20 địa phương có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp

20 địa phương có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp
TP - Hôm qua (2/4), TS Nguyễn Huy Nga – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết Nghệ An là tỉnh mới nhất xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp.

Hiện đã có 20 địa phương có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm với 2.490 ca, trong đó 377 ca dương tính với khuẩn tả.

TS Nga thông báo Quảng Bình, TPHCM, Thái Nguyên, Phú Thọ là bốn địa phương đã qua 14 ngày không có bệnh nhân mắc mới, có thể công bố đã hết dịch.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn lưu ý ngành y tế phải theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh vì phẩy khuẩn tả đã lưu hành ở rất nhiều nguồn như thực phẩm không an toàn, nguồn nước bề mặt, người lành mang trùng.

Theo báo cáo hàng ngày của các tỉnh gửi về Bộ Y tế số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm đang giảm đi trông thấy do công tác dập ổ dịch cũng như điều trị tiến hành tốt. Nhưng nguy cơ dịch bùng phát rất lớn bởi những cơ sở kinh doanh thực phẩm ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh vẫn tồn tại rất nhiều.

Đóng cửa gần 50% cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố

20 địa phương có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp ảnh 1
Một quán ăn trên vỉa hè đường phố Hà Nội. Bát đũa đều để ngay xuống đất, giấy ăn vứt bừa bãi khắp nơi. Ảnh : Phạm Yên

Hiện nay Hà Nội vẫn là địa phương dẫn đầu với 1.032 trường hợp, tiếp đến là Hà Tây 691 ca. Như vậy, số trường hợp tiêu chảy cấp và tả, cũng như địa phương có dịch đã vượt xa đợt dịch cuối năm ngoái.

Do quá nhiều bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả sống tại hai địa phương trên nên Hà Nội và Hà Tây là tâm điểm của đợt kiểm tra vệ sinh thực phẩm và môi trường của Bộ Y tế trong những ngày qua.

TS Trần Đáng – Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết ngày 21/4 vừa qua khi kiểm tra 23 cơ sở bán thịt chó tại thôn Dương Xá, xã Dương Nội (huyện Hoài Đức, Hà Tây) đã phát hiện tất cả chó được bày bán đều không có giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch, cơ sở không có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm...

Người dân nơi đây chế biến chó bằng nước giếng khoan chưa qua xử lý, rất dễ ô nhiễm. Nước dùng để mổ, rửa thịt chó đều chảy thẳng ra đồng ruộng, thịt chó được chế biến trên mặt đất, nhân viên chế biến chưa qua một khóa tập huấn nào về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quy trình chế biến thịt chó không đảm bảo an toàn như vậy nhưng mỗi ngày nơi đây cung cấp cho Hà Nội vài tấn thịt chó sống và chín. Đoàn kiểm tra đã quyết định đóng cửa toàn bộ 23 cửa hàng kinh doanh thịt chó nói trên và hai cửa hàng bán thịt chó ở La Khê (TP Hà Đông, tỉnh Hà Tây).

Ông Trần Đáng cho biết thêm sau gần một tuần kiểm tra 98 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố tại Hà Nội và Hà Tây, các đoàn thanh tra của Bộ Y tế đã đình chỉ hoạt động 48 cơ sở, phạt hành chính 25 cơ sở, cảnh cáo 21 cơ sở và tiêu hủy rau sống, mắm tôm, lạc mốc của ba nhà hàng.

Việc đình chỉ sẽ kéo dài đến khi các cửa hàng đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kết quả xét nghiệm mới nhất ngày hôm qua (22/4) tại cửa hàng bán thịt chó Anh Tú xịn (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho thấy trên thớt thái thịt chó chín nhiễm vi khuẩn samonella gây bệnh thương hàn, trên rau diếp cá tại nhà hàng 171 đường Trường Chinh (Hà Nội) có vi khuẩn vibrio parahaemolyticus, một dạng vi khuẩn gần giống phẩy khuẩn tả, rất nguy hiểm.

Ông Đáng nhận định các xét nghiệm đều cho thấy mức độ ô nhiễm nặng trầm trọng.

MỚI - NÓNG