Để “nhân bản” việc tốt

Để “nhân bản” việc tốt
TP - Hôm qua, cuối cùng Sở Y tế Hà Nội đã trao giấy khen kèm 350 ngàn tiền thưởng cho ba viên chức phanh phui vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Chỉ có điều lạ là, ba phụ nữ dũng cảm nói trên lại khóc nức nở ngay trong lễ trao thưởng.

> Vụ tiêu cực ở BV Hoài Đức: Nghẹn ngào lễ trao thưởng
> Báo cáo Thủ tướng vụ 'nhân bản xét nghiệm'

Lạ hơn nữa, theo tường thuật của phóng viên Tiền Phong, không khí lễ khen thưởng khá tẻ nhạt, không thấy hoa tươi và rộn ràng lời chúc. Người trao cũng kiệm lời, còn người nhận cũng không thấy phát biểu gì, chỉ nghẹn ngào đỏ hoe đôi mắt!

Lạ nhưng dễ hiểu. Bởi vui sướng gì mà đi tố cáo đồng nghiệp, vụ việc bị khởi tố điều tra còn các chị nhận giấy khen, chưa kể có người còn đang bị tố cáo ngược. Họ cầm trên tay giấy khen mà lòng nặng trĩu, và biết “phía trước là muôn vàn khó khăn đang đợi mình”, như lời của chị Nguyệt nói với phóng viên.

Ông Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, giấy khen nói trên là phần thưởng ghi nhận quý giá, là nguồn động viên cho những người dũng cảm tố cáo sai phạm. Ý nghĩa của việc khen thưởng người tốt, việc tốt thì đã rõ, song không hiểu sao buổi lễ diễn ra có vẻ quá chóng vánh. Không có phần phát biểu của những “nhân vật chính”, thậm chí thiếu cả những cái bắt tay cùng nụ cười chúc mừng động viên của những người lãnh đạo.

Song bất ngờ nhất chính là giá trị của mỗi phần thưởng chỉ vỏn vẹn có 350.000 đồng. Chẳng lẽ những phụ nữ dám tố cáo, dám phanh phui vụ việc động trời - “nhân bản” cả ngàn xét nghiệm máu trong suốt một thời gian dài - lại chỉ được nhận phần thưởng chưa bằng phong bì một cuộc họp? Có thể viện lý do theo quy định khen thưởng này nọ, song chả lẽ không có cách nào trao thưởng cho họ xứng đáng hơn!? Còn nhớ, ngay cả các chiến sĩ công an, dẫu là trách nhiệm bổn phận của họ, vẫn được thưởng nóng cả chục triệu đồng mỗi khi dũng cảm truy bắt tội phạm.

Một bạn đọc trên Vnexpress bình luận: “Nhìn họ được khen thưởng mà sao thấy lòng đầy lo lắng! Cầu mong sao các bạn luôn được bình an!”. Một bạn đọc khác viết “người ta làm vì lương tâm chứ không phải đợi khen thưởng. Nhưng khi đã khen thưởng thì phải thật xứng đáng, thật công tâm và công bằng”.

Đúng vậy để góp phần “nhân bản” những hành động dũng cảm như của ba viên chức nêu trên, để những tiêu cực, thói hư tật xấu trong xã hội kiểu như vụ “nhân bản” xét nghiệm máu không còn đất sống, việc khen thưởng cho các chị cần phải xứng đáng và trân trọng hơn nữa, cả về tinh thần lẫn vật chất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG