Người lao động bị ép nhận lương thấp

TP - Tiền lương của người lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực ASEAN, một phần do năng suất lao động thấp. Tuy nhiên, không ít người lao động bị ép buộc nhận lương thấp vì hạn chế khả năng thỏa thuận với chủ doanh nghiệp.
Người lao động bị ép nhận lương thấp ảnh 1

Công nhân đồ gỗ xuất khẩu sản xuất. Ảnh: Ngọc Châu

Ngày 25/11, tại Hội thảo Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Việt Nam đang đổi mới, cải cách chính sách tiền lương để phù hợp với kinh tế thị trường, hội nhập khu vực và toàn cầu. 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, nước ta đã trải qua 4 giai đoạn đổi mới chính sách tiền lương, nhưng còn nhiều khó khăn. Đến quý 2/2014, cả nước có 53,7 triệu người nhưng chỉ 48% qua đào tạo; năng suất lao động thấp hơn đa số các nước trong ASEAN. Hiện cả nước có khoảng 400.000 doanh nghiệp (DN), tạo việc làm cho hơn 10 triệu người, nhưng 95% số DN có quy mô nhỏ và vừa. Phần lớn DN gia công hàng hóa, năng suất lao động thấp, giá trị gia tăng thấp. “Do năng lực thương lượng, thỏa thuận tiền lương của người lao động (NLĐ) hạn chế, nên họ có xu hướng bị chủ DN ép buộc nhận lương thấp”, ông Huân nói.

Bà Nicola Connolly, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Euro Cham) cho biết, 65% NLĐ Việt Nam rơi vào bẫy kỹ năng (thiếu kỹ năng thực tế), nên năng suất lao động thấp. Do đó, Chủ tịch Euro Cham đề xuất, Việt Nam cần nâng cao chương trình giáo dục, đưa việc rèn kỹ năng thực tế, sử dụng máy móc vào nhà trường…

Chỉ trả bằng lương tối thiểu

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, lương tối thiểu chỉ đảm bảo mức sống thấp nhất cho NLĐ. Tuy nhiên, nhiều DN cố tình dùng bậc lương tối thiểu làm mức chuẩn trả cho NLĐ. Để khắc phục được vấn đề này, theo ông Huân, cần dựa vào tổ chức Công đoàn với các thỏa ước lao động tập thể giữa NLĐ và chủ DN.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng, việc thực hiện các thỏa ước lao động tập thể ở DN còn ít, chất lượng thấp, chủ yếu sao chép quy định pháp luật, ít đề cập đến tiền lương. “Chúng tôi thử khảo sát thỏa ước lao động tập thể ở 10 DN gỗ tại Bình Dương, kết quả trong thỏa ước tại 6 DN có tới 10 nội dung trái pháp luật”, ông Quảng nói. 

Theo điều tra của Tổ chức Lao động quốc tế, năm 2013, mức lương trung bình của NLĐ Việt Nam dao động từ 2,63 - 7,23 triệu đồng/tháng (tùy ngành nghề). Lương thấp nhất là lao động trong khu vực nông lâm thủy sản (2,63 triệu đồng/tháng); tiếp đến là lao động làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh doanh bất động sản (6,5 triệu đồng/tháng); nhóm lương cao nhất thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm (7,23 triệu đồng/tháng).

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 5 về tiền lương, chỉ cao hơn Indonesia, Campuchia và Lào. Đứng đầu khu vực là người lao động Singapore, với thu nhập 3.547 USD/tháng, tiếp đến là Malaysia, Thái Lan, Philippines.

MỚI - NÓNG