Theo phản ánh của các tài xế, tuyến đường này được quy định tốc độ tối đa 100km/h, tối thiểu 60km/h. Tuy nhiên, kể từ khi dựng rào chắn tới nay, các phương tiện không chạy được quá 60km/h, thậm chí có chỗ chỉ chạy được tốc độ khoảng 20 đến 30km/h. Cũng bởi lý do đó, nhiều tài xế cho rằng, họ trả phí cao tốc nhưng phải đi đường đang sửa với ngổn ngang rào chắn là không công bằng.
Tuyến cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình có chiều dài 50km, thiết kế vận tốc 120km/h, được đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 30/6/2012. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, do chưa trải lớp nhựa nhám nên các phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc này chưa được chạy với tốc độ 120km/h.
Trao đổi với PV, ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Cty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho biết, hiện tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình đang được trải lớp nhựa nhám để nâng cấp chứ không phải sửa chữa. Theo ông Tuấn, việc trải nhám được triển khai từ tháng 7/2015. Đến cuối tháng 12/2015 (trong khoảng 3 tháng), dự kiến sẽ hoàn thiện, qua đó nâng tốc độ tối đa lên 120km/h.
Về việc đường chất lượng thấp nhưng vẫn thu phí, ông Tuấn mong muốn người dân thông cảm, chia sẻ với doanh nghiệp, sau này khi tuyến đường nâng cấp, tăng tốc độ lên 120km/h sẽ giữ nguyên mức phí như hiện tại. Ông Tuấn cảnh báo, trong thời gian thi công, các phương tiện lưu thông trên tuyến đường cần chú ý quan sát hệ thống đèn báo, biển báo và người điều khiển giao thông.
“Mong nhân dân thông cảm”
Liên quan thi công bù vênh, thảm bê tông nhựa tạo nhám tại tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho hay: Bộ GTVT vừa có công văn yêu cầu Tổng Cty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khắc phục tồn tại và đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường. Cụ thể, dự án này triển khai từ ngày 10/10, qua kiểm tra thực tế còn một số tồn tại như: Phân luồng thi công còn dài, phân luồng nhưng chưa thi công ngay, chiều rộng dành cho làn xe chạy một số đoạn còn hẹp; tại đầu một số vị trí thi công còn thiếu biển báo hiệu phía trước có công trường thi công, các đoạn chuyển làn còn ngắn; một số đoạn hàng rào phân làn chưa thẳng, ngay ngắn, dây phản quang chưa đầy đủ. Thiết bị thi công đã được huy động đầy đủ, tuy nhiên còn có mũi thi công để thiết bị rải rác, chưa tập trung thành dây chuyền thi công; một số mũi thi công, bảo hộ lao động chưa đồng bộ. Bộ GTVT chỉ đạo VEC khắc phục ngay các tồn tại nêu trên; bổ sung bảng thông báo ghi đầy đủ thông tin của gói thầu để người dân nắm bắt về dự án.
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo VEC thừa nhận tình trạng xe lưu thông chậm, chất lượng dịch vụ giảm trong quá trình thi công và đề nghị giảm, hoặc dừng thu phí là “hoàn toàn có lý”.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VEC Trần Quốc Việt lý giải: “Không phải tuyến đường hỏng mà chúng tôi tổ chức thi công; mục tiêu của lần thi công này là để người dân có thể lưu thông tốt hơn, từ 100 km/h lên 120 km/h. Với mục tiêu đó, rất mong nhân dân thông cảm”.
Ông Việt cho biết thêm, lý do khó giảm phí khi nâng cấp đường vì nguồn thu eo hẹp, trả nợ vay cao. “Mỗi ngày toàn tuyến có thể thu được khoảng 1 tỷ đồng. Đó là nguồn thu đáng kể để chúng tôi có kinh phí thi công lần này và trả lãi vay. Trường hợp muốn giảm hoặc dừng thu phí thủ tục cũng rất phức tạp. Bởi phương án thu hồi vốn của toàn dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa được Chính phủ phê duyệt; giờ lại trình phương án bổ sung giảm hoặc dừng một thời gian ngắn sẽ rất phức tạp”, ông Việt giải thích.
Ông Trần Quốc Việt cho biết, sau khi dư luận lên tiếng và Bộ GTVT nhắc nhở, lãnh đạo VEC liên tục họp và đôn đốc thi công trên hiện trường. “Chúng tôi bám sát công trường từng ngày để phấn đấu hoàn thành muộn nhất vào cuối tháng 12 tới. Từ nay đến đó, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị thi công gọn gàng để xe có tốc độ lưu thông cao nhất” – ông Việt hứa.