Vụ nước mắm nhiễm asen: Cách chức một lãnh đạo Vinastas

Vinastas đã phải xin cải chính một số thông tin về kết quả khảo sát nước mắm gây hoang mang dư luận
Vinastas đã phải xin cải chính một số thông tin về kết quả khảo sát nước mắm gây hoang mang dư luận
TPO - Nguồn tin của Tiền Phong ngày 14/4 cho biết, liên quan đến việc cố tình công bố sai thông tin về nước mắm truyền thống hồi tháng 10/2016, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã cách chức Phó tổng thư ký Vương Ngọc Tuấn do liên quan đến kết quả khảo sát này.

Nguồn tin này cũng cho biết, việc cách chức ông Tuấn diễn ra cách đây ít lâu. Sau khi bị cách chức, ông Tuấn, dù vẫn còn tư cách là thành viên của Vinastas, cũng rất ít khi đến trụ sở hội để làm việc.

Vị này cũng cho biết thêm, từ khi có sự cố “nước mắm nhiễm asen”, Chủ tịch hội là ông Đoàn Phương cũng ít khi có mặt tại trụ sở hội. Việc liên lạc điện thoại với ông Đoàn Phương của những người bên ngoài cũng gặp khó khăn.

Về việc Bộ Công Thương có văn bản gửi Vinastas yêu cầu báo cáo việc kiểm điểm, xử lý các cá nhân, trong đó có Chủ tịch Vinastas Đoàn Phương, trong vụ cố tình công bố sai thông tin về nước mắm truyền thống hồi tháng 10/2016 và, nguồn tin này cũng cho biết đến nay Ban chấp hành hội vẫn chưa họp nên không thể biết được khi nào mới có báo cáo gửi đi theo yêu cầu dù ngày 20/4 tới là thời điểm đến hạn phải gửi báo cáo về Bộ Công Thương. “Yêu cầu của Bộ Công Thương về gửi báo cáo về kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân chắc chắn Vinatas phải thực hiện”, nguồn tin này cho biết.

Liên quan đến vụ “nước mắm nhiễm Asen”, hồi giữa tháng 2 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn gửi các Bộ Công an, Công Thương, Nội vụ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình về vụ việc công bố chất lượng nước mắm của Vinastas. Thông báo cũng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Nội vụ khẩn trương hoàn thành thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố chất lượng nước mắm. Bộ Công an điều tra và sớm công bố kết quả điều tra vụ việc liên quan đến chất lượng nước mắm do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố.

Sau khi những thông tin sai lệch về kết quả khảo sát nước mắm bị phanh phui, trong công văn cáo lỗi đăng tải trên website chính thức của Hiệp hội hồi cuối năm 2016, Vinastas cho biết, ngày 17/10/2016, Hội Vinastas đã tổ chức buổi báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Tuy nhiên nhóm thực hiện chương trình đã thông tin về kết quả khảo sát chưa được thận trọng, rõ ràng, trong đó có việc đồng nhất khái niệm Arsen với thạch tín không đúng theo Từ điển Bách khoa Việt Nam đã tạo điều kiện cho việc đưa ra các thông tin ban đầu gây hoang mang cho người tiêu dùng và lo lắng cho các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm.

"Thay mặt cho nhóm khảo sát, Vinastas xin gửi tới người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm và các cơ quan quản lý lời xin lỗi về sự cố đã xảy ra. Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, kiện toàn tổ chức, quy chế làm việc để không xảy ra sai sót tương tự", công văn của Vinastas nêu.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho công bố kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Vinastas. Về kết quả khảo sát nước mắm của Vinatas, Bộ Công Thương khẳng định, kết quả kiểm tra cho thấy việc khảo sát nước mắm của Vinastas là không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù là hoạt động nhân danh Vinastas nhưng khi thực hiện không xây dựng đề án, kế hoạch khảo sát rõ ràng. Khảo sát chủ yếu do Chủ tịch và một số cá nhân thực hiện, nhiều khâu không được các cấp có thẩm quyền của Vinastas phê duyệt và giám sát. Quá trình lấy (mua) mẫu thiếu tin cậy. Toàn bộ 150 mẫu đã mua không có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính, chỉ có hóa đơn bán lẻ, hóa đơn bán hàng, bản kê bán hàng của nơi bán (89 mẫu); 61 mẫu chỉ có bảng kê do cán bộ đi mua tự lập.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy việc thực hiện Điều lệ của Vinastas trong nhiệm kỳ V (2011-2015) cũng không được  thực hiện hoặc thực hiện không đúng một số nội dung được quy định trong Điều lệ. Cụ thể, hội này chưa xây dựng Quy chế quản lý và hoạt động của Hội và Quy chế quản lý và sử dụng tài sản theo Điểm c Khoản 2 Điều 14 về Chủ tịch Hội và Khoản 1 Điều 20 về Quản lý tài sản, tài chính của Hội.  Thường trực Hội tồn tại trong suốt nhiệm kỳ V (2011-2015), họp giao ban hàng tuần để triển khai các hoạt động của Hội nhưng không có Quyết định nào của Ban Thường vụ về việc thành lập Thường trực Hội và về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội. Cùng đó, việc bổ nhiệm chức danh Phó Tổng Thư ký của Hội chưa theo đúng quy định tại Điều lệ.

MỚI - NÓNG