Công nghệ chữa cháy 6 không
Mất 17 năm tìm tòi nghiên cứu với nhiều thử nghiệm, kỹ sư Phan Đình Phương, Giám đốc Công ty CP Khoa học Công nghệ An Sinh Xanh (gọi tắt Cty An Sinh) cùng các cộng sự phát minh ra công nghệ “Bùng nổ thủy khí hóa hơi sương” (tên tiếng Anh là Aero-hdrodynamic Flashing Fog Ansinhxanh, ký hiệu AFFA 1.500). Thay vì dập lửa trực tiếp bằng nước, công nghệ này biến một mét khối nước bùng nổ thành 1.500m3 hơi sương ngay tại nhiệt độ thường và áp suất thấp 5-8 at. Nhờ đó bao trùm kín cả vùng chân đám cháy, làm lạnh và pha loãng oxy, phá hủy dây chuyền tiền phản ứng chuẩn bị cho sự cháy nên lửa tắt ngay trong chớp mắt. Nhờ đó khi chữa cháy, lượng nước phun vào được tiết giảm xuống hơn mười lần nhưng tốc độ tắt lửa tăng nhanh hơn hàng chục lần.
Phát minh này của kỹ sư Phan Đình Phương được Việt Nam và Cơ quan Sáng chế USPTO Hoa Kỳ cấp 4 bằng độc quyền sáng chế. Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO xét nghiệm với 10 điểm A, công bố toàn cầu và nhận được sự đồng thuận của 147 quốc gia.
Chủ tịch Hiệp hội PCCC NFPA Hoa Kỳ - James M. Shannon đã gửi thư chúc mừng và mời nhà sáng chế Phan Đình Phương làm hội viên chính thức. Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ cũng đã mời kỹ sư Phương làm hội viên. Để đưa sản phẩm này vào triển khai trong thực tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã xây dựng Tiêu chuẩn PCCC Quốc gia TCVN7884: 2008 dựa trên sáng chế này. Cty An Sinh đã chế tạo nhiều thiết bị chữa cháy đủ cỡ như máy chữa cháy cố định, xe chữa cháy đẩy tay, ba lô đeo vai và xe ô tô chữa cháy AFFA 1.500. Riêng xe ô tô chữa cháy AFFA 1.500 có dùng chất chữa cháy là khí khô và sạch, nhờ đó vừa đảm bảo an toàn cho người, vừa không làm ướt tài sản, máy tính, tiền bạc và các kỷ vật quan trọng. Trong trường hợp đám cháy xảy ra ở các nhà máy, tầng hầm sâu, xe AFFA 1.500 phun luồng hơi sương khổng lồ (như sản phẩm công ty sử dụng để phun trên cầu Rồng, Đà Nẵng) cho lửa tự tắt. Lính chữa cháy không phải vào sâu trong vùng đầy khói độc, không phải đập phá công trình để phun nước.
Theo đại diện Công ty An sinh công nghệ AFFA 1.500 được Tập đoàn Điện lực (EVN), 10 tập đoàn Công nghệ cao Nhật Bản, cầu Rồng Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng Việt Nam áp dụng. Ở cầu Rồng Đà Nẵng, thiết bị của An Sinh dùng để phun nước mỹ thuật xa 120m. Hơn ba năm qua với hơn 1.500 lần phun, lưu tốc 4.000 mét khối hơi sương mỗi phút, sản phẩm vẫn chưa phải bảo dưỡng.
Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, người từng trực tiếp xem trình diễn công nghệ này cho rằng sản phẩm ưu việt hơn nhiều sản phẩm đang được sử dụng hiện nay bởi khả năng phun xa hơn, thời gian dập cháy nhanh hơn và vận hành đơn giản hơn. Nếu được ứng dụng vào thực tiễn sẽ rất tốt.
Bị lãng quên
Trước đặc tính ưu việt của công nghệ này, ngày 19/4/2010, Cục PCCC và Cứu hộ cứu nạn (CHCN) có văn bản gửi Công ty An Sinh đồng ý cho công ty áp dụng công nghệ chữa cháy này trong các dự án do mình thử nghiệm.
Ngày 19/9/2011, Cục Cảnh sát PCCC và CHCN có văn bản gửi Sở PCCC các tỉnh, thành phố thuộc trung ương, Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN các tỉnh, thành phố. Công văn hướng dẫn các đơn vị trên cách sử dụng sản phẩm chữa cháy của Công ty An Sinh. Công văn nêu “Sau nhiều năm nghiên cứu, Công ty CP KHCN An Sinh Xanh đã chế tạo thành công và đưa vào ứng dụng thiết bị đẩy nước chữa cháy, được Việt Nam và Hoa Kỳ cấp bằng độc quyền sáng chế. Ngày 29/8/2008, Bộ KH&CN đã ra quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia thiết bị đẩy nước chữa cháy tự vận hành bằng khí nén dựa trên cơ sở của sáng chế này. Cục PCCC và CHCN hướng dẫn một số điểm lưu ý khi áp dụng tiêu chuẩn này…
Cục PCCC và CHCN hướng dẫn để các sở cảnh sát PCCC và các phòng PCCC và CHCN nghiên cứu ứng dụng trong công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC, kiểm tra hướng dẫn sử dụng đối với hệ thống chữa cháy sử dụng khí nén để đẩy nước chữa cháy”.
Như vậy, sản phẩm hoàn toàn có thể đưa vào ứng dụng trong thực tiễn và đã được chứng minh hiệu quả. Tuy nhiên, hơn 5 năm qua, hầu hết các sở, phòng PCCC địa phương đều chưa sử dụng thiết bị này trong công tác PCCC. Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các thiết bị PCCC hiện nay được các đơn vị nhập khẩu từ Đức, Áo, không có sản phẩm của Việt Nam.
Kỹ sư Phan Đình Phương tâm sự, ông mong muốn có một buổi trình diễn đối chứng sản phẩm của mình với sản phẩm đang được các sở cảnh sát PCCC. Ông cho biết sẵn sàng chuyển giao hết các loại máy mẫu, bí quyết công nghệ, hóa chất chữa cháy - tất cả đều do Việt Nam chế tạo - để Bộ Công an áp dụng rộng rãi.
Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng KH&CN người từng trực tiếp xem trình diễn công nghệ này cho rằng, sản phẩm ưu việt hơn nhiều sản phẩm đang sử dụng hiện nay bởi khả năng phun xa hơn, thời gian dập cháy nhanh hơn và vận hành đơn giản hơn. Nếu được ứng dụng vào thực tiễn sẽ rất tốt.