Mở, và khó đỡ

Mở, và khó đỡ
TP - Cuối cùng thì cũng đã có sách “văn mẫu” cho loại đề thi mở môn văn. Cuộc thi “Ra đề và viết văn theo hướng mở” do một tạp chí và NXB Giáo dục phối hợp tổ chức vừa kết thúc. Từ cuộc thi này, cuốn đầu tiên của tuyển tập đề bài và bài văn theo hướng mở đã được in ấn, phát hành.

> Phát hoảng với bài văn lạ của nữ sinh kể chuyện Tấm-Cám

Tác dụng của loại sách “luyện đề văn mở” này đến đâu còn chờ kiểm nghiệm thực tế. Tuy nhiên, khi “công nghệ văn mẫu” được áp dụng cho cả loại đề mở, vốn nhằm khơi gợi tư duy sáng tạo và góc nhìn táo bạo bất ngờ của học sinh, thì không thể coi là bình thường được.

Từ quá lâu rồi, cả thầy lẫn trò đều đã mất hứng với những đề văn khuôn sáo, giáo điều cứ mỗi kỳ thi đến hẹn lại lên.

Học trò các cấp hầu hết đến với môn văn một cách uể oải, chép lại “văn mẫu” là chính. Bởi vậy, thỉnh thoảng nơi này nơi kia xuất hiện đề thi lạ, bài văn “lạ”, cả nước lại được dịp xôn xao.

Đó chỉ là sự cố gắng làm mới riêng lẻ của một số giáo viên dạy văn. Nhưng đáng tiếc, cách ứng xử của chính những thầy cô ra loại đề ấy nhiều khi lại không khớp với tư duy của học trò trong từng bài làm, nên thường để xảy ra những tình huống dở khóc dở cười, mà ngôn ngữ của teen gọi là “khó đỡ”.

Mới đây nhất là chuyện xảy ra với đề văn “nhập vai nhân vật Cám” trong truyện Tấm Cám. Gặp tình huống bài văn nhập vai phản diện quá xuất thần của em học sinh nọ, nếu cô giáo có “nghề” và thực sự yêu thích văn chương sáng tạo, thì lập tức lớp học sẽ có buổi thảo luận, phân tích, tranh cãi cực kỳ thú vị, sôi nổi về bài làm ấy.

Niềm hứng thú với sự vô biên của thế giới văn chương tưởng tượng chắc chắn sẽ đến với học sinh từ tiết học để đời đó. Thay vì cô giáo chỉ phóng vào bài mấy lời phê cứng nhắc, lạnh lùng.

Khi đã mở, thì phải biết “đỡ” trước mọi tình huống “khó đỡ”. Và với một đề văn mở, càng có nhiều bài văn lạ như vậy, càng chứng tỏ đề bài đã thành công, và học sinh vẫn còn hứng thú với văn chương.

Sự tương tác mạnh mẽ của xã hội hiện đại thông qua internet, báo chí là một lợi thế rất lớn, góp phần tạo diễn đàn bổ ích, lành mạnh xung quanh những bài văn “lạ”, nếu thầy cô biết khôn khéo vận dụng nó một cách chủ động. Chứ không phải cứ đối phó bị động theo kiểu xử lý một xì căng đan.

Gần đây, loại đề thi văn nghị luận tuyển sinh đại học cũng đã mở nhiều. Nhưng cách chấm cũng như ba rem điểm chủ yếu vẫn theo lối cũ. Vẫn chẻ nhỏ cơ số điểm để áp vào từng ý đúng-đủ, chứ không phải cho sự hay-lạ-bất ngờ.

Nên càng thêm nghi ngại, khi xuất hiện loại sách công cụ luyện đề văn mở. Với cung cách dạy văn, chấm văn hiện nay, liệu khi ấy học sinh có phát huy cảm thụ, sáng tạo độc đáo riêng mình, hay lại lười biếng “mở” trong những cái khuôn đúc sẵn?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học: Hướng tới nền giáo dục không cần dạy thêm, học thêm
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học: Hướng tới nền giáo dục không cần dạy thêm, học thêm
TPO - Trò chuyện với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trường học nên hướng tới việc không dạy thêm học thêm. Bên cạnh đó, phụ huynh, người dân cũng cần thay đổi nhận thức về việc cho con đi học thêm kiến thức quá nhiều, không chú trọng các kỹ năng khác "để khi ra đời dễ bị thua thiệt".