> Phó Thủ tướng có lệnh, vẫn... bó tay!
> Chưa mùa khô, đã khát vì thủy điện
> Đòi lại nguồn nước từ thủy điện Đăkmi 4
Bốn năm qua, câu chuyện vẫn nguyên như cũ.
Vấn đề đặt ra là Đà Nẵng và Quảng Nam sao không can thiệp khi thủy điện Đăkmi 4 mới bắt đầu, để dự án gần hoàn tất mới kêu lên Thủ tướng khi thủy điện này cắt toàn bộ nước Vu Gia đổ sang Thu Bồn?
Ông Huỳnh Vạn Thắng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng không khỏi bức bối: Họ khởi công từ năm 2007, qua báo chí tôi mới biết họ cắt nước Vu Gia, liền truy tìm hồ sơ thiết kế, tài liệu, báo cáo tác động môi trường... rồi quyết liệt yêu cầu. Sau đó phải nhờ Chính phủ can thiệp.
Đành rằng Đăkmi 4 nằm toàn bộ ở Quảng Nam, nhưng ở đây ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng, vậy mà làm không thèm nói với Đà Nẵng một tiếng? Như vậy là sai nguyên tắc. Khá khôi hài là Đà Nẵng bị loại ngoài cuộc, còn Quảng Nam có tên trong thành phần thẩm định lại không hề biết gì(?).
Hai Sở Công Thương và Tài nguyên môi trường tham mưu cho UBND tỉnh, để rồi cuối cùng vẫn cho quả bóng dự án này lọt lưới. Đơn vị tư vấn thiết kế của Đăkmi 4 nhầm cơ bản là lấy nước toàn bộ từ Vu Gia sang Thu Bồn rồi dưới hạ du sẽ được trả lại. Song những cán bộ địa phương, hàng chục năm lặn lội dưới hạ du và trên thượng nguồn Vu Gia – Thu Bồn, lẽ nào cũng nhầm?
Thủy điện Đăkmi 4 đã phát điện, số vốn gần 5 ngàn tỷ cũng được đổ ra, dừng là không thể. Năm 2010, quyết định xả 25m3/s dưới thân đập về cho Vu Gia làm đẹp lòng tất cả.
Đùng cái, mùa khô năm nay, Đà Nẵng lại tiếp tục kiện vì Đăkmi 4 bất tuân thượng lệnh, ông Đỗ Xuân Yến – Tổng GĐ Cty CP thủy điện Đăkmi 4, nói rất có lý: Phải có quy trình điều tiết nước liên hồ mùa kiệt thì chúng tôi mới dám xả. Còn ông Nguyễn Ngọc Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khiến cuộc họp hôm qua té ngửa: Ai ra lệnh xả? Ông nào? Chẳng có ông nào, vậy thì đừng trách thủy điện. Có trách là trách ông trời ấy!
Còn nhớ mùa lũ 2009, khi thủy điện A Vương, Ba Hạ... gây lụt nặng hạ du, các chủ đầu tư kêu trời vì không có quy trình xả lũ liên hồ.
Bộ TN&MT và Bộ Công Thương giật mình ban hành quy trình ngay sau đó. Bây giờ, thủy điện gây khô hạn, quy trình xả điều tiết nước liên hồ mùa kiệt lại là lý do. Sinh ra thủy điện mà không sinh quy tắc để trị thủy điện. Trách ai đây? Ông trời hay con người?