Làm gì với loa phường? - Kỳ 2:

Loa phường - không thể thay thế?

Loa phường góp phần tạo nên gương mặt đô thị còn nhếch nhác của thủ đô. Ảnh: Như Ý
Loa phường góp phần tạo nên gương mặt đô thị còn nhếch nhác của thủ đô. Ảnh: Như Ý
TP - Loa phường không phải tự dưng sinh ra và vì thế cũng không thể tự mất đi. Nó từng là một loại hình thông tin không thể thiếu trong đời sống của người dân đô thị. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia, ngày nay bộ mặt đô thị và nhu cầu của người dân đã thay đổi nhiều, loa phường không còn thể hiện được vai trò tích cực như trước.

Nhìn thẳng vào hiệu năng loa phường

Hình dạng loa phường quá quen thuộc với người dân Hà Nội. Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền mô tả: “Đó đều là những dàn loa sắt rất lớn. Người ở gần thì điếc tai không nghe thấy gì vì âm thanh bị vỡ. Chưa kể đấy là loa định hướng. Nó loe ra hướng nào thì người phía đấy nghe rõ. Còn người phía đằng sau chỉ nghe thấy tiếng vỡ òa òa”.

Thực tế không ít người dân “may mắn” bị loa phường chĩa vào nhà đã lấy sào để đẩy loa hướng về phía khác, những mong ít nhiều tránh được cường độ âm thanh dội trực tiếp vào tai. “Về âm thanh học, có thể khẳng định việc mong muốn bày một hệ thống loa công cộng để tất cả cư dân trong địa bàn phường đều nghe được thông tin là điều không tưởng. Khi đã không nghe thấy nội dung, nó chỉ còn là tiếng ồn gây khó chịu,” anh Hiền khẳng định.

Quy hoạch và mật độ dân số đô thị ngày nay khác xưa rất nhiều. Không thể đòi hỏi những chiếc loa định âm thô sơ phát huy hết công suất trong những ngõ phố hun hút. Khi âm thanh phát ra lập tức bị những khối nhà bao quanh nuốt hết. Nhưng những gia đình sống gần loa lại lĩnh đủ cường độ âm thanh. “Những người hệ thần kinh yếu sống gần loa phường thì chắc chắn tiếng loa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ,” anh Hiền nói.

“Theo tôi công năng của loa phường trong thời hiện đại đã giảm đi và lỗi thời rất nhiều. Đến bây giờ mới đặt ra vấn đề loại loa phường đã là quá muộn. Lẽ ra phải 5-10 năm trước”.     

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền- chủ nhiệm bộ môn PR- Quảng cáo, khoa Báo chí Truyền thông ĐH KHXH&NV Hà Nội hiện nay công cụ thông tin truyền thông rất đa dạng, càng ngày tính năng cá nhân hóa người dùng càng cao. “Bản thân lớp công chúng đô thị cũng đã thay đổi. Những người yêu loa phường đã qua đời hoặc nhu cầu nghe cũng đã thay đổi. Còn lớp công chúng trẻ chắc chắn nhu cầu nghe khác hẳn với lớp cha chú. Theo tôi công năng của loa phường trong thời hiện đại đã giảm đi và lỗi thời rất nhiều. Đến bây giờ mới đặt ra vấn đề loại loa phường đã là quá muộn. Lẽ ra phải 5-10 năm trước.”

Việc xóa bỏ hệ thống loa phường tất ảnh hưởng tới thu nhập một bộ phận những người vẫn phụ trách việc phát thanh của các phường. “Bù lại là lợi ích xã hội và ngân sách Nhà nước sẽ được tiết kiệm hơn”, chị Huyền khẳng định. “Kể cả nhóm người xây dựng duy trì loa phường được sống trong môi trường văn minh hơn cũng được hưởng lợi. Hiện nay, đài báo, các kênh mạng xã hội qua đa dạng, năng động, rẻ, đi vào lòng người. Chính quyền tận dụng được những kênh đó thì văn minh hơn nhiều.”

Những biến thể của loa phường

Hiện nay một số nơi ở Hà Nội xuất hiện những người đi xe máy hoặc xe đạp gắn một bộ tăng âm và loa phát thanh. Nội dung thông báo thường là giờ cắt điện trong khu vực. Chị Huyền đánh giá đó chính là âm thanh kiểu rao bán báo với 5-10 câu lặp đi lặp lại mãi: “Những người bán báo có loa bị cấm nhiều năm rồi. Giờ lại thêm kiểu thông tin này, kiểu bán báo qua loa lại trỗi dậy thì sao?!”.

Thực tế mỗi tổ dân phố đều có người có trách nhiệm đi thông báo cho từng nhà thông tin về những sự kiện quan trọng. Ở những khu chung cư mới, cư dân chỉ việc lập một hệ thống thư điện tử chung để cập nhật thông tin qua máy tính, điện thoại. Vì thế nếu loa phường có biến mất, e rằng đời sống thông tin đô thị không ảnh hưởng gì nhiều.

Ở nông thôn, hệ thống loa công cộng còn được vận dụng vào việc hiếu hỉ. Nhà nào có cưới xin tang ma chỉ việc nhờ xã thông báo trên loa. “Nó là một thứ văn hóa làng, chuyện nhà nào cũng loa hết cả lên”, TS Huyền bình luận. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền coi loa phường là dấu vết văn hóa tiểu nông, khi làng xã giao việc truyền thông cho anh mõ. Anh nhận định: “Trong xã hội văn minh hiện đại, hệ thống quản lý nhà nước về pháp luật phải được phổ cập trên những phương tiện truyền thông đại chúng và thống nhất chứ không phải mỗi phường lại có một hệ thống thông tin và ra những quy định riêng. Cái đấy là hình ảnh của phép vua thua lệ làng ngày xưa.”

Không thể phủ nhận ưu điểm của hình thức phát thanh trong những hoàn cảnh đặc biệt. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhắc đến loa công suất lớn đã được sử dụng trong chiến tranh chống Mỹ hai bên bờ sông Bến Hải để tuyên truyền. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Huyền, trong thảm họa kép động đất sóng thần Fukushima (Nhật Bản) khi mà hệ thống “loa phường” nếu có cũng hư hỏng nặng, người ta đã dùng loa gắn lên máy bay trực thăng để chỉ dẫn cho người dân đường đi nước bước, nhờ đó nhiều người đã được cứu sống.

Loa phường chỉ là một biến thể của hệ thống phát thanh công cộng đang hoạt động ở Hà Nội. Hiện nay đến các ngã tư vào giờ tan tầm, người dân đã quen với tiếng loa: “Công an Hà Nội kính chào người tham gia giao thông…”. Sau đó phát thanh viên sẽ đọc các quy định về an toàn giao thông. Nhưng nếu ai cũng đứng lại để nghe cho hết, đảm bảo tắc đường sẽ trầm trọng hơn nhiều.

MỚI - NÓNG