu tiên đồng loạt tổ chức tại 8.881 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước vào năm 2010.

5. Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương.

Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Kết luận số 156KL/TWĐTN ngày 15/01/2009 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về một số giải pháp đẩy mạnh Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” giai đoạn 2008 - 2012; Biên bản ghi nhớ giữa Trung ương Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân về việc phối hợp hoạt động giai đoạn 2008 – 2012.

Hành trình đã đưa nhiều đoàn viên, thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ tiêu biểu đến với Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn hóa văn nghệ, tổ chức các hoạt động thể thao với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang làm nhiệm vụ và sinh sống trên các đảo…

6. Tuổi trẻ chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Lễ hội đường phố và Chương trình văn hóa nghệ thuật của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với nhiều hoạt động sôi nổi đã diễn ra trong dịp kỷ niệm, đặc biệt là trong ngày thứ Tám của Đại lễ (8/10/2010).

Lễ hội của tuổi trẻ với nhiều hoạt động lớn như: Chương trình Lễ dâng hương tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ và chương trình đồng diễn thanh thiếu nhi "Chào Thăng Long nghìn năm tỏa sáng" với sự tham gia của 3.500 đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô và 65 đại biểu thanh niên quốc tế; chương trình đồng diễn nghệ thuật trống, kèn của 1.000 thiếu nhi chào mừng Đại lễ,…

Cùng với đó là Cuộc thi “Tìm hiểu Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng” được đông đảo đoàn viên thanh thiếu niên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Đã có 3,3 triệu bài dự thi, trong đó nhiều bài có chất lượng, đạt giải cao.

7. Chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ngày 30 tháng 6 năm 2008, Ban Bí thư Trung ương Đoàn ban hành kế hoạch số 47/KH-TWĐTN về việc triển khai chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bám sát mục tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2007 – 2012) về xung kích phát triển kinh tế xã hội, đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” do Trung ương Đoàn phát động, đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên, thiếu nhi tham gia đã khơi dậy tinh thần yêu quê hương, đất nước, tạo môi trường để bồi dưỡng, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc tham gia phát triển KT-XH, tình nguyện vì cộng đồng, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Qua 4 năm triển khai thực hiện có hiệu quả, chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã tạo được những dấu ấn sâu đậm, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống của tổ chức Đoàn – Hội – Đội.

Với những quỹ học bổng, các CLB Thắp sáng ước mơ đã thực sự là một người bạn đồng hành, thắp sáng niềm tin của các bạn trẻ, giúp các bạn có thêm quyết tâm, nghị lực thực hiện ước mơ, hoài bão.

8. Chương trình “Khi tôi 18”.

Chương trình "Khi tôi 18" do Ban Bí thư Trung ương Ðoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục & Đào tạo phát động trong các trường Trung học phổ thông nhằm góp phần giáo dục ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật; hỗ trợ trang bị kiến thức pháp luật, tri thức phổ thông, kỹ năng thực hành xã hội và định hướng nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên, vị thành niên vững vàng thực thi quyền và nghĩa vụ công dân khi đủ 18 tuổi; đồng thời thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện trong thanh niên học sinh bậc Trung học phổ thông; là sân chơi bổ ích, thiết thực cho thanh niên, vị thành niên thể hiện ước mơ, hoài bão, năng khiếu, tài năng, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm và sự tham gia đóng góp với cộng đồng, xã hội.

9. Các hoạt động tôn vinh các tấm gương điển hình tiên tiến

Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX xác định việc phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến là một trong bốn vấn đề quan trọng nhất của công tác giáo dục.

Thực hiện tinh thần đó, nhiệm kỳ qua, các cấp bộ đoàn tiếp tục phát triển các phong trào thi đua yêu nước, qua đó phát hiện, tuyên dương 58.581 tập thể và 1.035.295 cá nhân điển hình “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”; hàng triệu mô hình, công trình, phần việc thanh niên các cấp. Hai điểm nhấn trong công tác tôn vinh các tấm gương điển hình tiên tiến nhiệm kỳ IX là triển khai cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” và chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Từ những chương trình, giải thưởng do Đoàn phát động, ngày càng nhiều các tấm gương điển hình tiên tiến được tôn vinh, tỏa sáng trên rất nhiều các đối tượng thanh niên: Cuộc vận động "Sinh viên 5 tốt” trong các trường đại học, cao đẳng, "Ba rèn luyện” trong các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, giải thưởng "Lương Định Của” trong thanh niên nông thôn, giải thưởng "Người thợ trẻ giỏi” trong thanh niên công nhân; giải thưởng "Sao đỏ" trong doanh nhân trẻ, giải thưởng "Quả cầu vàng" trong những nhà khoa học trẻ...

10. Năm thanh niên 2011.

Năm 2011 được Đảng và Nhà nước chọn làm Năm Thanh niên. Triển khai Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn với chủ đề Năm thanh niên và phương châm “Hành động vì một môi trường xã hội lành mạnh cho tuổi trẻ”, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc đã tổ chức có hiệu quả các nội dung hoạt động Năm thanh niên 2011. Các hoạt động trong Năm thanh niên đã tạo ra không khí sôi nổi, động lực mới cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; thể hiện tính hành động cao, thu hút đông đảo thanh niên hào hứng tham gia.

Năm thanh niên đã thu hút trên hai triệu đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia, giúp đỡ trên một triệu người, trong đó có gần 500.000 người nghèo và 300.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị các nguồn lực huy động gần 200 tỉ đồng; qua đó, đã phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc tham gia và bảo đảm an sinh xã hội. Đây cũng là hoạt động thiết thực của các cấp bộ Đoàn và đoàn thanh niên chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

11. Cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Sáng 25/7/2011, tại xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức phát động cuộc vận động "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới". Cuộc vận động "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" nhằm cụ thể hóa nội dung phong trào Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động.

Đến nay, Cuộc vận động đã và đang được triển khai thực hiện sâu rộng ở các cấp bộ Đoàn, huy động đông đảo đoàn viên, thanh thiếu niên xung kích, tình nguyện tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong tuổi trẻ, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, gắn liền với Cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, các hoạt động bảo vệ môi trường cũng được chỉ đạo thực hiện đồng loạt, xuyên suốt. Từ năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình “Thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương”. Chương trình đã được triển khai rộng khắp trên các Tỉnh, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc, bước đầu tác động đến nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

12. Tuổi trẻ tình nguyện vì an sinh xã hội.

Các hoạt động của tuổi trẻ tình nguyện vì an sinh xã hội hằng năm đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương, đơn vị và được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình, phần việc thanh niên tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết những vấn đề cụ thể tại các xã nghèo, huyện nghèo trong cả nước.

Nhiều hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng được chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả như: Chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè, Tình nguyện mùa đông, xuân tình nguyện, Hành quân xanh, Kỳ nghỉ Hổng, Hoa Phương đỏ; Chương trình Tiếp sức đến trường, Tiếp sức mùa thi, Xây tặng nhà Nhân ái, nhà tránh lũ, tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông... Các cấp bộ Đoàn đã thành lập trên 6 ngàn đội hình thanh niên tình nguyện với hơn 200 ngàn đoàn viên thanh niên đăng ký tham gia, đóng góp hàng chục ngàn ngày công lao động, tham gia sửa chữa điện giúp dân, xây mới cầu và sửa chữa, làm mới, nâng cấp hàng ngàn km đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương;

13. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm”.

Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015" (Đề án 103) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 103/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008.

Qua 4 năm triển khai đã tạo được những dấu ấn và kết quả nhất định trong việc Đoàn TN tham gia tuyên truyền, thực hiện các chính sách của Nhà nước về dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Đã có trên 26.000 cán bộ Đoàn các cấp được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp việc làm; trên 10.000 đoàn viên, thanh niên được đào tạo khởi sự doanh nghiệp; khởi công xây dựng 4 trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên (trong đó đã khánh thành 2 trung tâm tại Tp. Hồ Chí Minh và Thanh Hóa) với tổng giá trị trên 200 tỉ đồng; hỗ trợ tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn học nghề tạo việc làm theo các chính sách hiện hành của Nhà nước qua kênh của Đoàn TN đạt trên 10.000 tỉ đồng… Sự nhìn nhận và đánh giá về vai trò của Đoàn TN trong thực thi chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm đã được nâng cao; nhận thức và hành động của cán bộ Đoàn về nghề nghiệp việc làm đã có những chuyển biến tích cực.

14. Cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”.

Được triển khai từ năm 2008, đến nay Cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng triệu lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi, tạo khí thế và nhiệt huyết mới cho hoạt động tuyên truyền pháp luật và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tuổi trẻ cả nước.

15. Festival sáng tạo trẻ.

Festival Sáng tạo trẻ với các hoạt động như tuyên dương, khen thưởng các đề tài, sáng kiến, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu của thanh niên Việt Nam; Chương trình giao lưu, tọa đàm “Sáng tạo vì khát vọng Việt”; Triển lãm các mô hình, công trình, đề tài, giải pháp, ý tưởng, sản phẩm sáng tạo;…

Qua 4 lần tổ chức, Festival sáng tạo trẻ đã trao 325 giải thưởng “Sáng tạo trẻ” là những đề tài, sáng kiến, các sản phẩm sáng tạo của thanh niên có khả năng áp dụng (sử dụng) rộng rãi trong thực tiễn; đề tài giải pháp đã được thử nghiệm, các sản phẩm sáng tạo tiêu biểu về năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, môi trường; đồng thời, các sản phẩm sáng tạo là nơi rèn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ cho đoàn viên thanh niên.

16. Chương trình “Khi Tổ quốc cần”.

Chương trình được thực hiện định kỳ, dài hạn tại nhiều địa phương trên cả nước, thông qua nhiều hình thức hoạt động xã hội, xây dựng các công trình, phần việc thanh niên... Bên cạnh đó, những tấm gương giàu nghị lực, vượt khó “Sống đẹp - sống có ích vì cộng đồng”, những người tình nguyện trên nhiều lĩnh vực được biểu dương trong chương trình này

Các hoạt động trọng điểm của chương trình gồm: tặng sách, tổ chức các chương trình giao lưu giữa các tác giả văn học, nghệ thuật với thanh niên; phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ VN tổ chức kết nghĩa và hỗ trợ 61 huyện nghèo; xây dựng 1.000 điểm tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật và truy cập internet cho thanh niên; phát động và triển khai chiến dịch tình nguyện Ấm áp mùa đông, biểu dương những người tình nguyện vì cộng đồng…

17. Các hoạt động đối ngoại thanh niên có ý nghĩa chính trị quan trọng.

Tổ chức thành công các hoạt động chính trị đối ngoại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay: Các hoạt động hưởng ứng Năm hữu nghị Việt – Trung 2010, Năm đoàn kết hữu nghị Việt – Lào 2012, Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2012: các hoạt động hợp tác với Đoàn TNNDCM Lào, Đoàn TNCS Trung Quốc và Hội Thanh niên Campuchia đã diễn ra hết sức sôi nổi, có tác dụng tích cực trong việc tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về tầm quan trọng đặc biệt của tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Liên hoan Thanh niên Việt – Trung 2010 được tổ chức tại Trung Quốc từ ngày 24 – 29/8/2010 với sự tham gia của 3.000 đại diện tiêu biểu của thanh niên Việt Nam trên các lĩnh vực và trên 7.000 đại biểu thanh niên Trung Quốc, là sự kiện chính trị đối ngoại và giao lưu hữu nghị quan trọng, là hoạt động đối ngoại thanh niên lớn nhất từ trước tới nay.

Với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: hành trình “Theo dấu chân Bác Hồ vĩ đại”, thăm di tích gắn với cách mạng Việt Nam; tọa đàm về khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao thanh niên hai nước; tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, vì cộng đồng...,

Liên hoan đã trở thành điểm sáng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc; bên cạnh đó, thành công của Liên hoan đã khẳng định trình độ, khả năng tổ chức các hoạt động đối ngoại lớn, tầm cỡ quốc gia và khu vực của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

18. Dự án “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú về làm Phó Chủ xã”.

Các hoạt động đưa trí thức trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa tiếp tục được Trung ương Đoàn và các tỉnh thành đoàn quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện bằng nhiều chương trình, dự án cụ thể, mang lại ý nghĩa và hiệu quả cao trong công tác đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ trẻ, trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng còn nghèo, khó khăn.

Đặc biệt là Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 26/11/2011) ban hành kèm theo quyết định số 170/QĐ-TTg. Ngày 22/3/2011 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định số 804/QĐ-BNV về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện

19. Các hoạt động tăng cường đoàn kết tập hợp thanh niên các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Được tổ chức tại Tây Nguyên (năm 2007); Tây Bắc (năm 2008), Tây Nam Bộ (năm 2010) gắn với các đêm hội “Sắc màu tuổi trẻ - sắc màu đoàn kết” tại Sơn La, “Thanh niên các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết và phát triển” tại Đắc Lắc; “Sắc màu Thanh niên – Sắc màu Đoàn kết” tại Sóc Trăng. Festival thanh niên các dân tộc Việt Nam năm 2011 với chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam với sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc” và Hội thảo “Tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tín đồ tôn giáo khu vực Tây Nguyên” năm 2012 và 2 lớp tập huấn toàn quốc về công tác tôn giáo cho 300 cán bộ Đoàn, Hội, Đội cấp tỉnh, thành và các quận, huyện có đông tín đồ tôn giáo do Trung ương Đoàn phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương tổ chức đã góp phần quan trọng trong công tác mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam.

20. Chương trình “Đêm hội trăng rằm”.

Là sự kiện được đông đảo thiếu nhi cả nước hàng năm trông đợi và đón nhận. Thông qua sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, “Đêm hội trăng rằm” được tổ chức đồng loạt vào tối 14 tháng 8 âm lịch từ các khắp các thôn, bản, xóm phố đến các xã, phường, thị trấn và quy mô lớn hơn là cấp huyện, tỉnh.

Trong dịp này các cấp bộ Đoàn, các anh chị đoàn viên, thanh niên đã có nhiều hoạt động như: chăm sóc, tạo điều kiện cho các em thiếu nhi được tham gia các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, kể chuyện, thi bày mâm quả... tổ chức các hoạt động tặng quà, sổ tiết kiệm, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, phương tiện đến trường cho thiếu nhi.

Theo Viết
MỚI - NÓNG