Nguyên Phó Thủ tướng và đàn vịt giời

TP - 12 năm về hưu, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn vẻ hối hả chi dùng quỹ thời gian eo hẹp cuối đời cứ như là cái cách để nối dài những dự định dang dở, như dịu bớt đi những day dứt dằn vặt cùng là nuối tiếc…
Nguyên Phó Thủ tướng và đàn vịt giời ảnh 1

Nguyên PTT Nguyễn Công Tạn trước hang Tám Cô. Ảnh: Xuân Ba

Ông như một chất liệu xoắn bện tưởng dễ mà khó gỡ để cấu thành nên những trường đoạn của phim của những cuốn sách tày tặn nếu ai có ý định viết lách gì đó? Thời điểm những năm xa với chức danh Bộ trưởng Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Phó Thủ tướng… tôi cũng có dịp can dự vài ba sự kiện lẫn công việc của ông nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là những năm cuối đời.

…Một doanh nhân ới trong điện thoại rằng có làm một chuyến xuyên Việt không? Thường cái việc viết thường đi là lãi nên gật liền. Bữa bước lên xe, ngạc nhiên khi được biết, xe chúng tôi đang nối theo xe của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.

Đường Hồ Chí Minh năm đó (2008) còn khá tốt vù vù xe tốc độ tám chục cây số giờ. Đến chỗ nghỉ giải lao, ông hối tôi lên ngồi cùng ông. Xe chạy một chặp, ông tụt giầy, co một chân lên. Rồi chặp nữa, ông co nốt cái chân còn lại. Ngồi trên xe mà kiểu như chíp bằng. Với ai đó có kiểu ngồi thế, cứ nghĩ là gượng lẫn khó chịu. Nhưng với ông, ngó nó hợp và thoải mái làm sao. Kiểu ngồi ấy thi thoảng tôi vẫn bắt gặp ông mỗi khi họp hành, lúc vai chủ nhà, khi khách. Các cuộc họp trọng (kể cả họp chính phủ, QH) lẫn thường, hiếm khi chíp bằng nhưng luôn có động thái co chân lên như thế?

Những giờ xe với vài ngày đàng kế tiếp mà tôi tình cờ biết được hàng sàng chuyện của ông Tạn. Đại để từ khi nghỉ hưu (năm 2002) ông vẫn liên miên những chuyến đi gần, đi xa… Hình như chế độ hưu rất kiệm và hạn chế việc xuôi Nam ngược Bắc nhưng với ông, cánh bạn bè đệ tử thân quen từ hồi ông đương chức lúc nào cũng sãn sàng nối dài cho những chuyến đi? Chả hạn như cái ông doanh nhân tôi được đi ké này.
…Với vẻ cẩn trọng hiếm thấy, ông Tạn mở cái cặp lấy ra một chùm quả màu xanh vàng thứ cây xóa đói giảm nghèo đây.

Lúc đầu tôi không nhận ra thứ quả gì? Nhưng khi ông đưa ra chùm lá thì hao hao một thứ cây mình từng gặp ở đâu? Từng nghe lắm chuyện thực như giai thoại, không biết bao lần ông Tạn đi công cán nước ngoài, do là khách VIP, hoặc tiêu chuẩn ưu tiên, ông Tạn đã mang về được trong nước nhiều cây, con lạ? Nhưng thứ quả mà ông Tạn đương trưng đang nói về nó một cách say mê kia là thứ cây cọc rào du nhập vào xứ mình nhiều năm nay. Dân vẫn trồng làm hàng rào nên có tên ấy. Cọc rào còn có cái tên tây là Jatropha mà như ông Tạn nói là cái cây kỳ diệu! Kỳ diệu bởi mỗi héc-ta cây cọc rào (mật độ 2.500-3.000 cây/ha; loại 5 tuổi) thu được mỗi năm khoảng 10 tấn hạt, ép ra được từ 3 đến 4 tấn dầu sinh học. Loại cây này trồng 1 lần, thu hoạch đến 30-40 năm, 

Cây cọc rào không phải đầu tư lớn, không đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao siêu, trồng được và phát triển tốt trong điều kiện đất xấu, đất dốc nhân rộng trong nông thôn, miền núi vùng sâu vùng xa. Cọc rào như món nợ mà ba đời Bộ trưởng Nông nghiệp nước ra chưa tìm ra câu trả lời “thì nay đã có đáp án”!

Trong câu chuyện, tôi cũng được biết thêm, chuyến đi này ông Tạn mong muốn tìm hiểu sâu và kỹ việc phát triển cây cọc rào ở phía Nam.
Vui vẻ sẵn lòng nhập vào những cuộc đi liên miên, nhưng điều tối quan trọng là phải có sức? Riêng khoản này thì là ông hơn đứt hàng thượng thư đã nghỉ hưu. Năm đó mà ông lão tuổi 75 trên xe chuyện nối chuyện cứ ran ran… Gần 12 giờ trưa, chả thấy trong câu chuyện có triệu chứng nghỉ ngơi cơm nước? Khoảng lâu sau ông mới tạm ngắt mạch chuyện bảo rằng, cố tí nữa cho lợi đường bởi đã hẹn với anh em rồi!

Vốn háu đói lại dễ tụt huyết áp, nhưng tôi cố nén vì tò mò muốn coi xem cái ông lão này, cũng xuất sáng như mình, trên xe lại cũng chả thấy nhấm nháp thuốc thang gì, chịu trận ra sao? Nhưng không hy vọng thấy triệu chứng gì vì ông, hình như càng đói, nói hăng thì phải?
Chỗ hẹn là một lâm trường tít tận đầu đất Kon Tum. Hóa ra lâm trường ấy theo gợi ý hay kế hoạch gì đó của ông, người ta trồng mấy héc ta cây cọc rào. Hơn hai giờ chiều, chưa chịu ngồi vào bàn bữa trưa mà vuột thẳng ra vườn cọc rào ngó nghiêng, trong cơn tụt huyết áp cứ phảng phất cảm giác, ông lão này hình như hơi… có vấn đề? Khi vào bữa lại say mê cật vấn đám lãnh đạo tại sao cọc rào xứ này, chăm sóc ra làm sao mà còi cọc lâu cho ra trái? Rồi ông dẫn ra đối chứng với một lâm trường trong Bình Phước, cũng thổ nhưỡng chất đất khí hậu không khác mấy cùng thời gian trồng lại phát trái nhanh? Bộ Nông nghiệp và PTNT dự kiến sẽ điều chỉnh mục tiêu của Đề án cây cọc rào, đồng thời đề nghị các địa phương chỉ cho phép triển khai mở rộng gây trồng khi có các kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm thành công.

… Đến một cơ sở vùng ven Sài Gòn có thu mua chế biến quả cây cọc rào. Kết quả cũng mới chỉ là thử nghiệm thôi nhưng tôi thấy một Nguyễn Công Tạn lạ hoắc! Với dáng hăm hở, nét mặt như bừng sáng, ông cứ săm soi mãi cái can nhựa đựng thứ tinh dầu được chưng cất từ quả cọc rào màu vàng sánh (Cuộc lưu lại say mê ấy khiến ông suýt nhỡ kế hoạch viếng ông Sáu Dân được tổ chức trọng thể ở Hội trường Thống Nhất). Ông đổ ra lòng tay đưa lên mũi hít hà thơm, thơm lắm cùng chất giọng hào sảng đại ý, nguồn nhiên liệu sinh học này sẽ là cứu cánh cho xứ mình mai kia thay thế nhiên liệu hóa thạch!

Sau chuyến đi ấy, tôi cũng được theo ông lên Tây Bắc và đến trại giam Thanh Lâm ở Thanh Hóa với mục đích phát triển cây cọc rào.

Những chuyến đi ấy hình như góp thêm sự mạnh dạn để một văn bản của chính phủ ra đời ngày 26/8/2010 về tình hình phát triển cây cọc rào- Jatropha ở Việt Nam?

Nguyên Phó Thủ tướng và đàn vịt giời ảnh 2

Với cây cọc rào – Jatropha

Ân hận cũng chưa có dịp hầu chuyện ông để biết thêm, duyên do gì mà nhiều năm qua, người ta không nhắc gì đến tình hình cây cọc rào?
Ngậm ngùi thêm cái nỗi, ông doanh nhân cho tôi đi ké lần ấy, do làm ăn bết bát đã phải vướng vòng lao lý! Và bây giờ ông Tạn đã là người thiên cổ… 

Hơn một năm trước, tôi lại bắt gặp ánh mắt bừng sáng ấy của ông Tạn khi tới một trang trại ở Hoài Đức (Hà Nội) cùng ông chứng kiến đàn ngỗng trời và vịt trời hàng trăm con mà ông đã bỏ công sức nuôi nấng cùng thuần dưỡng.

Chuyện thì vui nhưng khó cười. Lần ấy ông Tạn về quê Thái Bình được đãi món vịt giời.

Vị đậm ngọt săn chắc của thứ thiên cầm khác lạ một trời một vực với giống gia cầm đã khơi dậy trong ông một ý tưởng … không giống ai!
Đó là việc thuần dưỡng, bắt cái giống bay bổng trên giời lạch bạch dưới đất sinh lợi cho nhân quần. Nhân lên giống thịt ngon hiếm quý này thành đại trà. Bảo tồn thứ gien quý này theo kiểu tự nhiên.
Việc mua vịt giời thì trong truyện dân gian đã có. Nhưng kinh nghiệm nuôi ngỗng, vịt giời thì chưa có sách nào đề cập đến.

Ông Tạn phải dò tìm trên mạng. Tầm nã thu nạp kiến thức của người già, bạn hữu, học trò.

Ông Tạn từng phải dong xe đi khắp Bắc Trung Nam cho cái việc mà nhiều người cho là lạ lùng này.

Tôi để ý khu nuôi ngỗng và vịt riêng. Nhưng cũng trà trộn những con vịt giời cổ, đuôi xanh biếc với sắc xám mỏ vàng của các chàng, nàng ngỗng.

Mà lạ. Cái đám giống trời cho ấy, chúng không ầm ĩ, kiệm lời so với vịt ngỗng nhà?

Chuyện cho hai giống giời cho ấy, đẻ lẫn ấp nở, kể ra là cả một công trình khoa học.

Ông Tạn say sưa chỉ tay vào đám thiên cầm rằng, vịt trời dù là dòng nào cũng na ná cái ngoại hình, lông xanh ở cổ, đuôi. Nhưng mỗi dòng ở các vùng thì lại có đặc điểm nhận dạng khác nhau. Dòng vịt trời ở hồ Cấm Sơn (Bắc Giang) rất giống dòng vịt trời bắt được ở Thái Bình; còn dòng Nam Định, dòng Huế, dòng Đắk Lắk lại khác biệt thấy rõ ở màu mỏ và màu chân. 

Nguyễn Công Tạn, như đương thoáng đâu đây cái thuở sinh thời, những sải bước khoát hoạt cùng ánh mắt bừng sáng như khuyến khích ngày nào?

Phải, có chi đó như lãng mạn? Những dự định dự tính ích nước lợi dân của vị nguyên Phó Thủ tướng này hẳn sẽ được tiếp tục, không cách này thì kiểu khác? Thứ cây cọc rào với tính năng vượt trội ưu việt của nguồn năng lượng sinh học sẽ trồng mới, trồng thêm và chế biến đại trà quy mô. Cũng như cái giống ngỗng, vịt giời vốn bay bổng và huyền ảo mai kia sẽ hiện diện sinh động trong đời sống dân cư Việt?

Đêm 6/11/2014

Vịt ngỗng trời dẫu hiếm, đắt nhưng vẫn mua được, vấn đề là nuôi dưỡng ra sao? Ông mất ăn mất ngủ bởi cái thú kiêm thứ cực hình này. Ba bữa đều đặn, ông tự tay xúc cám, trộn rau. Nhưng nhiều ngày cái giống trên trời này không thèm ngó ngàng chi đến việc ăn uống của trần thế? Dứt khoát đói phải ăn. Mà thực thế… Trang trại ông Tạn nuôi nhờ càng nhiều thêm ngỗng, vịt giời.

MỚI - NÓNG