Nhân dân Cần Giuộc thờ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: T.N.A. |
Tông Thạnh hay Tôn Thạnh?
Sư tổ Viên Ngộ thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 39, pháp húy gọi là Viên Ngộ, nhân dân thường gọi là ông Tăng Ngộ. Tên thực Nguyễn Ngọc Dót. Sư Viên Ngộ đã xây chùa Tôn Thạnh.
Tôi đến thăm chùa Tôn Thạnh vào một ngày mùa hè, đường sá khô ráo, cây cỏ xanh tốt. Chùa thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, ngay bên con đường nhựa khang trang.
Tên ngôi chùa vẫn còn chịu nhiều lầm lẫn. Sách Ngữ Văn lớp 11 hiện nay chép văn bản “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” cho học sinh là: “Chùa Tông Thạnh năm canh ưng đóng lạnh”.
Các sư cho biết: “Ban đầu sư tổ Viên Ngộ đặt tên chùa là chùa Lan Nhã. Dân ta gọi nôm na là chùa Ông Ngộ. Sau chùa đổi tên thành chùa Tông Thạnh, nhưng từ năm 1841, vì kỵ húy tên vua Thiệu Trị là Miên Tông nên chùa đã đổi tên là Tôn Thạnh rồi”.
Chúng tôi ghé thăm nhà thơ Châu Anh Phụng, đã nhiều năm nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu. Bà hiện ở cách chùa không xa: “Văn bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc bằng chữ Hán Nôm sưu tầm được tại địa phương ghi rõ là Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh”.
Hàng trăm năm đã trôi qua, nhưng các anh linh của người nghĩa sĩ yêu nước vẫn được thờ tại chùa Tôn Thạnh. Bên hiên chùa đặt một tấm bài vị bằng đá trên chiếc bàn đơn sơ. Bài vị có ghi dòng chữ: “Cung thỉnh nghĩa sĩ Cần Giuộc chư vị”.
Nhà sư giải thích: “Theo phong tục truyền thống, vong linh những người chiến sĩ cũng như đồng bào tử nạn và thập loại cô hồn được thờ ở ngoài trời chứ không thờ trong điện, trong nhà”.
Nguyễn Đình Chiểu đã viết văn tế như thế nào?
Người ta thường gọi nhà thơ là “cụ đồ Chiểu”, nhưng thật ra ông sinh năm 1822 và sáng tác bài văn tế lịch sử vào năm 1861, khi mới 39 tuổi. Ông lấy vợ năm 1854 bấy giờ đã được 7 năm, vợ ông sinh năm 1835 lúc ấy 26 tuổi.
“Câu chuyện nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ chạy giặc, đem theo vợ con, nhưng sách chép là sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong chùa, vậy sự tình như thế nào?” - tôi đem băn khoăn hỏi các vị sư và người hiểu biết ở địa phương.
Bia tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại chùa Tôn Thạnh. |
Bà Châu Anh Phụng nói: “Nơi đây là quê vợ của Nguyễn Đình Chiểu. Tôi đã điền dã và biết được khi Nguyễn Đình Chiểu cùng vợ về thì nhà thơ vào trong chùa Tôn Thạnh sống, tiện việc gặp gỡ các lãnh tụ của nghĩa binh, bàn chuyện chống giặc. Chùa là nơi nhiều người lui tới, giặc không nghi ngờ. Vợ ông thì ở ngôi nhà nhỏ cạnh chùa, chăm sóc con cái”.
Đại đức Thích Tắc Nhàn, phó trụ trì chùa Tôn Thạnh kể: “Các sư đời trước truyền lại là Nguyễn Đình Chiểu về ở trong chùa viết sách, bốc thuốc cứu dân không lấy tiền, bàn bạc việc cứu nước với các nghĩa quân”.
“Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ở trong chùa ba năm, từ năm 1859 đến năm 1861. Khi về chùa, ông nhuận sắc nhiều tác phẩm của mình và cho đóng thành cuốn - Đại đức Thích Tắc Nhàn nói - Đêm 16- 12- 1861, nghĩa quân khởi sự từ đây đi đánh đồn Pháp. Trận đánh thu nhiều thắng lợi nhưng một số quân ta đã hy sinh. Nguyễn Đình Chiểu cảm kích mà làm bài văn tế ấy”.
Sau đó, tránh sự khủng bố của giặc, ông đã rời chùa về huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre tiếp tục viết các tác phẩm khác.
Bà Châu Anh Phụng nói: “Khi vào chùa, nhà thơ đã mù nên có những người giúp việc ghi lại các sáng tác của cụ, giúp cụ trong chuyện cấp thuốc chữa bệnh cứu dân. Thật may mắn làm sao tôi đã tìm được nhà của người thư ký ấy. Dĩ nhiên ông ta cũng đã qua đời từ lâu rồi. Nhưng chính tại gia đình này tôi tìm thấy bản chép tay Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc vô cùng quý giá”.
Bài văn tế bị bỏ sót một câu
Nhiều tài liệu ghi bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc gồm 30 câu văn bền ngẫu. Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11, in tháng 7-2012, dẫn tài liệu theo sách Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Nxb Văn học Giải phóng, TPHCM, 1976, cũng cung cấp cho học sinh bài văn tế có 30 câu.
Tiếp tôi trong một tịnh xá hoang tàn, nhà thơ Châu Anh Phụng nói: “Theo văn bản Hán Nôm mà chúng tôi sưu tầm và lưu trữ được, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc không phải 30 câu mà 31 câu”.
Bản văn cổ bằng chữ Hán Nôm, bà cho biết “hiện tôi đang gửi ngân hàng bảo quản, chờ dịp thuận lợi sẽ trao tặng cho nhà nước”. Bà cung cấp cho chúng tôi văn bản Hán Nôm đã được bà cho in ấn và dịch với đầy đủ 31 câu.
Câu văn bị bỏ sót là câu thứ 28 của tác phẩm, ngay sau đoạn: Cha ông ta còn ở Đồng Nai, ai cứu một phường con đỏ. Câu thứ 28 nguyên văn như sau:
Sông Cần Giuộc cỏ cây nhuốm lệ, thương là thương kẻ tử vô cô
Chợ Trường Bình phố xá bỏ hoang, giận là giận người sanh bất võ
Chợ Trường Bình là chợ địa phương, gần chùa Tôn Thạnh. Sự lặp lại khung cảnh đau xót của người dân địa phương trước sự mất mát hy sinh, chắc hẳn đã có dụng ý sâu xa của tác giả bài văn tế.
Đi tìm nghĩa sĩ
Xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An hiện nay hình thành dựa trên hai thôn cổ là thôn Mỹ Lộc và thôn Thanh Ba. Hai thôn liền kề nhau.
Theo tài liệu của đình Tích Đức bên sông Cần Giuộc, dân cư vùng này gồm 15 dòng họ: Trương, Đặng, Đỗ, Nguyễn, Tô, Rạch, Hà, Huỳnh, Công, Phan, Châu, Ngô, Lê, Phạm, Dương.
Những bậc tiền hiền đều là quan quân của chúa Nguyễn cử vào khai phá đất Cần Giuộc. Đa số các dòng họ đến từ các tỉnh miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Định, từ cuối thế kỷ 17.
Bàn thờ các nghĩa sĩ Cần Giuộc ở chùa Tôn Thạnh. |
Tháng 12- 1859 Pháp đem tàu tiến vào đánh thành Gia Định. Hộ đốc thành Gia Định là Võ Duy Ninh kháng cự không nổi, lui quân về Cần Giuộc và ông đã tự tử tại đây.
Nguyễn Đình Chiểu cũng rời Gia Định về quê vợ ở Mỹ Lộc, Cần Giuộc, cùng quan quân tổ chức chiến đấu. Trương Định đứng lên lãnh đạo nghĩa quân, phong ông Bùi Quang Diệu làm đốc binh, thường chọn chùa Tôn Thạnh làm nơi chỉ huy. Giặc Pháp huy động quân đến Cần Giuộc để tiêu diệt quân ta. Trên chúng đóng đồn, dưới sông có tàu chiến.
Vợ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là Lê Thị Điền, nghĩ ra cách đổ trái mù u ra đường, để khi kỵ binh giặc lao tới thì trượt ngã, quân ta xông ra tiêu diệt.
Ngày 16 -12-1861, Bùi Quang Diệu dẫn quân tấn công đồn Cần Giuộc, đốt cháy nhà dạy đạo, đâm bị thương giám đốc dân sự người Pháp là Dumont (theo bà Châu Anh Phụng thì sau đó viên quan này cũng tử vong), tiêu diệt một số lính Mã Tà, Ma ní.
Nghĩa quân cũng thiệt hại. Theo Huỳnh Tịnh Của (Quốc Âm Thi Tập) thì tổn thất 25 người. Theo tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, nghĩa quân hy sinh 27 người. Sách giáo khoa Ngữ Văn 11 chẳng biết lấy nguồn tư liệu nào, đưa ra con số thấp hơn “Nghĩa quân hy sinh khoảng 20 người”. Tên tuổi các liệt sĩ là ai, các tài liệu đều không ghi rõ.
Sách “Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng của Đảng bộ - Nhân dân xã Mỹ Lộc” in năm 2005 ghi rằng trong số nghĩa quân tử trận “có nhiều người quê ở xã Mỹ Lộc ngày nay. Cho đến bây giờ con cháu của họ vẫn giữ lệ giỗ chung vào rằm tháng 11 hằng năm”. Tài liệu cũng không nói tên các liệt sĩ.
Tôi tìm đến đình Mỹ Lộc và được gặp các vị cao niên ở đây. Các cụ cho biết trong đình hiện thờ Nguyễn Đình Chiểu như một vị thần. Tuy nhiên, ông Út làm thủ từ và các cụ đều nói: “Danh sách các liệt sĩ nghĩa binh Cần Giuộc, vì thời gian trôi qua quá lâu, không ai nhớ được nữa”.
“Đình làng có từ thời vua Gia Long, nhưng mấy lần bị giặc phá, sắc phong bị đốt hết. Đến tên của vị Thành Hoàng làng thờ trong đình này, giờ chúng tôi còn không biết, nói gì tên các nghĩa quân” – ông Út ngậm ngùi. Ngoại trừ Nguyễn Đình Chiểu, các vị thần được thờ trong đình Mỹ Lộc đều khuyết danh cả.
Cụ Thơm, từng tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định nói: “Thi hài các nghĩa quân lúc ấy được mai táng trọng thể và chôn cất trong nghĩa trang. Sau khi giặc chiếm được nước ta, chúng đã đào nghĩa trang, lấy đất đắp đồn, xương cốt nghĩa quân ngổn ngang hết cả. Nơi ấy, còn lại một cái ao sâu hàng trăm năm không ai dám xâm phạm”.
Tôi muốn tới thăm cái ao lịch sử ấy, thì nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng nói: “Ao đã bị người ta lấp mất để xây nhà rồi, còn đâu mà tới”.
Bà nói: “Dân chúng rất thắc mắc. Các vị ở huyện bảo với tôi, đô thị đã phát triển rồi, phải quy hoạch cho khang trang hơn chứ. Chúng tôi đang triển khai xây dựng khu tưởng niệm nghĩa sĩ Cần Giuộc với tổng diện tích xây dựng khoảng 1.800m2, năm 2013 sẽ khánh thành, cô Phụng cứ yên tâm”(!)
8 - 2012