Tại hội nghị, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: Ở Việt Nam, dù Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã có nhiều nỗ lực, tích cực đầu tư nghiên cứu, dự phòng, xử lý giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường để bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhiều địa phương trên cả nước được đầu tư xử lý nguồn nước bị nhiễm Asen, tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức về tình trạng ô nhiễm của Asen trong nước ngầm tại một số khu vực nông thôn Việt Nam.
“Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á có nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi asen. Nước ngầm tự nhiên tự nhiên đã có sẵn asen cao do các loại đất giàu asen đã giải phóng vào nước ngầm. Sau đó, thời gian phát triển công nghiệp, mức độ ô nhiễm càng tăng; nguy hiểm và đáng báo động hơn khi nhiều vùng quê sử dụng nước ngầm cạn có nồng độ asen cao làm nước uống và sinh hoạt.
Theo thống kê, hiện có 17 triệu người Việt Nam sử dụng nước ngầm bị nhiễm asen, ảnh hưởng đến thể chất, sức khoẻ tâm thần với nhiều bệnh cấp tính và mãn tính. Đặc biệt, trẻ em bị ảnh hưởng ngặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển”, báo cáo tại hội nghị nêu rõ.
“Hội thảo này sẽ thảo luận các biện pháp để đạt được mục tiêu giảm thiểu tác hại của phơi nhiễm Asen; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở những nơi nguồn nước bị ảnh hưởng của Asen; bảo vệ môi trường nói chung và phòng chống, xử lý loại bỏ ô nhiễm Asen trong nguồn nước ngầm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói riêng để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam” ông Hải nhấn mạnh.
Hội nghị cũng được nghe chia sẻ khoa học và thực tiễn: “Lượng hoá phơi nhiễm Asen từ nước ngầm và nước tưới thủy lợi ở Campuchia” và các nghiên cứu tổng hợp về sinh hóa ô nhiễm Asen trong nước ngầm tại đồng bằng sông Hồng, Việt Nam; Ảnh hưởng về sức khoẻ và địa hoá Asen II và Ảnh hưởng về sức khoẻ và địa hoá Asen III với các bài đánh giá về ảnh hưởng của Asen ở Sông Hồng, Việt Nam; sử dụng tôm cá nhiễm asen trong nước thải tại Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam và một số nghiên cứu điển hình sự ô nhiễm asen trong nước ngầm và loại bỏ asen bằng các chất hấp thụ chi phí thấp tại thành phố Hà Nội".
Asen được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm độc loại A. Việc sử dụng nguồn nước nhiễm Asen sẽ gây ra rất nhiều bệnh cấp tính, mãn tính, biến đổi nhiễm sắc thể chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ em... đặc biệt nhiễm độc Asen là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh ung thư (ung thư da, ung thư phổi, ung thư bàng quang) ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng con người, tạo ra các gánh nặng cho xã hội. Hiện nay trên thế giới có hàng triệu người đang bị phơi nhiễm Asen.