Loa phường: Chỗ cần, nơi thành nỗi ám ảnh

Phòng phát thanh xã Kim Lan, huyện Gia Lâm
Phòng phát thanh xã Kim Lan, huyện Gia Lâm
TP - Trong khi nhiều huyện ngoại thành, người dân vẫn thấy cần chiếc loa phường thì ở những quận nội thành, khu phố cũ của Thủ đô, loa phường từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh phải chịu đựng.

Khách Tây xin… tắt loa phường!

Trong khi đó, tại khu phố cổ, loa phường như nỗi “ám ảnh” của người dân. Thậm chí, có lần nó đã khiến vài du khách người Anh thuê khách sạn tại ngõ Tạm Thương (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) “nổi đoá”, đến đập cửa UBND phường vì cái tiếng chói tai không thể chịu nổi của nó. Cũng tại khu vực này, một thanh niên đến xin phường tắt hộ loa vì gia đình đang có người nhà hấp hối…Nhiều trường hợp loa hỏng không sửa kịp thời kêu chói tai rất khó chịu...

Có mặt tại phòng phát thanh nằm trên tầng 5 của UBND phường Hàng Gai, ông Khúc Đình Hoàng, người có thâm niên hơn 22 năm làm phát thanh cơ sở ở phường chia sẻ với PV nhiều câu chuyện về loa phường. Mặc dù vẫn mong muốn gắn bó với hệ thống loa, nhưng ông vẫn khẳng định: “Tác dụng của loa phường đã giảm dần, như trong khu phố cổ này, thì tác dụng đã hết từ lâu”!

Liệt kê tác dụng của loa phường như: thông báo nhận lương hưu, tiêm phòng dịch chó mèo, chương trình tiêm chủng mở rộng… thì tất cả đều đã qua cái thời hữu ích. Ông Hoàng nói: Đối với lương hưu, một số cụ đã lấy lương qua tài khoản ATM, tới đây đến hết tháng 3/2017, lương hưu sẽ được chuyển qua đường bưu điện; Một năm có 2 đợt tiêm phòng dịch chó mèo, nhưng mỗi đợt cũng chỉ lác đác 1, 2 người đến tiêm. Bởi chó mèo cảnh giờ toàn loại đắt tiền, mỗi mũi tiêm hàng trăm ngàn. Thậm chí, người tiêm dịch vụ đến tận nhà chứ không phải đưa chó mèo đi đâu; Về chương trình tiêm chủng mở rộng thì cộng tác viên dân số, cán bộ trạm y tế có đưa giấy mời đến tận nhà nhưng ít ai đi. Nhiều gia đình tiêm trước ở các trung tâm tiêm chủng uy tín rồi…

Bên cạnh đó, hệ thống loa không dây hiện nay 100% xảy ra lỗi tín hiệu. Đó là lúc người dân nghe thấy tiếng sôi rú lên đủ loại âm thanh hỗn tạp. Đây là loại hệ thống loa nén nên tiếng kêu nghe rất kinh khủng. “Đặc biệt với những người ngồi ngay dưới cột loa thì âm thanh này không khác gì giết màng nhĩ”, ông Hoàng nói.

Không chỉ một lần, điện thoại cán bộ truyền thanh réo lên vì người dân yêu cầu tắt loa. Hai vị khách du lịch người Anh ở tại phố Tạm Thương đã từng đến đập cửa UBND phường Hàng Gai lúc sáng sớm chỉ vì không chịu nổi tiếng ồn từ loa phường. Sau đó, họ gọi trực tiếp cho Chủ tịch UBND phường để yêu cầu tắt loa. “Những khách du lịch đó nói rằng: Họ chưa bao giờ phải nghe âm thanh to và  kinh khủng như vậy”, ông Hoàng chia sẻ.

Vẫn cần ở thôn quê

Gần chục năm nay, căn phòng chỉ vọn vẹn 2m2 tại UBND xã Cổ Loa, huyện Đông Anh là nơi làm việc của 3 cán bộ phát thanh xã, nơi hàng ngày sản xuất, phát những thông tin “nóng” nhất của địa phương. Có 42 năm gắn bó với hệ thống loa truyền thanh địa phương, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng đài phát thanh xã Cổ Loa chia sẻ: Đam mê đã gắn kết tôi với nghề phát thanh. Quả thật, công việc không có lương, không chế độ gì kể cả tiền hưu trí, bảo hiểm… Chỉ có khoản phụ cấp Trưởng đài với mức 1,7 triệu đồng/tháng.  Ông Long cho biết, công việc hàng ngày của ông là tuyên truyền, thông báo đến người dân mọi thông tin cơ bản nhất của đời sống – xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, mỗi tuần, đài sản xuất ít nhất 3 bản tin. Đặc biệt, là vùng đất có nhiều lễ hội, đài phải kéo dài thời gian để đọc thông tin lễ hội. Từ truyền thống lễ hội, đến tuyên truyền an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, văn hoá lễ hội… Từ đó, người dân và du khách thấm dần, văn hoá lễ hội được nâng cao rõ rệt. “20 cụm loa không dây, chỉ cần một cụm loa hỏng, là ngay ngày hôm sau, bí thư, trưởng thôn gọi nhắc sửa ngay”, ông Long chia sẻ. Trong đời làm phát thanh cơ sở, không ít lần ông bị kiện bởi những mẩu tin mà người dân cho là “sai”. Đó là những dịp ông được gặp thính giả của mình, giải thích cho họ nghe đầy đủ thông tin bằng sự “say nghề”.

Chưa gắn bó với nghề lâu năm như ông Long, anh Nguyễn Hoàng Tùng (cán bộ văn hoá xã Kim Lan, huyện Gia Lâm) cho rằng: Trông thế thôi, bình thường thì không sao nhưng cứ khi loa hỏng là người dân điện báo sửa ngay. Anh Tùng thông tin thêm, bà con ở xã Kim Lan hơn 80% làm nghề gốm, cả ngày quần quật với công việc nên hiếm khi được đọc báo, xem tivi. Thế nên, loa xã là nơi họ cập nhật thông tin hằng ngày, giải trí trong lúc lao động cực nhọc. Xác định bản tin xã là “món ăn tinh thần” cho nhân dân nên anh Tùng cùng trưởng đài đầu tư thời gian để sản xuất những chương trình hay, hấp dẫn, đầy đủ thông tin bà con cần.

Ông Lê Hoàng Đức, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, có thể loa phường với những phường có dân số ít thì không quá quan trọng, nhưng những phường dân số đông đến 15.000 - 20.000 người thì loa phường là cách tuyên truyền hiệu quả vì không phường nào đủ cán bộ đi đến từng nhà tuyên truyền được.                 

Chiều 9/2, hệ thống khảo sát, lấy ý kiến về hệ thống thông tin cơ sở thành phố Hà Nội trên trang: https://hanoi.gov.vn/tham-do-y-kien đã hoạt động trở lại sau 2 ngày nâng cấp.

Trao đổi với PV, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: Cần nghiên cứu kỹ hơn về mọi mặt của hệ thống loa phường. Những khu vực nội thành, nơi loa phường lạc hậu, tiêu tốn tiền bạc, gây ra sự phản cảm, ô nhiễm tiếng ồn… thì nên giảm thiểu. Ở những vùng ngoại thành nếu loa phát thanh vẫn phát huy được vai trò, duy trì sự ảnh hưởng thì vẫn nên được duy trì.

MỚI - NÓNG