17 năm chưa tìm ra bệnh nhân ung thư bởi sợi amiăng trắng

Một số tính chất của sợi amiăng Nguồn: Nghiên cứu kiểm tra, đánh giá chất lượng tấm amiăng xi măng và tấm sợi PVA – Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng – 2015.
Một số tính chất của sợi amiăng Nguồn: Nghiên cứu kiểm tra, đánh giá chất lượng tấm amiăng xi măng và tấm sợi PVA – Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng – 2015.
Những thông tin về việc sợi amiăng trắng – một trong những nguyên liệu sản xuất tấm lợp fibro xi măng - là nguyên nhân gây ung thư đang khiến cho ngành công nghiệp này điêu đứng cho dù nó đã tồn tại 56 năm và chưa tìm ra bất kỳ trường hợp bệnh liên quan đến amiăng trắng nào trong suốt 17 năm nghiên cứu

Amiăng trắng là một loại vật liệu đầu vào dạng sợi có chiều dài khác nhau. Chúng được phân loại dựa trên kích thước và tiêu chuẩn quy định giữa của các nhà sản xuất và các quốc gia có sử dụng sợi amiăng trắng. Loại sợi này có những tính chất cơ lý rất tốt mà các sợi tự nhiên hoặc nhân tạo khác không có được như tính đàn hồi cao, chịu ma sát tốt, chống cháy, chịu được môi trường kiềm, cách điện, khó phân hủy, ngăn cản vi khuẩn và sự tán xạ.

Nhờ đó mà amiăng trắng trở thành loại sợi gia cường tự nhiên được sử dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau như ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm fibro xi măng (đặc biệt là tấm lợp sóng amiăng xi măng tại các nước đang phát triển), các vật liệu cách điện, cách nhiệt, ngành ôtô, ngành hàng không, dược, dầu mỏ và hạt nhân, sản xuất vật liệu chống cháy, sản phẩm dệt may và một số ngành khác..

Đối với các sản phẩm tấm lợp fibro xi măng thì amiăng trắng là một loại sợi lý tưởng. Cấu trúc xốp mềm với nhiều lỗ hổng trên bề mặt đã giúp các sản phẩm thủy hóa của xi măng có thể xâm nhập sâu vào sợi, tạo nên tính đồng nhất cao và lực bám dính không thể tách rời giữa sợi và đá xi măng. Từ đó tạo nên sản phẩm tấm lợp mỏng, nhẹ, bền uốn cao, chống thấm, bền vững, chịu xâm thực tốt, tăng khả năng chịu nhiệt. Vì vậy tấm lợp fibro xi măng khi bị đạp vỡ thì phát tán ra ngoài không khí là sợi hỗn hợp amiăng xi măng chứ không phải sợi amiăng nguyên chất. Hiện nay, việc sản xuất tấm lợp fibro xi măng và ống nước fibro xi măng chỉ chứa một lượng rất nhỏ sợi amiăng trắng (từ 8 – 10%); trong đó tỷ lệ các loại vật liệu thô khác được sử dụng là xi măng 55%, tro bụi than thiên nhiên là 35%. 

17 năm chưa tìm ra bệnh nhân ung thư bởi sợi amiăng trắng ảnh 1 Nguồn: Nghiên cứu ảnh hưởng của amiăng trắng tới sức khỏe con người - Quan điểm dựa trên nguồn dữ liệu hiện tại – TS. David M. Bernstein - Cố vấn ngành Độc chất học, Geneve, Thụy Sĩ và John A. Hoskins - Cố vấn ngành Độc chất học, Haslemere, Vương quốc Anh - Regulatory Toxicology and Pharmacology, doi 10.1016/j.yrtph.2006.04.008

Ngày nay, chỉ có chrysotile là sợi amiăng duy nhất được phép xuất khẩu. 99% các sản phẩm chứa amiăng hiện nay đều là amiăng trắng, loại sợi không gây ra cái rủi ro về sức khoẻ cho con người khi phơi nhiễm với một lượng nhỏ, trong thời gian ngắn hoặc trong các điều kiện đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động. Các trường hợp bệnh nhân ung thư được tìm thấy ngày hôm nay là hệ quả của việc sử dụng amiăng nâu và xanh không có kiểm soát trong quá khứ

Công nghệ sản xuất tấm lợp fibro xi măng tại Việt Nam – lịch sử 56 năm sử dụng sợi amiăng trắng

Tấm lợp fibro xi măng được sản xuất quy mô công nghiệp ở Việt Nam từ năm 1963 với 2 dây chuyền sản xuất đầu tiên tại 2 nhà máy Biên Hòa (Đồng Nai) và Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Chủ sở hữu 2 nhà máy này chính là công ty Eternit - công ty của gia đình Hatschek, người sáng lập ra công nghệ sản xuất tấm fibro xi măng. Thiết bị của 2 dây chuyền này hoàn toàn nhập ngoại, công suất tối đa 10 triệu m2/năm. Công nghệ được áp dụng phổ biến hiện nay là công nghệ “ướt” với tên kỹ thuật là công nghệ Hatschek (Hatschek Process). Công nghệ này giúp hạn chế tối đa việc phát tán bụi ra bên ngoài. Do đó, các rủi ro về sức khỏe người lao động, sức khoẻ cộng đồng và môi trường cũng được giảm thiểu.

Theo báo cáo của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng đã tồn tại ở Việt Nam 56 năm và hiện có 39 cơ sở sản xuất với tổng công suất thiết kế lên đến hơn 110 triệu mét vuông mỗi năm. Ngành tấm lợp hiện nay đang tạo công ăn việc làm cho hơn 5,000 người lao động và đáp ứng 40 - 42% nhu cầu sử dụng tấm lợp tại Việt Nam. Do đặc tính bền bỉ với thời tiết khắc nghiệt và giá thành hợp lý, tấm lợp fibro xi măng đang là lựa chọn phù hợp cho người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng ven biển nơi thường xuyên xảy ra mưa lũ với biên độ nhiệt thay đổi lớn. Với nhu cầu tiêu thụ khoảng 80 - 90 mét vuông mỗi năm, đủ thấy tầm quan trọng của loại tấm lợp này với đời sống của người dân Việt Nam.

17 năm tìm kiếm bệnh nhân do bị quy kết gây ung thư

Ngành công nghiệp tấm lợp fibro xi măng hiện đang đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa do đề xuất ban hành lệnh cấm nhập khẩu và sử dụng sợi amiăng trắng tại Việt Nam. Dù lệnh cấm chưa chính thức được ban hành, nhưng đã khiến cho các doanh nghiệp sản xuất phải lao đao, khốn đốn, hàng tồn đọng không bán được, người lao động bị cắt giảm lương hoặc bị cho nghỉ việc. Trên thực tế, cũng giống như nhiều quốc gia có khai thác hoặc chỉ sử dụng sợi amiăng trắng, các bộ ngành và các chuyên gia về môi trường, vật liệu xây dựng và bệnh bụi phổi đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu nhằm tìm kiếm trường hợp bệnh ung thư do liên quan đến amiăng trắng.

Năm 2002 - 2003, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã có đề tài nghiên cứu cấp bộ “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng Môi trường các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng xi măng và những ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người - Kiến nghị các giải pháp". Kết quả nghiên cứu tình hình sức khoẻ trên 1,032 công nhân đang sản xuất và hưu trí cho thấy không có trường hợp nào bị mắc bệnh ung thư trung biểu mô.

Năm 2009 - 2011, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiăng ở những người tiếp xúc” với sự tài trợ của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi của Nhật Bản. Kết quả phỏng vấn tìm tiền sử nghề nghiệp liên quan đến amiăng ở 447 trường hợp bệnh liên quan đến amiăng bao gồm ung thư phổi, mảng dày màng phổi và ung thư trung biểu mô cho thấy có chỉ có 46 trường hợp được chẩn đoán ung thư trung biểu mô màng phổi. Sau sang lọc, chỉ còn lại 39 mẫu bệnh phẩm đối tượng được chẩn đoán ung thư trung biểu mô được lựa chọn gửi sang Bệnh viện Hiroshima, Nhật Bản và đã được chuyên gia Nhật Bản xác định chẩn đoán là 08 trường hợp trong đó không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng.

“Ở 46 trường hợp bệnh nhân ung thư trung biểu mô trong kết quả nghiên cứu này cho thấy, số bệnh nhân có phơi nhiễm với amiăng không nghề nghiệp là 6 ca (13%), không có bệnh nhân nào có tiền sử nghề nghiệp tiếp xúc amiăng.

So với kết quả của một số nghiên cứu ngoài nước là 75-80% trường hợp ung thư trung biểu mô có tiếp xúc với amiăng, ở nghiên cứu này kết quả phơi nhiễm amiăng lại rất thấp. Một lý do có thể giải thích cho kết quả điều tra này là loại amiăng mà người bệnh phơi nhiễm có thể không phải thuộc nhóm amphybole, loại amiăng độc hại hơn so với nhóm serpentin với một chất đại diện duy nhất là chrysotile, loại amiăng trắng được sử dụng ở Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 1960.

Đáng chú ý hơn là trong số 46 trường hợp ung thư trung biểu mô, tất cả 26 bệnh nhân nam đều có tiền sử hút thuốc lá, chiếm 56,53%; 100% các trường hợp hút thuốc đều có thời gian hút trên 10 năm. Số bệnh nhân nữ mắc ung thư TBM, cả 20 người đều không hút thuốc. Kết quả này trùng hợp với kết luận của hầu hết các nghiên cứu trong nước và trên thế giới cho rằng thuốc lá là nguyên nhân chính gây 90% ca ung thư phổi, trong đó có cả ung thư trung biểu mô màng phổi, màng tim [9,5]. “

Nguồn: Tạp chí Y học dự phòng, Tập XXVI, Số 11 (184) Trang 120 – 121. 2016 

Mới đây nhất, đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khỏe người lao động tại các đơn vị sản xuất và người sử dụng tấm lợp amiăng xi-măng” đã được Bệnh viện Xây dựng – Bộ Xây dựng thực hiện từ năm 2014 đến 2017. Nghiên cứu được tiến hành trên 2,559 công nhân đang làm việc trong ngành tấm lợp fibro xi-măng và cả những công nhân đã nghỉ hưu với lịch sử tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng trắng từ vài chục năm qua. Kết quả nghiên cứu đã kết luận “chưa phát hiện trường hợp nào có tổn thương bụi phổi amiăng”.

Cũng trong suốt 9 năm qua (2008 – 2016), các công nhân ngành tấm lợp đều được khám bệnh nghề nghiệp định kỳ mỗi năm bởi đội ngũ y bác sỹ đến từ Bệnh viện Xây dựng – Bộ Xây dựng. Đây là chương trình được tổ chức khoa học, bài bản, định kỳ hàng năm và khám cho tổng số 5,466 công nhân các nhà máy tấm lợp AC (những người lao động trực tiếp tiếp xúc với amiăng trắng trong sản xuất). Kết quả hội chẩn dựa trên xét nghiệm, chụp CT và X-quang trong 9 năm liên tiếp được công bố bởi Hội đồng đọc phim uy tín cho thấy: Không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiăng trắng. Song song với thực hiện khám bệnh cho công nhân, công tác quan trắc môi trường tại các nhà máy cũng được thực hiện ít nhất một lần mỗi năm để đảm bảo tiêu chuẩn của Việt Nam về ngưỡng tiếp xúc với amiăng trắng.

Nga và Kazakhstan quan ngại về một lệnh cấm không có bằng chứng khoa học

Không chỉ tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của người lao động, việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu sợi amiăng mà không dựa trên chứng cứ khoa học có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ hợp tác giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Nga và Kazakhstan khi hàng năm Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 50 nghìn tấn amiăng trắng từ những nước này.  Vì vậy trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Thương mại Uỷ ban kinh tế Á-Âu Veronica Nikishina đã bày tỏ mối quan ngại với ý định hạn chế và tiến tới lệnh cấm sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam vào năm 2020.

Năm 2015, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA). Hiệp định gồm các nước Việt Nam, Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan. Căn cứ theo Hiệp định này, các quốc gia thành viên phải có thông báo, tham vấn và đàm phán trước đối với bất kỳ ý định cấm bất cứ chất nào đồng thời cần cung cấp các bằng chứng khoa học cho lệnh cấm đó. Nếu được thông qua, lệnh cấm amiăng trắng tại Việt Nam sẽ vi phạm nghiêm trọng Điều 2.9 - Hạn chế định lượng, Chương 2 - Thương mại Hàng hoá của Hiệp định trong đó nêu rõ “Không Bên nào được thông qua hoặc duy trì hạn chế định lượng, kể cả việc cấm hoặc hạn chế nhập khẩu hàng hoá từ Bên kia hoặc xuất khẩu hàng hoá đến lãnh thổ của Bên kia…”.

Bên cạnh đó, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006, bên cạnh cam kết cắt giảm hàng rào thuế quan, Việt Nam còn đảm bảo không phân biệt đối xử đối với hàng hoá của các quốc gia khác nhau trong cùng hiệp ước. Vậy nên, việc đặt ra một lệnh cấm hay hạn chế nhập khẩu mà không cung cấp đủ các bằng chứng khoa học có thể dẫn đến vi phạm các Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) mà Việt Nam đã ký kết.

Lời kết

Chúng ta đang sống trong một môi trường với vô vàn các hiểm hoạ xung quanh. Hiểm hoạ có thể do thiên nhiên mang đến hoặc do chính con người chúng ta tạo ra. Nào là hút thuốc lá gây ung thư phổi, uống nhiều rượu bia gây ung thư gan, sử dụng các loại thuốc độc hại trong nuôi trồng và bảo quản, chế biến thực phẩm bẩn. Hàng ngày chúng ta vẫn đang phải hít thở không khí ô nhiễm đầy khói bụi từ các nhà máy công nghiệp, chế xuất, từ khói, xăng xe...

Thậm chí trong bản công bố đưa ra ngày 26/10/2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ăn các loại thịt qua chế biến (xúc xích, giăm bông, thịt nguội...) và thịt đỏ (thịt bò, lợn, cừu...) có thể tăng nguy cơ gây ung thư ruột già. Một cách công bằng mà nói, bản thân các chất đó không có lỗi. Lỗi là do con người sử dụng chúng không đúng cách.

Vì vậy, để có câu trả lời rõ ràng và thuyết phục cho các doanh nghiệp, người lao động và dư luận trong nước cũng như các đối tác quốc tế, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần phối hợp để thực hiện các nghiên cứu đánh giá tổng thế tác động của amiăng trắng đến sức khoẻ con người và môi trường cũng như ảnh hưởng của lệnh cấm đến tình hình kinh tế, xã hội và hợp tác giao thương quốc tế.

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.