> Điểm tên doanh nghiệp lãi lớn, sếp lương 'khủng'
> Lương 'khủng' tại DN công ích: Biểu hiện của suy thoái đạo đức
Cũng là tương phản, nhưng người sáng lập và điều hành mạng Facebook Mark Zuckerberg chỉ nhận lương 1 USD mà không có bất kỳ khoản thưởng nào trong năm nay. Người điều hành các tập đoàn nổi tiếng như Oracle (chuyên về phát triển phần mềm), Citigroup (tài chính, ngân hàng), Tesla Motors (ô tô)... cũng từng tuyên bố tương tự.
Lý do là, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc người đứng đầu “nhường cơm sẻ áo” cho người lao động làm động lực cho doanh nghiệp vượt khó. Đó là triết lý kinh doanh của những tập đoàn kinh tế lớn, tầm vóc đa quốc gia.
Ở những nơi này chắc không có nhiều khẩu hiệu hô hào vì người lao động, mà chỉ có hành động thực tiễn sinh động. Nếu như Facebook, Citigroup hay Apple nhăm nhe ăn chặn của người lao động thì làm sao danh tiếng và tiền bạc vượt qua biên giới như ngày nay.
Đối với triết lý kinh tế hiện đại, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên đem bán thô, không được gọi là kinh tế theo nghĩa là phát triển bền vững. Có những thứ độc quyền khiến cho doanh nghiệp kiếm bộn tiền, nhưng có hại cho toàn cục cũng không gọi là kinh tế theo nghĩa bền vững.
Những doanh nghiệp được sinh ra độc quyền do cơ chế là những sản phẩm của sự lạc hậu. Thời buổi khó khăn, bao nhiêu doanh nghiệp phá sản hoặc vật vã sống sót, nhiều doanh nghiệp độc quyền lại lãi lớn. Điều này không thể là mô hình của nền kinh tế bền vững.
Người công nhân nạo vét cống có lẽ sẽ luôn tự vấn vì sao hằng ngày trầm mình giữa mùi hôi thối, độc hại, nhưng thành phố vẫn không ngừng ngập nước; kênh Nhiêu Lộc, sông Tô Lịch...vẫn đầy rác rưởi. Bởi vì, quanh năm suốt tháng, lãnh đạo công ty cũng chỉ có bấy nhiêu giải pháp thoát nước. Có lẽ điểm sáng tạo nhất là thay vì thuê lao động dài hạn, thì thuê hợp đồng thời vụ để giảm chi phí. Số tiền dôi dư ra, lãnh đạo hưởng.
Sự tương phản giữa cung cách làm ăn của doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân là điều không khó nhận ra. Đó là một bên tiền, vốn họ chắt chiu, dành dụm “đồng tiền liền khúc ruột” nên họ trân quý và “đổ mồ hôi sôi nước mắt” để bắt nó sinh lời. Một bên thừa hưởng tiền, vốn cấp sẵn và một cơ chế “chiếu trên” nên việc “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi” là điều dễ hiểu.