Khắc khoải chờ cái mới

Khắc khoải chờ cái mới
TP - Chỉ sau 20 phút được Bí thư thành uỷ tiếp chuyện, một công dân liền rút lại đơn kiện chính quyền về đất đai đã theo đuổi ròng rã suốt 20 năm trời. Câu chuyện vừa được kể tại Quốc hội, thoạt nghe tưởng mới mẻ, nhưng lại toát lên một điều “xưa như trái đất”.

> Quốc nạn ngày càng trầm trọng

Đó là sự cũ kỹ, quan liêu, lạnh lùng quen thuộc của đa phần hệ thống pháp luật, công quyền lâu nay. Chỉ khiến những việc làm đột xuất mang dấu ấn cá nhân của một số vị lãnh đạo địa phương trở nên “lạ lẫm” hơn mà thôi.

Và cũng chỉ đem lại lòng cảm kích của số ít cá nhân đơn lẻ, chứ không phải toàn thể những người dân oan ức ngày một đông trong xã hội đang đỏ mắt tìm kiếm công bằng, lẽ phải.

Hy vọng vào điều mới mẻ gì, khi tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trong lúc vị dân biểu này khẩn thiết kêu gọi phải gặp dân, gần dân, nói tiếng nói của dân nhiều hơn nữa, thì hàng trăm vị dân biểu khác lại xin phép vắng họp nhiều ngày, có khi chỉ để đi nước ngoài dự…lễ tốt nghiệp của con ?

Liệu vấn đề là có gì mới hơn, khi Quốc hội lại đang nóng sôi về câu chuyện chống tham nhũng, vốn đã đến hẹn lại lên suốt bao kỳ họp trước đó? Có tính phát hiện nào không, khi đại biểu Dương Trung Quốc chỉ ra rằng suốt 7 năm qua kể từ khi Luật Phòng chống tham nhũng ra đời, công cuộc chống tham nhũng cũng chỉ như “đánh trận giả, quân xanh quân đỏ cũng đều là quân ta cả.

Khi xung trận súng nổ rất to mà không sát thương được ai vì đạn không có đầu” ? Như thực tế bao nhiêu lâu trước đó, súng trận chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí cũng đã nổ ầm ầm, mà chẳng thu được chiến thắng nào khả dĩ …

Trên đời chẳng ai có thể tự túm tóc nhấc mình lên, cũng khó tự xử phạt chính mình. Ứng xử của người với người, của quan thanh liêm với dân dù tốt đẹp, cũng chỉ thuộc về hành vi cá nhân.

Trong khi xã hội cần vận hành theo cơ chế quản lý và hệ thống luật pháp. Thượng phương bảo kiếm chống tham nhũng, nếu thiếu một cơ chế giám sát chặt chẽ, độc lập, khách quan cộng với hệ thống tư pháp nghiêm minh, thì có loay hoay đến mấy cũng khó khắc chế được quốc nạn tàn khốc này.

Sẽ có gì mới không, về những chiến lược, những quốc sách sáng suốt, công bằng, hiệu quả và nghiêm minh cần có để giải quyết vô vàn vấn nạn rất cũ đang khiến cả xã hội bức xúc, bức xúc mãi rồi sẽ cùn mòn niềm tin, hy vọng? Tâm lý con người ta sau quá nhiều khắc khoải, đến một lúc nào đó cảm thấy “sợ hãi cũng cũ rồi” (*), thì không gì có thể vãn hồi.

(*) Thơ Nguyễn Bình Phương

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG