Người tài đến rồi đi...

Người tài đến rồi đi...
TP - Một thời, vị hàng xóm của tôi là giám đốc một công ty nhà nước. Cứ dịp Tết đến, ngay từ ngày ông Công ông Táo là nhà anh lại tấp nập khách ra vào, lỉnh kỉnh túi lớn, túi bé tới chúc Tết sếp.

> Bất an
> không thuê người giỏi
> CHUYỆN nhỏ HAY lớn?

Hai nhà xây khá giống nhau nên nhà tôi hay bị khách nhà anh bấm chuông nhầm. Bẵng đi một dạo, Tết nhà tôi thôi không bị khách bấm nhầm nữa, bên nhà anh cũng yên ắng lạ, chẳng thấy nhộn nhịp như xưa.

Ra giêng, có lần anh sang nhà chơi, tâm sự mới biết, anh đã bỏ làm nhà nước ra lập công ty riêng. Anh bộc bạch: “Vẫn làm Giám đốc, nhưng Tết này đến lượt tôi đi chúc Tết nhân viên ông ạ”.

Té ra, để giữ chân một số nhân viên giỏi, tránh “chảy máu chất xám” sang công ty đối thủ, không những có chế độ đãi ngộ xứng đáng mà anh còn thân chinh tới tận nhà thăm hỏi, chúc Tết họ.

Anh kể, bố mẹ nhân viên nằm viện, là anh phải lo tới thăm hỏi, động viên ngay để họ còn yên tâm làm việc cho mình. Anh kết luận: “Mấy chục năm làm sếp quốc doanh, giờ làm tư nhân tôi mới đúc rút ra bài học xương máu này đấy ông ạ”.

Không biết có ông Giám đốc nhà nước nào áp dụng cách giữ chân người tài, “chiêu hiền, đãi sĩ” như vị Giám đốc tư nhân kia?

Dịp lễ tết, nhân viên không tới nhà sếp mà ngược lại. Không hiểu, trong dòng người tấp nập đi chúc Tết kia, có bao nhiêu phần trăm những người “lội ngược dòng” như vị giám đốc này ? Tôi tin là không nhiều !

Đề án “Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ” đang được các bộ ngành xây dựng, đóng góp ý kiến.

Tại hội thảo về đề án này do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 18-12 vừa qua, nhiều ý kiến tập trung bàn thảo, mổ xẻ một vấn đề nan giải nhưng không mới, đó là, tại sao người tài về rồi lại đi?

Các nguyên nhân được đưa ra đều đúng cả, như lương thấp, môi trường làm việc không hấp dẫn, chưa mạnh dạn giao việc, giao chức cho người tài, người trẻ...

Bên cạnh đó, dư luận cũng từng có nhiều kiến giải khá sâu sắc về vấn đề này. Ví như người tài thường có “tật” là không biết nịnh, họ cũng thường không chịu nổi cảnh kẻ dốt lại lên làm lãnh đạo, rốt cục họ chọn ra đi.

Song chợt nghĩ, nếu vị lãnh đạo các cơ quan nhà nước nào cũng canh cánh lo chảy máu chất xám, cũng thật lòng “chiêu hiền, đãi sĩ”, thậm chí dám “ngược dòng” đến nhà nhân viên giỏi như vị Giám đốc tư nhân kể trên, hẳn khỏi phải đau đáu câu hỏi “vì sao người tài đến rồi lại đi ?” ở các cơ quan nhà nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG