Thầy thuốc ở Trường Sa và mệnh lệnh cứu người

Đội ngũ y, bác sĩ đảo An Bang khám chữa bệnh cho quân nhân. Ảnh: tuấn nguyễn
Đội ngũ y, bác sĩ đảo An Bang khám chữa bệnh cho quân nhân. Ảnh: tuấn nguyễn
TP - Họ đã cứu sống hàng trăm ngư dân trên biển, thậm chí cả với những người khi chuyển tới bệnh xá ở Trường Sa đã trong tình trạng hấp hối. Đó là những y, bác sĩ ở Trường Sa.

Cấp cứu hàng trăm ca bệnh nguy nan

Tại tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở huyện đảo Trường Sa đều có đội ngũ y, bác sĩ chăm lo sức khỏe, chữa trị bệnh cho quân dân. Bệnh xá Trường Sa thuộc thị trấn Trường Sa (Khánh Hòa) là trung tâm điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo phía nam quần đảo Trường Sa. 

Mấy năm gần đây, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở bệnh xá được đầu tư đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Phòng phẫu thuật của bệnh xá đã được đầu tư máy siêu âm, máy chụp X-Quang, máy điện tim cùng nhiều máy móc hiện đại khác.

Theo đại úy, bác sĩ Lê Minh Phong, Trưởng Bệnh xá Trường Sa, thiết bị y tế ở đây không thể so sánh với những bệnh viện lớn trong đất liền nhưng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho quân, dân trên đảo và ngư dân.

Năm 2013, không tính các ca tiểu phẫu, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh xá Trường Sa đã thực hiện được gần 20 ca trung phẫu, giải phẫu. Trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như viêm ruột thừa, thủng dạ dày, bệnh phổi, chấn thương nặng…Với những ca khó, bác sĩ có thể hội chẩn trực tuyến với bác sĩ hàng đầu tại Bệnh viện Quân y lớn nhất nước như: 175, 108, 103.

Theo bác sĩ Phong, hiện nay, hầu hết các đảo nổi đều có bác sĩ, trong đó bệnh xá lớn tập trung tại đảo Trường Sa Lớn, Song Tử và Nam Yết. Các đảo chìm cũng được bố trí y, bác sĩ giỏi đến từ bệnh viện quân y thuộc các quân khu đảm nhiệm khám chữa bệnh cho bệnh nhân bất cứ thời điểm nào.

“Người dân Trường Sa coi các y, bác sĩ như những người thân trong gia đình, có món gì ngon cũng đem mời bác sĩ. Có gia đình câu được cá ngon, không ăn mà dành tặng cho bác sĩ, nhìn mấy cảnh đó xúc động lắm”. Ông Đỗ Huy Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa (Khánh Hòa)

Thiếu úy, bác sĩ Trương Xuân Hoàn, Trưởng bệnh xá đảo An Bang cho biết, trong năm 2013, đội ngũ y, bác sĩ ở đây tiếp nhận, chữa trị hơn 350 ca, trong đó hơn 120 ca là ngư dân. Có 4 ca bệnh nặng như rối loạn tiền đình cấp, giảm áp, đau quặn thận, trong đó 1 ca nặng nhất nghi bị thủng tạng phải chuyển về Bệnh xá Trường Sa có máy móc hiện đại chữa trị. Ca cấp cứu thành công cho bệnh nhân Lê Văn Long (41 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An) bị gãy hai xương sườn số 7, 8 được mọi người cảm kích.

 “Từ năm 2011 đến 2013, mặc dù trang thiết bị, máy móc chưa đầy đủ, hiện đại như các đảo lớn nhưng bệnh xá Trường Sa Đông đã cấp cứu thành công cho nhiều trường hợp ngư dân gặp nạn trong quá trình đánh bắt cá như bị giảm áp, gãy xương đòn, đau ruột thừa. Điển hình là cấp cứu, chữa trị thành công cho hai ngư dân bị đau ruột thừa tới tiếng thứ 48 (năm 2011), tiếng thứ 36 (năm 2012). Ngoài ra, một ngư dân bị gãy xương đòn trong quá trình đánh bắt cá ở vùng biển Malaysia, sau 22h mới chạy về tới đảo đã được các bác sĩ sơ cứu, sau đó chuyển về đất liền điều trị tiếp”, thiếu tá Lê Văn Hà, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa Đông cho biết.

Không nhận phong bì

Công tác tại nơi đảo xa trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ như đất liền nhưng các y, bác sĩ nơi đảo xa luôn đầy ắp tình người. Nhiều bác sĩ trẻ vừa mới ra trường nhận nhiệm vụ tại các bệnh xá ngoài đảo thời gian đầu chưa quen với điều kiện sóng gió, sinh hoạt không khỏi bỡ ngỡ, nhớ nhà. Hiểu được điều đó, các cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là người dân luôn coi họ như người thân trong gia đình. Tình cảm của các quân y với dân như cá với nước.

Trường hợp cấp cứu thành công ông Bùi Tuấn Việt quê ở xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), bị nhiễm trùng uốn ván được đánh giá là thành quả lớn của bệnh xá Trường Sa. Đây là căn bệnh gây tử vong cao. Khi đến trạm xá, bệnh nhân co giật. Dù trang thiết bị, thuốc men chưa đầy đủ nhưng sau hơn 1 tuần cấp cứu, các bác sĩ đã cứu sống bệnh nhân Việt, chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị. Gần 1 tháng sau đó, ông Việt được xuất viện. Nhiều cán bộ ở Trường Sa bình chọn đây là sự kiện nổi bật nhất của bệnh xá năm 2013.

Theo bác sĩ Phong, Trưởng Bệnh xá Trường Sa, tất cả bệnh nhân đến đây đều được đối xử như nhau. Tất cả chi phí khám, chữa bệnh đều miễn phí, vì thế không thể và không có chuyện bác sĩ nhận phong bì. “Một năm đến với đảo làm nhiệm vụ đã rèn luyện cho mình bản lĩnh, sự công tâm và cái nhìn sâu sắc hơn về nghề y. Đặc biệt là sống tình cảm hơn”, bác sĩ Phong xúc động nói.

Chuyện gặp nạn trên biển khi đi công tác, lao động là điều khó lường trước, đặc biệt là mùa giông bão, bởi vậy các y, bác sĩ trên đảo luôn trong tâm thế sẵn sàng. Có những ca cấp cứu phải thực hiện lúc 1, 2 giờ sáng. Chữa được một ca bệnh nguy hiểm, cứu được một mạng người, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ là điều đáng nể đối với các y, bác sĩ nơi đảo xa. Ban đầu ra đi vì trách nhiệm, còn phảng phất những nỗi buồn nhớ nhà, nhớ quê hương, nhưng lâu ngày cuốn vào công việc, tình cảm với đảo xa càng nảy nở, khi đến kỳ hạn trở về đất liền họ lại thấy bâng khuâng, lưu luyến. 

MỚI - NÓNG