không thuê người giỏi

không thuê người giỏi
TP - Có thực hay không các chủ dự án đầu tư ở Việt Nam chỉ thích thuê các tư vấn làm đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không cần phải giỏi chuyên môn?

> Nghi ngại đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện Đồng Nai 6 - 6A
> Đừng sợ thủy điện

Tư vấn đầu tiên được chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A (ĐN 6&6A)

thuê làm báo cáo ĐTM là Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam. Tư vấn này bị công luận vạch đuôi thực hiện công nghệ sao chép. Tư vấn thứ hai được thế chỗ là Viện Môi trường&Tài nguyên (MT&TN). Tư vấn này cũng bị chỉ trích khi đưa ra hàng loạt nhận định ấu trĩ.

Hai tư vấn này được những người trong nghề khẳng định đều không sở hữu đội ngũ chuyên gia giỏi. Chủ đầu tư liệu có biết?

Nguyên nhân sâu xa, theo TS Nguyễn Khắc Kinh - một trong những quan chức thâm niên nhất ở VN về ĐTM, hóa ra lại nằm ở luật. “Công tác ĐTM ở VN đang được làm theo kiểu vuốt đuôi, không mấy tác dụng”, TS Kinh nói.

Tác dụng lớn nhất của ĐTM là để lựa chọn địa điểm thích hợp cho dự án. “Tác dụng này chiếm không dưới 80% giá trị của ĐTM”, TS Kinh nói tiếp. Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005, thông thường, chủ đầu tư phải làm ĐTM trước khi chọn địa điểm.

Làm như thế là để xem địa điểm mình chọn có phù hợp không, có gây các tác động này nọ mà không thể khắc phục nổi không.

Nếu ĐTM chứng minh dự án không phù hợp, không thể khắc phục được các tác động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bác địa điểm ấy. Quy trình ấy đã thành thông lệ trên thế giới.

Nhưng không hiểu sao chúng ta lại ra hai văn bản kỳ lạ, một cái năm 2008 và một năm 2011, khiến quy trình trên bị đảo lộn.

Theo Nghị định Số 21/2008/NĐ-CP và Nghị định Số 29/2011/NĐ-CP, hầu hết các dự án chỉ phải trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM sau khi địa điểm của dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.

Việc này vô hình trung đã vô hiệu hóa hầu hết tác dụng của ĐTM, trái với tinh thần của Luật BVMT, và trái với cả thông lệ quốc tế.

Dự án thủy điện ĐN 6&6A được làm theo đúng quy trình ngược ấy. Lẽ ra phải làm ĐTM trước xem 327 ha ở VQG Cát Tiên và 137 ha vùng lõi có phù hợp cho thủy điện hay không rồi hẵng đưa vào quy hoạch.

Đằng này, địa điểm đã được chấm vào sơ đồ quy hoạch điện của Bộ Công Thương, đã được Bộ Nông nghiệp dọn chỗ bằng loạt văn bản kỳ lạ. Sau các công đoạn ấy mới cho làm ĐTM. Để làm gì nữa hay chỉ để làm vì?

Vì lẽ đó, sau khi có địa điểm, chủ đầu tư hầu như không mấy quan tâm đến chất lượng ĐTM. Cái họ quan tâm hàng đầu là tư vấn được thuê quan hệ thế nào với các cơ quan thẩm quyền kia có đủ sức “bênh” cho cái ĐTM mang tính hình thức vượt qua các cửa ải để khởi động dự án.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG