Xử lí những đám cháy, tìm phương án cứu người bị nạn là nhiệm vụ đồng thời đó là thử thách liên quan trực tiếp tới tính mạng của những người lính cứu hỏa. Việc lao vào đám cháy là họ sẵn sàng đối diện với hiểm nguy. Không kể nguy hiểm từ lửa, áp lực khói, những khí độc trong đám cháy thậm chí những ngôi nhà xi măng, cốt thép có thể đổ sập bất cứ khi nào.
Ví dụ, trong thảm họa xảy ra tại Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Mỹ ngày 11/9/2001. Hơn 300 lính cứu hỏa Mỹ đã hy sinh khi làm công tác cứu hộ đúng lúc tòa nhà, tưởng như vĩnh cửu bởi bêtông cốt thép đã đổ sập.
Bên cạnh những nguy hiểm trực tiếp từ đám cháy thì ảnh hưởng về sau này đối với những người làm nghề cứu hỏa cũng đáng lo ngại. Một số căn bệnh mà lính cứu hỏa có thể mắc phải như: hẹp động mạch, ung thư, những bệnh về đường hô hấp, viêm da… Căn bệnh hẹp động mạch là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim ở con người.
Qua khảo sát của các nhà khoa học tại đại học Kansas (Hoa Kỳ), có 22 trong số 77 người lính cứu hỏa ở độ tuổi 39 nhưng lại có mạch máu tương tự những người ở tuổi 52, do có sự hẹp đáng kể ở động mạch cảnh mặc dù chưa có biểu hiện triệu chứng bên ngoài.
Các nhà khoa học giải thích, sự phơi nhiễm với những chất độc hại, căng thẳng và tính chất công việc dẫn đến chế độ ăn uống nghỉ ngơi không phù hợp có thể là những yếu tố tác động làm tăng tỉ lệ hẹp động mạch ở những người lính cứu hỏa.
Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc bệnh ung thư của nhân viên cứu hỏa cao hơn hẳn những người làm các công việc khác.
Nguy cơ ung thư cao
Trước đây, một nghiên cứu của Viện Quốc gia về Sức khỏe và an toàn nghề nghiệp Hoa Kỳ (the National Institute for Occupational Safety and Health - NIOSH) đã khẳng định mối liên quan giữa công việc chữa cháy và bệnh ung thư. Khảo sát trên 20.000 nhân viên cứu hỏa ở 3 thành phố lớn ở Hoa Kỳ trong 60 năm qua dựa theo thời gian phục vụ công tác chữa cháy cho kết quả: có 1.300 người đã chết vì ung thư và 2.600 trường hợp bị bệnh liên quan đến ung thư.
Các loại ung thư được khảo sát gồm có: Ung thư bàng quang, trực tràng, thực quản, phổi, tuyến tiền liệt, bạch cầu và limpho không Hodgkin. Tử vong do bệnh phổi mạn tính, bệnh mạch vành tim, xơ gan do rượu, cũng được tính vào nhằm chỉ rõ hậu quả của lối sống liên quan đến nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu.
Qua nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Cincinnati (Mỹ) tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở 110.000 nhân viên cứu hỏa ở Mỹ và châu Âu, nhóm nghiên cứu nhận thấy khả năng mắc ung thư tinh hoàn ở lính cứu hỏa cao hơn những người làm nghề khác tới 100%, còn nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 28%.
Ngoài ra, nguy cơ bị bệnh máu trắng và u tủy ở lính cứu hỏa cũng cao hơn người bình thường tới 50%.
Tiến sĩ Grace LeMasters, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng lính cứu hỏa thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều hóa chất có khả năng gây ung thư, chẳng hạn như benzene, chloroform, xút, styrene và formaldehyde. Những loại hóa chất này có thể thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc da mỗi khi họ thực hiện nhiệm vụ chữa cháy.
Thêm vào đó, những thiết bị bảo hộ cho lính cứu hỏa thường cồng kềnh, nặng và gây cảm giác vướng víu khi mặc, vì thế ngay khi dập xong đám cháy, lính cứu hỏa thường cởi bỏ chúng ngay lập tức mà không biết rằng xung quanh hiện trường vẫn còn nhiều hóa chất, rất dễ bám trực tiếp vào cơ thể người.
Ngoài những bệnh nguy hiểm kể trên, mỗi người lính cứu hỏa thường dễ dàng mắc các bệnh thông thường như: hô hấp, viêm da… nguyên nhân là do tính chất công việc và sự tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất khác nhau khi thực hiện nhiệm vụ.