Bạch tuộc sống
Bạch tuộc sống là một món “khoái khẩu” của người Hàn Quốc. Bạch tuộc nhỏ thường được ăn nguyên con, trong khi những con lớn hơn được cắt ra và những cái râu còn đang “ngoe nguẩy” sẽ được ăn sống với một chút dầu vừng.
Bạch tuộc sống là món ăn nguy hiểm vì có nguy cơ gây sặc và ngạt thở, vì những giác hút vẫn còn hoạt động ở râu bạch tuộc có thể bám dính vào cổ họng của người ăn.
Mochi (bánh gạo nếp)
Mochi là loại bánh truyền thống của Nhật được làm từ bột gạo nếp. Giống như bạch tuộc, ăn mochi có thể rất nguy hiểm nếu người ăn không cẩn thận.
Chỉ tính riêng tháng 1/2013 đã có 15 người già phải nhập viện sau khi bị hóc bánh mochi. Trong số này, có 2 người tử vong là một cụ ông 83 tuổi ở quận Suginami và một cụ ông 68 tuổi ở quận Shinagawa.
Các bệnh nhân này bị ngạt sau khi bị miếng bánh mochi mắc kẹt trong họng tại nhà do bánh rất dính và phải nhai kỹ.
Sau đó các cơ quan chức năng đã đưa ra lời khuyên người cao tuổi cần cắt bánh mochi ra thành từng miếng nhỏ và ăn thật cẩn thận. Nếu bạn định nếm thử món bánh này, hãy nhớ nhai nó thật kỹ trước khi nuốt.
Bánh mì kẹp xúc xích (Hot dog)
Theo tờ Time Magazine, ít người biết rằng bánh mì kẹp xúc xích là món ăn có nguy cơ gây sặc và ngạt thở cho trẻ nhỏ.
Tờ báo trích dẫn một nghiên cứu cho biết khoảng 17% số trường hợp sặc dị vật liên quan đến thức ăn ở trẻ dưới 10 tuổi là do bánh mì kẹp xúc xích gây ra.
Đồ ăn này nguy hiểm đến mức Hội Nhi khoa Mỹ cho rằng bánh mì kẹp xúc xích cần phải dán nhãn cảnh báo.
Thậm chí Hội Nhi khoa Mỹ còn đề xuất ý kiến thiết kế lại kiểu dáng của bánh mì kẹp xúc xích để giảm khả năng bánh gây nghẹt trong họng của trẻ nhỏ.
Fugu
Fugu, một món ăn làm từ cá nóc, là loại đặc sản đắt tiền mà nhiều người Nhật ưa chuộng. Nếu được chế biến đúng cách thì món ăn này rất an toàn. Vấn đề là ở chỗ không phải lúc nào ta cũng biết chắc về tay nghề của đầu bếp.
Fugu có thể gây chết người do độc tố tetrodotoxin; do đó, việc chế biến phải hết sức cẩn thận để loại bỏ hết mọi bộ phận gây độc và tránh để nhiễm vào thịt.
Ngày 23/8/2007, một bác sĩ ở Thái Lan đã báo cáo rằng những người bán cá thiếu lương tâm đã bán thịt cá nóc giả làm cá hồi, dẫn đến cái chết của 15 người trong 3 năm.
Thống kê từ Sở Y tế công cộng và phúc lợi xã hội Tokyo cho thấy trong thời gian từ 1996 đến 2006, mỗi năm có từ 20 - 44 vụ ngộ độc fugu ở Nhật (mỗi vụ có thể gồm nhiều thực khách). Những vụ ngộ độc này khiến mỗi năm có từ 34 – 64 nạn nhân phải nhập viện và từ 0 – 6 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong trung bình là 6,8%.
Quả bưởi chùm (Grapefruit)
Bưởi chùm kết hợp với thuốc có thể gây đột tử. Ngoài ra, một số thuốc khi kết hợp với bưởi chùm có thể khiến cho các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, như đột tử, tăng vọt.
Có hơn 85 thuốc, nhiều loại trong số đó được kê đơn rất phổ biến để điều trị các bệnh hay gặp, được biết là có tương tác với loại quả này.
Lý do: Bưởi chùm gây nguy cơ khi kết hợp với một số thuốc vì nó ức chế một enzyme chuyển hóa các thuốc dùng đường uống, khiến cho thuốc buộc phải đi vào máu, có thể dẫn đến quá liều.
Óc khỉ
Nếu bạn từng xem bộ phim trong đó nhân vật Indiana Jones được mời món óc khỉ sống, thì bạn có thể nghĩ rằng tốt nhất là cứ ăn đại đi, giống như những người dân địa phương. Nhưng đừng làm vậy – món đó có thể giết chết bạn.
Theo một báo cáo trên trang visual.ly, óc sống có thể mang một căn bệnh có tên là bệnh Creutzfeldt-Jakob biến thể. Khi bị bệnh này, não bạn sẽ nhũn ra, dẫn đến cái chết. Bệnh này rất giống với bệnh bò điên.
Rau xanh
Các loại rau xanh — bao gồm cải bó xôi, rau diếp, bắp cải, arugula và cải xoăn – bị liệt vào danh sách những thực phẩm nguy hiểm nhất năm 2009, theo Trung tâm Nghiên cứu quyền lợi cộng đồng – một cơ quan của FDA Mỹ.
Các nhà khoa học đã đánh giá những thực phẩm này theo số vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến chúng kể từ năm 1990, và cũng cho số trường hợp bệnh kỷ lục.
Trong 20 năm qua, rau xanh gây ra 363 vụ ngộ độc tại Mỹ, với 13.568 trường hợp mắc bệnh.
Đa số các vụ có liên quan với Nirovirus, thường lây lan qua tay bẩn của người chế biến hoặc sử dụng thực phẩm ô nhiễm.
Những tác nhân gây nhiễm khác bao gồm E. coli và salmonella, cả hai đều có thể xảy ra trong quá trình sản xuất nếu rau bị bón phân động vật, tưới nước ô nhiễm hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã.
Đại hoàng
Tuy đại hoàng là vị thuốc từng được sử dụng lâu đời ở châu Á, song ăn một lượng lớn lá cây này có thể gây ngộ độc, theo tờ Time Magazine.
Điều quan trọng khi sử dụng đại hoàng là chỉ dùng cuống lá và không được dùng phần lá xanh. Chúng chứa nhiều các chất oxylat, có thể gây co giật và rối loạn hô hấp.
Trung tâm phòng chống bệnh dịch Mỹ cảnh báo không được ăn lá đại hoàng dù là sống hay đã nấu chín.
Rất quen thuộc với các tín đồ sushi, cá ngừ đã trở thành một trong những loại cá được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới. Tuy nhiên, loại cá này không chỉ toàn tiếng tốt.
Năm 2004, FDA Mỹ đã cảnh báo phụ nữ có thai và trẻ em không nên ăn quá nhiều cá ngừ albacore (cá ngừ trắng) do lo ngại lượng thủy ngân cao có thể gây hại cho hệ thần kinh đang phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ.
FDA cũng cảnh báo các tín đồ của món cá sống về nguy cơ bệnh Scombroid, một dạng ngộ độc thực phẩm nhự do độc tố thoát ra từ cá không được đông lạnh đúng cách như cá ngừ, cá thu, cá ngừ xanh và cá nục heo (mahi-mahi).
Sắn (khoai mì)
Nếu không được chế biến đúng cách, sắn (khoai mì) có thể tạo ra chất cyanid – một chất độc chết người.
Không được ăn củ sắn và lá sắn sống vì nó có chứa hai glucosid sinh cyanid là linamarin và lotaustralin. Hai chất này bị phân hủy bởi linamarase, một enzyme tự nhiên có trong cây sắn, tạo ra hydrogen cyanid.
Các triệu chứng ngộ độc cyanide cấp thường xuất hiện sau ≥ 4 giờ sau khi ăn sắn sống hoặc chế biến chưa đạt: chóng mặt, buồn nôn và ngất xỉu. Một số trường hợp có thể tử vong trong vòng 1 hoặc 2 giờ.
Pho mát casu marzu
Casu marzu – hầu như chỉ có ở vùng Sardinia, Italia – có lẽ là loại pho mát nguy hiểm nhất thế giới.
Loại pho mát này được để qua giai đoạn lên men bình thường sang một giai đoạn gần như là hư thối, nhờ hoạt động tiêu hóa của ấu trùng ruồi ăn pho mát Piophila casei.
Những con giòi này được cố ý đưa vào pho mát, làm tăng mức độ lên men và giáng hóa chất béo của pho mát.
Do quá nguy hiểm, nên loại pho mát này đã có thời bị cấm và những người vi phạm phải đối mặt với khoản phạt nặng. Ấu trùng ruồi có thể sống trong cơ thể người và gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như đi ngoài ra máu và nôn.
Nước ngọt có ga
Nước ngọt có ga chỉ đơn giản là thứ không nên có mặt trong chế độ ăn hàng ngày. Theo trang www.thenational.ae, những đồ uống này hoàn toàn không chứa dưỡng chất gì để nuôi cơ thể. Tệ hại hơn nữa, chúng đổ vào người bạn toàn là những hóa chất và đường kiến cơ thể cạn kiệt chất dinh dưỡng.
Một nghiên cứu trên tờ Cancer Epidemiology, Biomarkers and Prevention tuyên bố uống chỉ 2 lon nước ngọt có ga mỗi tuần cũng có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư tụy của một người.
TS Joseph Mercola, một bác sĩ Mỹ và là tác giả sách bán chạy nhất trên tờ New York Times, cho biết mỗi lon nước ngọt có ga chứa "10 thìa cà phê đường” và "30 - 55 mg caffein, phẩm màu nhân tạo và các chất sulphit".
Nước ngọt có ga cũng tạo ra a xít, gây yếu xương và làm cạn kiệt kho dự trữ chất khoáng quan trọng trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa nước ngọt có ga với bệnh béo phì và tiểu đường.
Post by Báo Tiền Phong.