Hãy cùng nhìn lại 10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2015 do báo Tiền Phong bình chọn:
1. Chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN
13 năm sau khi ASEAN đề xuất ý tưởng về cộng đồng chung, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời ngày 31/12/2015 với 3 trụ cột: Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội, hướng tới mục tiêu “Một tầm nhìn - Một bản sắc - Một cộng đồng”. Sau 40 năm phát triển, ASEAN đã trở thành một tổ chức chính trị - kinh tế quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương và là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước lớn và các trung tâm quan trọng trên thế giới.
Với sự hình thành Cộng đồng ASEAN, sự liên kết của 10 nước thành viên về các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân sẽ gắn bó chặt chẽ hơn. Từ góc độ kinh tế, sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN giúp nâng mức độ liên kết kinh tế trong ASEAN lên một tầm cao mới, với 650 triệu người tiêu dùng và tổng GDP đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020, mang lại thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp.
Trên trụ cột An ninh - Chính trị, các nước ASEAN sẽ thống nhất và hành động một cách có trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và ổn định của cả khu vực. Về Văn hóa - Xã hội, lao động có tay nghề sẽ được di chuyển tự do hơn, việc công nhận bằng cấp lẫn nhau, công nhận các tiêu chuẩn về môi trường, bảo vệ quyền lợi của người lao động dần dần sẽ chuẩn hóa trong cả khu vực.
2. Kết thúc đàm phán TPP
Sau hơn 5 năm đàm phán căng thẳng, Việt Nam và 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Úc, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru và Mỹ kết thúc đàm phán hôm 5/10.
TPP được Mỹ coi là tiêu chuẩn vàng, sẽ giúp giải quyết các thách thức của thương mại quốc tế thế kỷ 21, xây dựng các quy tắc thương mại của khu vực trong nhiều thập kỷ tới. TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân. Nhiều ý kiến cho rằng, TPP có tầm quan trọng chiến lược cho các nước trong khu vực, chứ không chỉ mang ý nghĩa thương mại đơn thuần.
3. Trung Quốc xây đảo nhân tạo, làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông
Trung Quốc đẩy mạnh bồi đắp trái phép các bãi đá, xây dựng đảo nhân tạo, cơ sở hạ tầng trên đó. Cộng đồng quốc tế nhiều lần lên tiếng quan ngại về những hoạt động trái phép nhằm quân sự hóa khu vực, tăng nguy cơ xung đột, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, hủy hoại môi trường sinh thái ở biển Đông. Những hành động này cũng khiến Mỹ tăng cường can dự vào khu vực, đánh dấu bằng chuyến tuần tra của tàu quân sự Mỹ tiến sát một đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép.
Năm 2015 cũng đánh dấu bước tiến trong vụ kiện của Philippines chống lại yêu sách “đường lưỡi bò” mập mờ, phi lý của Trung Quốc, khi Tòa án trọng tài quốc tế tuyên bố họ có thẩm quyền thụ lý vụ kiện trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
4. IS gia tăng khủng bố, Nga tham gia không kích
Năm 2015 đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ và đáng sợ của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Chúng thực hiện hàng loạt vụ giết hại dã man các con tin rồi phát tán hình ảnh ghê rợn khắp thế giới; tổ chức các vụ khủng bố đẫm máu khắp 3 châu lục, nổi bật nhất là các vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo, nhà hát Bataclan ở thủ đô Paris của Pháp, vụ đánh bom máy bay chở khách của Nga…
Thế giới lo sợ IS có thể tiếp tục tấn công bất kỳ đâu và đã có nhiều vụ việc cho thấy tổ chức này đang mở rộng hoạt động sang Đông Nam Á.
Đao phủ IS biệt danh Jihadi John từng gây kinh hoàng khắp thế giới với hàng loạt vụ hành quyết man rợ. Ảnh: NYT
Trong bối cảnh đó, việc Nga tham gia chiến dịch không kích IS ở Syria được coi là đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với sự chung tay góp sức của nhiều quốc gia trên thế giới. Những diễn biến liên quan cuộc chiến chống IS trong năm 2015 còn nổi bật với vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga khi máy bay đang tấn công các mục tiêu IS dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây, mâu thuẫn Nga - Thổ Nhĩ Kỳ dâng cao và triển khai hàng loạt biện pháp trả đũa.
5. Khủng hoảng di cư đến châu Âu
Dòng người di cư từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đến châu Âu đã có từ những năm trước, nhưng hiện tượng này tăng đột biến trong năm 2015 và trở thành cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến 2. Cuộc khủng hoảng đó đẩy châu Âu vào tình thế khó xử và bất đồng, đặc biệt sau những vụ việc khiến cả thế giới chấn động như thi thể em bé 3 tuổi Aylan Kurdi người Syria hôm 2/9 dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Em chết đuối trong hành trình di cư mạo hiểm trên biển cùng gia đình.
6. Đạt thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu
Sau thất bại tại hội nghị về biến đổi khí hậu tại Copenhagen năm 2009, tháng 12, gần 200 nước dự Hội nghị Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris thông qua thỏa thuận nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Thỏa thuận Paris được coi là sự hợp tác quốc tế rộng rãi nhất từ trước tới nay và cũng là cơ hội để cứu hành tinh khi đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp. Các nước phát triển cam kết chi tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó biến đổi khí hậu.
7. Thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran
Sau gần 12 năm đàm phán không có kết quả, ngày 14/7, Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) nhất trí một thỏa thuận lịch sử về việc hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế phạt đối với Tehran. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, với thỏa thuận mới, “mọi ngả đường dẫn tới vũ khí hạt nhân đều bị chặn” đối với Iran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhận định, thỏa thuận đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Iran với thế giới.
8. Giá dầu lao dốc không phanh
Năm 2015 chứng kiến giá dầu lao dốc, liên tiếp thiết lập đáy mới (xuống dưới 35 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ 2004). Nhiều quốc gia có thu nhập lớn từ dầu, đặc biệt là Nga, hứng chịu thiệt hại không nhỏ. Năm 2015, chính quyền Mỹ cũng bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu dầu áp dụng 40 năm qua, vượt Ảrập Xêút và Nga để trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
9. Trung Quốc liên tục phá giá nhân dân tệ
Trung Quốc đột ngột giảm 1,9% giá trị đồng nhân dân tệ vào tháng 8/2015, sau đó tiếp tục phá giá nội tệ vào tháng 12, ảnh hưởng thị trường tài chính toàn cầu. Động thái giảm giá mạnh và đột ngột hồi tháng 8 khiến giới đầu tư và các chính phủ lo ngại nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng chậm lại sau nhiều năm phát triển mạnh sẽ gây ra những hậu quả toàn cầu, kéo nền kinh tế thế giới chậm lại theo. Cuối tháng 11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quyết định bổ sung đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế, “chung mâm” với đồng USD, euro, bảng Anh và yen.
10. Hàng loạt thảm họa thiên tai, nhân tai
Hai trận động đất mạnh 7,8 độ richter (ngày 25/4) và 7,3 độ richter (ngày 12/5) làm chấn động Nepal, khiến gần 9.000 người chết và gần 22.000 người bị thương. Hai trận động đất này (lớn nhất 8 thập kỷ qua ở Nepal) làm thay đổi nhiều cấu trúc địa chất tại Nepal, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan. Ở Trung Quốc, vụ nổ kho hóa chất ở thành phố cảng Thiên Tân hôm 12/8 khiến mặt đất rung chuyển trong khu vực có bán kính 160 km, tương đương một trận địa chấn. Sự cố này cùng vụ lở đất ở khu chứa chất thải tại một khu công nghiệp ở thành phố Thâm Quyến hồi tháng 12 dấy lên hồi chuông báo động cho Trung Quốc nói riêng, các nước đang phát triển nói chung về tiêu chuẩn an toàn và môi trường.